Bệnh nhân là chị C.N.B (29 tuổi, ngụ tại TP.HCM) nhập viện trong tình trạng lừ đừ, lơ mơ, hôn mê.
Theo lời kể gia đình, trước đó chị B. thấy trong người mệt mỏi, sốt nhẹ nên tự mua một liều thuốc hạ sốt uống và xông hơi bằng lá cây.
Đến ngày thứ ba, chị B. vẫn mệt, ăn ít, ói sau ăn. Buổi sáng chị B. còn tỉnh táo, đến chiều thì lừ đừ, lơ mơ, được đưa đến Bệnh viện gần nhà và được các bác sĩ chẩn đoán hôn mê nhiễm ceton acid - đái tháo đường mới phát hiện và chuyển viện Bệnh viện Nhân Dân 115.
Khi tiếp nhận, các bác sĩ cho biết chị B. lơ mơ, dấu véo da đàn hồi chậm, tim đều rõ, bụng mềm, gan lách không to. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân hôn mê nhiễm ceton acid - đái tháo đường típ 1 (thể tối cấp) - theo dõi nhiễm trùng đường hô hấp trên - suy thận cấp trước thận và điều nội khoa tích cực bao gồm điều chỉnh nước điện giải, insulin và kháng sinh.
Sau 12 giờ kể từ lúc nhập viện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được. Chị B. bắt đầu uống sữa, ăn cháo được. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, ăn uống bình thường, không sốt. Xét nghiệm máu: Urê: 2.44 mmol/L; Creatinine: 56.6 µmol/L; eGFR: 109 ml/min/1.73; pH: 7.25; HCO3: 9.5 mmol/L; Ceton máu: 0.693 mmol/L.
Bác sĩ CK2 Chu Thị Thanh Phương, Phụ trách khoa a Nội tiết BV Nhân dân 115 khuyến cáo, người trẻ tuổi vẫn có thể bị đái tháo đường mới xuất hiện. Điều đáng nói bệnh có thể khởi phát tối cấp mà hoàn toàn không có bốn triệu chứng kinh điển (tiểu nhiều, khát nhiều, uống nhiều và sụt cân nhiều).
Do vậy, cần làm xét nghiệm đường huyết thường quy. Nếu phát hiện rối loạn tri giác thì nên làm ngay xét nghiệm đường huyết mao mạch để xử trí kịp thời.
Theo Nguyễn Vũ (Sức khỏe & Đời sống)