BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hoá – Di Truyền, BV Nhi TƯ cho biết, hầu hết trẻ em mắc đái tháo đường (tiểu đường) type 1 nhưng hiện số mắc đái tháo đường type 2 đang tăng nhanh, nhiều bệnh nhân còn rất trẻ.
Mới nhất, khoa điều trị cho bệnh nhi Nguyễn Thị Thu H. mới 13 tuổi. Gia đình cho biết, trước đó cháu H. hay mệt mỏi, tiểu nhiều, đi học về là tìm nước ngọt uống nhưng mọi người trong nhà đều nghĩ con học hành vất vả.
Sau đó mẹ H. quan sát thấy quần lót của con trong nhà tắm thường xuyên bị kiến bậu vào, nghi con mắc tiểu đường nên đưa đến BV Nhi TƯ khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán H. mắc tiểu đường type 2, xét nghiệm glucose trong máu lên tới 11, trong khi người bình thường ở mức 6,5 đã được chẩn đoán mắc tiểu đường.
Mẹ bệnh nhi cho biết, con gái thường xuyên thích uống nước ngọt từ nhỏ, cân nặng có nhỉnh hơn bạn bè cùng trang lứa. Chính việc ăn uống không kiểm soát, béo phì là nguyên nhân khiến trẻ mắc tiểu đường type 2.
BS Dũng cho biết, tiểu đường gồm 3 nhóm: Đái tháo đường type 1, type 2 và trẻ mắc đái tháo đường đơn gen (đái tháo đường sơ sinh).
Ở nhóm type 1, đây là nhóm bệnh có số bệnh tăng rất nhanh, trước đây mỗi năm bệnh viện chỉ tiếp nhận 5-20 trẻ, nhưng 4-5 năm trở lại đây, năm nào cũng có khoảng 70 ca, riêng năm 2017 lên tới 100 ca. Tương tự, số bệnh nhi tiểu đường type 2 cũng tăng nhanh chóng.
Tiểu đường type 2 có thể dự phòng
Tiểu đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến, trong đó tiểu đường type 2 chiếm khoảng 90%.
Tại Việt Nam, tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Riêng trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến đái tháo đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày.
Với tiểu đường type 1 thường xảy ra ở trẻ em hay còn gọi đái tháo đường phụ thộc insulin kèm theo các triệu chứng rầm rộ như: Khát nước, tiểu nhiều và thường xuyên, đói nhiều, ăn nhiều nhưng vẫn sút cân nhiều, mệt mỏi dễ cáu kỉnh...
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tiểu đường type 1 trẻ rơi vào hôn mê nhiễm toan ceton và có thể tử vong.
Trong khi đó, tiểu đường type 2 thường gặp ở nhóm trung niên trên 40 tuổi và người cao tuổi với các triệu chứng âm thầm do liên quan đến yếu tố ăn uống, béo phì, cao huyết áp, lười vận động không tiêu hao năng lượng…
Với trẻ em mắc tiểu đường type 2 chủ yếu do lối sống theo cân bằng, ăn nhiều đạm dẫn đến béo phì, lười vận động, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, uống nhiều nước ngọt có ga, xem tivi quá nhiều, nghiện game...
Trong khi đó, việc điều trị bệnh cho trẻ đái tháo đường type 2 không hề đơn giản. Thông thường, người mắc đái tháo đường type 2 ngoài dùng thuốc còn phải tuân theo một chế độ ăn kiêng cực kỳ nghiêm ngặt.
Tuy nhiên việc kiêng khem quá mức sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Não trẻ cần lượng đường nhất định, nên khi hạ đường huyết sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến não.
Do đó việc điều trị khó khăn hơn rất nhiều, trẻ có thể phải chia làm nhiều bữa ăn trong ngày, không được nhịn đói quá 2-3 giờ.
Theo Minh Anh (VietNamNet)