Thời gian gần đây mạng xã hội của Trung Quốc liên tục chia sẻ lời cảnh báo của một bác sĩ về cách sơ cứu sai lầm khi bị chảy máu cam.
Bác sĩ Chen - một người có nhiều năm làm việc trong khoa cấp cứu và cũng khá nổi tiếng trên mạng xã hội Douyin - đã đăng một clip chia sẻ về trường hợp đáng tiếc của cậu bé 3 tuổi ở Hồ Nam (Trung Quốc). Khi bị chảy máu cam, cậu bé đã ngửa cổ lên theo thói quen để ngăn máu chảy. Kết quả là máu chảy ngược xuống cổ họng, không may chặn khí quản. Khi được đưa tới bệnh viện, gương mặt cậu bé đã tím tái và dù các bác sĩ cố gắng cứu chữa nhưng không thành công.
Thực tế trong cuộc sống, tình trạng chảy máu cam diễn ra khá phổ biến, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Thời tiết nắng nóng, trẻ nhỏ càng dễ bị chảy máu cam hơn. Bác sĩ Lai Yingda, bác sĩ điều trị tại Phòng khám Tai Mũi Họng ở Hồ Nam cho biết, chảy máu cam thường do ngứa mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi và do dùng lực quá mạnh khi chà xát mũi, hoặc tổn niêm mạc mũi do nhét giấy vệ sinh hoặc xì mũi.
Niêm mạc mũi có nhiều mạch máu nên dễ bị tổn thương, gây chảy máu. Đây là lý do tại sao chảy máu cam thường xuất hiện nhiều nhất ở những người bị viêm mũi dị ứng vì họ thường dùng nhiều hành động để giảm ngứa mũi nên dễ làm tổn thương niêm mạc mũi.
Nhiều người khi thấy trẻ chảy máu cam thường dặn trẻ ngửa cổ để máu mũi không chảy ra hoặc cho trẻ nằm ngửa. Tuy nhiên đây là một cách làm sai lầm. Ngửa đầu ra sau khi bị chảy máu mũi không chỉ vô dụng mà còn có thể nguy hiểm. Jeffrey Suh - giáo sư phẫu thuật đầu và cổ tại Trường Y David Geffen thuộc Đại học California, Los Angeles (Mỹ) cho biết hành động này có thể khiến máu chảy xuống cổ họng hoặc vào dạ dày, gây nôn nửa.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, điều đó có thể gây nghẹt thở hoặc gây viêm phổi vì máu có thể bị nhiễm vi khuẩn từ cổ họng.
Cách xử lý đúng khi bị chảy máu cam
Bất kể người lớn hay trẻ nhỏ khi bị chảy máu, trước tiên phải thật bình tĩnh, ngồi xuống ghế và hơi ngả ra phía trước (gập người về phía trước) sao cho vị trí mũi cao hơn vị trí tim. Vì khi ở vị trí này, máu sẽ chảy ra ngoài hai lỗ mũi mà không chảy ngược vào họng.
Dùng hai ngón tay (ngón cái và ngón trỏ) bóp chặt liên tục hai cánh mũi để chúng chụm lại với nhau trong khoảng 10 phút. Khi ấy sẽ thở bằng miệng. Tuyệt đối không được nuốt máu bởi nếu nuốt vào thì có thể gây nôn hoặc tiêu chảy, thậm chí nghẹt thở.
Khi máu đã ngưng chảy, không nên khụt khịt, hắt hơi hay ngoáy mũi vì sẽ rất dễ khiến cho máu chảy lại.
Những trường hợp bị chảy máu cam cần tới viện gấp:
Chảy máu cam hiếm khi cần đi cấp cứu nhưng trong một số trường hợp, bạn nên tới viện nếu:
- Mũi chảy máu trong 20 phút và không ngừng lại dù đã thử các bước sơ cứu ở trên.
- Máu chảy ra rất nhanh và lượng máu nhiều hơn cả một cái cốc.
- Có các triệu chứng khác như da nhợt nhạt, lú lẫn, đau ngực hoặc khó thở.
- Chảy máu mũi xuống cổ họng.
- Chảy máu do chấn thương vùng mặt (như gãy mũi ), tai nạn xe hơi, hay bị đánh vào đầu.
- Đang dùng thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu).
Theo Minh Minh (thoidaiplus.giadinh.net.vn)