Ngày 16/3 vừa qua, bác sĩ Ngô Xương Đằng, khoa nhi cấp cứu, bệnh viện Linkou Chang Gung Memorial Hospital, chia sẻ về trường hợp một bệnh nhi (5 tuổi) được mẹ đưa đến bệnh viện trong tình trạng khó thở.
Hỏi thăm thói quen sinh hoạt của bệnh nhi, bác sĩ Ngô được biết bệnh nhi trước đây là một cô bé hoạt bát, kể từ tháng trước em bắt đầu có biểu hiện thèm ăn. Khoảng vài ngày trước, cô bé liên tục kêu khát, đòi uống nước và tình trạng này kéo dài 10 ngày.
Khi đến bệnh viện, bệnh nhi bắt đầu có dấu hiệu lảo đảo, tinh thần không tốt. Sau đó, cô bé tiếp tục có dấu hiệu nôn mửa, đau bụng, khó thở và thậm chí mất nước nghiêm trọng.
Bác sĩ Ngô hoài nghi bệnh nhi nhiễm toan ceton do đái tháo đường nên lập tức tiến hành xét nghiệm máu. Kết quả chứng thực cho thấy nồng độ đường huyết cao hơn 500mg/dL, xuất hiện tình trạng nhiễm toan ceton nên bệnh nhi được chuyển vào khoa hồi sức tích cực để theo dõi điều trị.
May mắn thay, sau khi bệnh nhi được chăm sóc và điều trị tích cực bởi đội ngũ nhân viên y tế, sức khỏe của em đã ổn định và đã xuất viện an toàn. Nhưng điều khiến mẹ cô bé hoang mang là tại sao bé gái nhỏ tuổi có thể nhiễm toan ceton do đái tháo đường?
Bác sĩ Ngô cho biết đã từng chứng kiến những bệnh nhân đái tháo đường dưới 1 tuổi. Bệnh đái tháo đường ở trẻ em có thể được chia thành type 1 và type 2, trong đó type 1 chiếm phần lớn và tỷ lệ mắc bệnh tăng lên qua từng năm ở tất cả các nước trên thế giới. Đái tháo đường type 1 là do tế bào beta bị phá hủy do tự miễn dịch hoặc không rõ nguyên nhân, không tiết ra được insulin nên còn được gọi là "đái tháo đường phụ thuộc insulin".
Giai đoạn khởi phát của bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em đôi khi tiến triển rất nhanh, nếu không kịp thời điều trị, bệnh nhi có thể bị tăng đường huyết, nhiễm toan ceton do đái tháo đường, nghiêm trọng hơn có thể tử vong. Tuy nhiên, do nguyên nhân vô cùng phức tạp, không thể tiên lượng và phòng tránh được nên khi phụ huynh phát hiện trẻ có triệu chứng ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều cần chẩn đoán và điều trị sớm để tránh nguy hiểm.
Bác sĩ Ngô nhấn mạnh, nếu thấy trẻ thở nhanh kèm theo mùi ceton (mùi táo chín), hay cáu gắt, nôn mửa, đau bụng, mệt mỏi, tinh thần kém thì bạn phải đề phòng khả năng trẻ nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Khi bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 1, người bệnh phải hợp tác điều trị và tái khám ngoại trú thường xuyên để kiểm soát đường huyết và tránh biến chứng có thể xảy ra.
Nhiễm toan ceton do đái tháo đường là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, xảy ra khi cơ thể bệnh nhân sản sinh quá nhiều axit trong máu (được gọi là ceton). Tình trạng này xuất hiện khi cơ thể người bệnh không sản xuất đủ insulin, gây ra những rối loạn nặng trong chuyển hoá protid, lipid và carbohydrate.
Triệu chứng nhiễm toan ceton ở bệnh nhân đái tháo đường:
Mệt mỏi, nhìn mờ, ý thức mơ màng.
Buồn nôn, nôn ói, đau bụng.
Khát nhiều, uống nhiều và tiểu nhiều.
Sụt cân.
Glucose máu > 13,9 mmol/L (> 250 mg/dL) khi đo bằng máy đo đường huyết cá nhân.
Nhịp tim nhanh, hạ huyết áp.
Có dấu hiệu mất nước: Môi khô, lưỡi khô, da khô nặng.
Nhịp thở có 4 thì: Hít vào - ngừng thở - thở ra - ngừng thở, hơi thở có mùi ceton (mùi táo chín). Mùi ceton xuất hiện do tình trạng thải bỏ sản phẩm aceton có nguồn gốc từ acetoacetat qua phổi.
Thân nhiệt thường giảm nhẹ do tình trạng giãn tĩnh mạch ngoài da. Đây là một biểu hiện của tiên lượng xấu.
Theo Tú Uyên (Pháp Luật & Bạn Đọc)