Chiều ngày 22/2/2021, các bác sĩ, chuyên gia tại Trung tâm Phẫu thuật Khớp và Y học thể thao, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội đã thực hiện thành công ca phẫu thuật thay thế toàn bộ xương đùi cho bệnh nhi chỉ mới 11 tuổi để điều trị ung thư xương. Được biết đây là trường hợp thay xương nhân tạo trẻ nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.
Ca bệnh hiểm nghèo của cháu bé 11 tuổi
Bệnh nhân Q.A, 11 tuổi, nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh, đau đùi phải âm ỉ tăng dần suốt 1 năm nay. Gia đình cho cháu đi khám tại Bệnh viện Nhi Đồng được chẩn đoán ung thư xương đùi và được chuyển sang Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục điều trị.
Thật không may mắn, sau đợt điều trị hóa chất đầu tiên, khối u không những không đáp ứng thuốc mà còn phát triển lớn hơn dẫn đến xâm lấn, làm gãy đôi thân xương đùi khiến cháu phải bó bột toàn bộ chân phải. Đồng thời, cháu vẫn phải tiếp tục điều trị các đợt hóa chất theo phác đồ để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật lấy bỏ khối u sắp tới.
Trong thời gian này, Q.A phải ngồi xe lăn bất động tại chỗ, luôn phải có người thân giúp cháu chăm sóc, vệ sinh cá nhân; đồng thời phải chịu đựng một nỗi đau dai dẳng hành hạ suốt đêm ngày. Lúc này, các bác sĩ đánh giá lại sau 3 đợt điều trị hóa chất thấy bệnh của cháu không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu u tiếp tục to ra.
Không vì thế mà bi quan, mặc cho hoàn cảnh khó khăn, bố cháu đã cố gắng hết sức vay mượn rồi một thân một mình đưa Q.A ra Hà Nội để điều trị tiếp với hi vọng giữ lấy chân phải cho cháu, cùng hi vọng cho cháu trở lại với cuộc sống bình thường.
Tới khám tại Trung tâm Phẫu thuật Khớp và Y học thể thao, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, GS.TS Trần Trung Dũng, phụ trách chuyên môn của trung tâm đã nhận định rằng: "Ung thư xương ở lứa tuổi trẻ em là một bệnh lý có tính chất ác tính rất cao, không chỉ khiến bệnh nhân có nguy cơ tàn phế mà thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng".
"Đối với trường hợp cháu Q.A, khối u đã phát triển quá mức dọc theo thân xương đùi và xâm lấn "ăn" gãy đôi thân xương. Do đó, giải pháp duy nhất là phải tháo bỏ toàn bộ xương đùi kèm theo khối u. Nhưng nếu không có giải pháp thay thế vị trí khuyết của xương thì nguy cơ phải cắt bỏ chân của cháu để cứu tính mạng là rất cao! Tuy nhiên, do cháu còn quá nhỏ và gia đình cũng khát khao đặt nhiều niềm tin vào việc bảo tồn chân cho con nên chúng tôi cần tìm ra một giải pháp phù hợp nhất cho cháu", GS.TS Trần Trung Dũng nói.
Thay xương đùi nhân tạo, một giải pháp mới có tính chất đột phá
Trăn trở với nỗi đau của gia đình cháu bé, cũng như suy nghĩ về khó khăn của ca bệnh, các chuyên gia chấn thương chỉnh hình, ung thư và gây mê hồi sức đã tổ chức nhiều cuộc hội chẩn với nhau. Cuối cùng, đã đưa ra quyết định sẽ lấy bỏ toàn bộ xương đùi bị ung thư sau đó thay thế phần xương bị loại bỏ này bằng xương đùi nhân tạo với chất liệu bằng hợp kim Titan.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cần đo đạc tính toán cẩn thận làm sao có thể thay thế phần xương nhân tạo gần như tương đồng hoàn toàn với xương của bệnh nhi. Qua đó, mới giúp cháu Q.A có thể sớm hồi phục và đi lại được như trước. Chỉ cần một sai sót nhỏ trong thiết kế, cháu có thể sẽ gặp các di chứng như trật khớp, cứng khớp ngay sau mổ.
Để giải quyết phần khó khăn còn lại của bài toán này, GS.TS. Trần Trung Dũng cho biết: "Chúng tôi phải quét mô hình 3D toàn bộ 2 chân của cháu Q.A trước mổ để từ đó mô phỏng giả lập sau khi tháo bỏ xương đùi thì cần thay thế xương nhân tạo mới có các thông số kích thước là bao nhiêu. Đồng thời, chúng tôi cũng cần tính toán phần gân cơ xung quanh xương còn lại có đủ đảm bảo cho chân cháu hoạt động hay không. Cuối cùng, chúng tôi dự kiến sử dụng robot định vị trong suốt quá trình mổ để đảm bảo các bước phẫu thuật đều đạt độ chuẩn xác cao nhất."
Trải qua đợt điều trị hóa chất tiền phẫu và ca đại phẫu kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ, cuối cùng các bác sĩ đã lấy bỏ xương đùi bị bệnh cùng khối u khổng lồ có kích thước 28x10cm, nặng gần 3kg của bệnh nhân ra khỏi cơ thể. Đồng thời, thay thế thành công xương đùi nhân tạo kèm khớp háng và khớp gối nhân tạo.
Được biết xương đùi nhân tạo này được thiết kế in 3D bằng hợp kim Titan siêu bền, siêu nhẹ đặt hàng theo đúng thông số thiết kế giải phẫu được cung cấp bởi các bác sĩ phẫu thuật. Loại xương đùi nhân tạo này được thiết kế theo dạng module tháo lắp, do đó khi bệnh nhi lớn lên thì các bác sĩ hoàn toàn có thể kéo dài bên chân phẫu thuật tương xứng với bên chân lành.
Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ định vị của robot Pheno Artis cùng kinh nghiệm của đội ngũ chuyên gia phẫu thuật mà chức năng, chiều dài và hình thể 2 bên chân của bệnh nhân sau mổ là tương đương nhau.
GS.TS. Trần Trung Dũng cho biết, nếu diễn biến hậu phẫu thuận lợi thì chỉ sau 2 ngày nữa thôi là bệnh nhân đã có thể ngồi dậy tập đi với dụng cụ hỗ trợ. Ông cũng chia sẻ, ca mổ lần này tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh là ca thay toàn bộ xương đùi thứ 3 ở Việt Nam và là ca thứ 2 thay toàn bộ xương đùi do ung thư.
Đặc biệt hơn cả, nghiên cứu trong y văn thế giới thì đây là ca mổ thay xương đùi cho bệnh nhân nhỏ tuổi nhất Việt Nam và nhỏ tuổi thứ 2 trên thế giới (trong một báo cáo vào năm 2010 đã có một bệnh nhân 10 tuổi được phẫu thuật tương tự ở Ai Cập).
Được biết rằng, trong thời gian hơn 1 năm vừa qua GS.TS. Trần Trung Dũng cùng các chuyên gia tại trung tâm Phẫu thuật Khớp và Y học thể thao, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội chính là ekip đã thực hiện thành công rất nhiều ca phẫu thuật phức tạp, như thay thế một bên xương chậu nhân tạo, thay cùng lúc 8 khớp ngón tay, thay thế các trường hợp khớp vai, khớp khuỷu, khớp háng, khớp gối phức tạp. Đồng thời, ekip này cũng là tác giả của 2 ca phẫu thuật thay thế toàn bộ xương đùi nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam trước đây.
Điều đáng mừng là, ca thay xương đùi đầu tiên do ung thư là một cô gái 25 tuổi, hiện nay sau gần 2 năm phẫu thuật cô vẫn khỏe mạnh và hiện đang công tác cùng chính ekip phẫu thuật cho mình tại bệnh viện đa khoa Tâm Anh với vai trò thư ký y khoa.
Nếu như trước đây, khi những bệnh nhân ung thư hoặc có biến dạng chi thể phải chọn lựa giữa việc chịu cảnh tàn phế hoặc phải ra nước ngoài điều trị với chi phí vô cùng đắt đỏ; thì nay, những tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật thay thế xương khớp nhân tạo trong nước đã mở ra thêm một cánh cửa mới đầy hy vọng về việc giúp bệnh nhân khỏi bệnh và có cơ hội trở lại với cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Theo Thanh Trà (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)