Vô tình chạm biển quảng cáo, bé gái bị điện giật tử vong dù rất nhiều bạn bè xung quanh
Sáng 10/11, VietNamNet đưa tin bác sĩ Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về việc tiếp nhận trường hợp trẻ (10 tuổi, Hà Nội) tử vong trong nhà tắm của gia đình.
Theo người nhà bệnh nhi chia sẻ, vụ việc xảy ra vào chiều ngày 27/10, bố mẹ đi làm vì vậy trẻ ở nhà một mình. Chiều cùng ngày, người thân trở về nhà và phát hiện con nằm bất động trên nền nhà tắm, tay cầm vòi hoa sen còn mở.
Lúc này, trẻ tím tái toàn thân, ngừng thở, ngừng tim, gọi hỏi không đáp ứng, người nhà tiến hành ép tim nhưng không đáp ứng.
Trước đó, gia đình bệnh nhi cho biết, người nhà sờ vào vòi hoa sen trong nhà tắm đã có cảm giác tê tê ở tay và nghi điện hở tuy nhiên chưa kịp sửa thì xảy ra sự việc đáng tiếc trên.
Trẻ được quấn khăn quanh người và đưa vào Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Bác sĩ Trung tâm Nhi khoa thông tin, trẻ vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng thở trong thời gian dài, tím tái toàn thân, SpO2 không thể đo, không thể bắt mạch, đồng tử 2 bên giãn. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn nhưng không hiệu quả.
Tai nạn đau lòng này một lần nữa cảnh báo nguy cơ khi sử dụng thiết bị điện trong phòng tắm. Các bác sĩ Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho Người đưa tin biết, hiện miền Bắc đang bước vào mùa đông với các đợt không khí lạnh tăng cường.
Vì vậy nhu cầu sử dụng các thiết bị làm ấm, thiết bị sưởi, đun nước, bình nóng lạnh cũng tăng cao. Người tiêu dùng cần tuân thủ các quy định để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Lập tức thay đổi thói quen vừa bật bình nóng lạnh vừa tắm vì nghĩ rằng đã có rơle tự ngắt.
Để đảm bảo an toàn, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên tắt các thiết bị nóng lạnh trước khi tắm. Thường xuyên kiểm tra sự an toàn của thiết bị này. Trường hợp phát hiện thiết bị bị rò điện cần xử lý sớm tránh trường hợp đáng tiếc. Với trẻ khi tắm hay sử dụng các thiết bị điện cần có người lớn ở nhà đề phòng các trường hợp nguy hiểm trẻ không thể tự xử lý.
Ngoài ra, người dân cũng nên trang bị thêm kỹ năng cứu người bị điện giật do dùng bình nước nóng để đảm bảo an toàn cho người bị nạn và cả bản thân mình.
Trao đổi với Thanh Niên, BS.CKI. Đào Đức Cường - Phó khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết: Sơ cứu người bị điện giật đòi hỏi phải nhanh chóng, đúng cách và đảm bảo an toàn. Khi luồng điện đi qua cơ thể, nạn nhân có thể bị bỏng, hoặc các tổn thương khác như ngưng tim,… Chưa kể, nếu nạn nhân té ngã do điện giật còn gây ra các chấn thương ở đầu, cột sống. Do đó, nếu nạn nhân không được sơ cứu kịp thời có thể để lại di chứng nặng nề hoặc tử vong ngay tại chỗ.
Quy trình cứu người bệnh bị điện giật
1. Tắt cầu dao, gọi cơ quan chức năng (cấp cứu 115 và ngành điện);
2. Ở vị trí cách điện, dùng vật liệu cách điện tách người bị điện giật ra khỏi nguồn điện;
3. Sơ cứu: nhanh chóng đưa nạn nhân đến nơi an toàn, khô ráo.
Hướng dẫn cách cấp cứu cho người bị điện giật
Với những người bị điện giật thì cách cấp cứu phụ thuộc chủ yếu vào tình huống lúc đó diễn ra như thế nào:
Nếu nạn nhân ngưng tim ngưng thở: Kêu gọi trợ giúp, gọi cấp cứu 115. Hãy đặt bệnh nhân nằm ngửa, ở nơi thoáng khí. Sau đó, tiến hành nới rộng quần áo, dây thắt lưng. Thực hiện hồi sức tim, phổi như sau:
+ Đặt lòng bàn tay vào khoảng 1/3 phần dưới xương ức. Sau đó, để tay thẳng góc với xương ức rồi ép tim với tần số 100-120 lần/phút. Nên nhớ, không gián đoạn ép tim quá 10 giây.
+ Dùng trọng lượng cơ thể ấn lồng ngực nạn nhân lún xuống ít nhất 5 cm. Đảm bảo ép thẳng xuống xương ức.
Người lớn ưu tiên nhấn tim hơn thổi ngạt:
- 1 chu kỳ 2 phút
- Tần số 100-120 lần/phút
- Ấn sâu ít nhất 5 cm
- Để ngực nảy lên hoàn toàn sau mỗi lần ấn tim
+ Tiến hành cấp cứu như vậy cùng người trợ giúp trong khi chờ lực lượng cấp cứu 115 đến hỗ trợ
Nếu nạn nhân tỉnh, da niêm mạc hồng
- Tiến hành chuyển nạn nhân tới nơi khô ráo, có không khí thoáng nhằm giúp nạn nhân tỉnh dần rồi đưa tới bệnh viện gần nhất để tiến hành theo dõi cũng như chăm sóc.
- Giữ cho người bệnh luôn ấm áp.
Một số lưu ý cần biết khi sơ cứu nạn nhân bị điện giật
- Trong quá trình sơ cứu người bị điện giật, phải thực sự bình tĩnh, tuyệt đối không được hoảng loạn. Bởi lẽ, thời gian để cứu được nạn nhân chỉ có vỏn vẹn vài phút.
- Cần tránh chạm vào nạn nhân cũng như khu vực truyền điện khi chưa tiến hành ngắt điện.
- Người tiến hành sơ cứu nên đeo găng tay cao su, đi dép khô, đứng ở nơi khô ráo để ngắt điện.
- Để bệnh nhân ở nơi thực sự khô ráo, thoáng khí cũng như nới rộng trang phục của bệnh nhân.
PN (Nguoiduatin.vn)