Ngày 14/12, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM cho biết vừa điều trị thành công hội chứng Rapunzel - “công chúa tóc mây” cho bệnh nhi K.B. (4 tuổi, ngụ tại Cà Mau).
Trước đó, B. nhập viện trong tình trạng nguy kịch do tổn thương gan cấp, sốc nhiễm khuẩn không rõ nguyên nhân.
Qua khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người nhà ghi nhận, trước đó bệnh nhi bị nhiễm trùng đường ruột, nôn ói liên tục, tiểu phân lỏng, đau bụng, bí tiêu tiểu. Bé đã được điều trị tại bệnh viện địa phương nhưng tình trạng ngày càng nặng nên phải chuyển viện.
Tại bệnh viện Nhi Đồng TPHCM, các bác sĩ đã thực hiện siêu âm và X-quang kiểm tra thì phát hiện bệnh nhi bị tắc ruột. Sau khi hỗ trợ điều trị nội khoa, cho bệnh nhi thở máy, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp đặt ống thông vào trực tràng hỗ trợ tháo chất thải của cơ thể. Một lọn tóc khổng lồ đúc thành khuôn kéo dài kết chặt trong đường ruột của bệnh nhi đã được lấy ra ngoài thành công. Sau can thiệp, ngày 14/12 tình trạng sốc nhiễm trùng ở bệnh nhi nhanh chóng cải thiện.
Bé gái đã ăn rất nhiều tóc trong thời gian dài, tuy nhiên gia đình không để ý nên không nhận biết được mức độ nguy hiểm. Các bác sĩ cho biết, đây là một dạng bệnh lý hiếm gặp có tên gọi “hội chứng công chúa tóc mây” được đặt tên theo nhân vật Rapunzel trong truyện cổ tích. Hội chứng trên gồm 2 bệnh lý kết hợp là nhổ tóc và ăn bậy những thứ không phải thức ăn trong đó có tóc.
Thực tế khi bác sĩ kiểm tra lại mái tóc của bệnh nhi đã phát hiện vùng trán và 2 bên thái dương của bé đã bị nhổ gần hết, phù hợp với bệnh cảnh của hội chứng trẻ gặp phải. Nguyên nhân của căn bệnh có thể do các yếu tố tâm lý, tâm thần và rối loạn cảm xúc ở trẻ.
Dự kiến, sau khi điều trị ổn định sức khỏe, bệnh nhi sẽ tiếp tục được bác sĩ thăm khám, hỗ trợ nâng đỡ tâm lý. Để loại bỏ thói quen nhổ tóc, ăn tóc của những trường hợp tương tự, trẻ cần được phụ huynh quan tâm, giúp tinh thần bé ổn định hơn, đồng thời đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị theo chỉ định chuyên khoa.
Hội chứng Rapunzel - "công chúa tóc mây" là gì?
Hội chứng Rapunzel là tình trạng rất hiếm gặp, người bệnh thường có biểu hiện ăn chính tóc của mình. Những nhúm tóc bị rối, mắc kẹt trong dạ dày sẽ dần tạo thành một búi to và mắc kẹt vào tận ruột non.
85-95% bệnh nhân bị mắc hội chứng này thường có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, sưng tấy dạ dày, giảm cân nhanh, táo bón, tiêu chảy. Một số trường hợp còn bị thủng ruột dẫn đến nhiễm trùng máu và tử vong.
Đặc biệt, tóc không thể phân hủy sinh học. Tiến sĩ Runjhun Misra, bác sĩ nội khoa ở California (Mỹ), lấy ví dụ khi xác ướp Ai Cập được phát hiện, các nhà khảo cổ phát hiện tóc của họ thường vẫn còn nguyên vẹn.
Hội chứng thường xuất hiện ở nữ giới dưới 20 tuổi (70%). Thế giới ghi nhận bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là một bé gái mới biết đi chập chững và trường hợp lớn tuổi nhất là người đàn ông trung niên khoảng 55 tuổi. Người mắc bệnh hầu như là nữ giới vì tóc của họ dài và dễ dàng tạo ra búi tóc gây mắc kẹt ở dạ dày.
Các chuyên gia cho biết việc nhổ tóc tương tự các hành vi lặp đi lặp lại tập trung trên cơ thể như mút môi và cắn móng tay. Với phiên bản nhổ tóc, người bệnh có thể nhổ hết lông trên khắp cơ thể.
Đây là một phần của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Người bệnh không biết rằng họ đang ăn tóc. Hội chứng này có thể tác động đến cuộc sống hàng ngày. Những người mắc bệnh thường xấu hổ vì họ không thể ngừng nhổ tóc, hoặc họ cảm thấy cần phải giấu đi mái tóc bị hói do hội chứng này gây ra.
Tại sao nhiều người mắc hội chứng Rapunzel?
Một số người bị thiểu năng trí tuệ và rối loạn tâm lý đã ăn tóc của chính mình. Hành vi này gọi là trichophagia. Những nhóm này được cho là có nguy cơ cao phát triển hội chứng Rapunzel.
Những người mắc bệnh này cảm thấy họ buộc phải nhổ tóc để cảm thấy thư giãn hơn. Nghiên cứu đã phát hiện 20% số người mắc bệnh thực hiện các hành vi này hàng ngày, bao gồm cả việc nuốt tóc.
Các nhà khoa học đã đưa ra rất nhiều giả thuyết gây ra hội chứng Rapunzel như bị bỏ đói trong một khoảng thời gian dài, chấn động tâm lý từ thơ ấu, căng thẳng quá mức...
Tuy nhiên, tất cả bệnh nhân đều có một điểm chung là thiếu sắt hoặc mắc bệnh celiac. Nhiều trường hợp ghi lại sau khi được điều trị thiếu sắt và celiac, bệnh nhân đã trở về bình thường.
Điều trị hội chứng Rapunzel như thế nào?
Trong hầu hết trường hợp, phẫu thuật là điều cần thiết để loại bỏ các búi tóc. Ngoài ra, các bác sĩ có thể hòa tan búi tóc bằng hóa chất, phá vỡ chúng thành nhiều mảnh nhỏ hơn bằng tia laser hoặc loại bỏ bằng nội soi. Tuy nhiên, những phương pháp này thường ít thành công hơn so với phẫu thuật.
Điều trị tâm lý sau phẫu thuật rất quan trọng để phòng ngừa việc ăn tóc tái phát trong tương lai. Điều này đặc biệt cần thiết đối với những người mắc bệnh do căng thẳng vì họ có nguy cơ tái phát rất cao.
Sự tham gia của cha mẹ, vợ hoặc chồng trong điều trị tâm lý cũng rất quan trọng để bệnh nhân cảm thấy được hỗ trợ ngăn chặn các hành vi tiêu cực và giảm khó chịu do bệnh.
PN (Nguoiduatin.vn)