Ghi nhận của Dân Trí, đó là trường hợp của bé M. (1 tuổi, quê Tây Ninh). Khai thác bệnh sử, trước đó người nhà thấy bé bị sốt nên đưa đi đến một phòng khám chuyên khoa Nhi gần nhà. Tại đây, bé được chẩn đoán viêm amidan cấp và cho thuốc về uống.
Cách nhập viện khoảng 30 phút, sau khi bé uống liều thuốc đầu tiên được kê tại phòng khám, bé đột ngột tím tái, nổi vân tím trên da, khó thở. Lo lắng, người nhà nhanh chóng đưa bé đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, bé đã trong tình trạng bứt rứt, tím tái, da nổi bông, nhịp tim tăng, chỉ số SpO2 giảm còn 78% và tiêu chảy ngay tại phòng cấp cứu. Các bác sĩ ghi nhận bé không sốt, không có bệnh lý gì trước đây. Tiến hành hội chẩn, ê-kíp điều trị xác định bé bị sốc phản vệ độ II, nghĩ nhiều do kháng sinh Augmentin. Lập tức, bé được các bác sĩ xử trí theo phác đồ sốc phản vệ của Bộ Y tế.
Sau 72 tiếng được theo dõi và điều trị tại khoa Nhi, bệnh nhi đã dần hồi phục, da môi hồng, không nổi ban, không sốt và ăn uống được tốt hơn, huyết động học ổn định. Hiện tại, bệnh nhi đã được xuất viện.
Chia sẻ với Người lao động, Bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á nhấn mạnh: "Thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị dị ứng thuốc kháng sinh và có trường hợp bị sốc phản vệ. Kháng sinh là nguyên nhân gây sốc phản vệ hàng đầu cho người bệnh. Các đường thuốc đưa vào cơ thể như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, uống... hay thuốc bôi ngoài da đều có nguy cơ gây sốc phản vệ như nhau. Do đó, phụ huynh khi cho con sử dụng thuốc phải theo dõi sát".
Bác sĩ Trâm cho hay, sốc phản vệ có thể xảy ra ngay sau khi tiếp xúc hoặc cũng có thể xảy ra muộn hơn sau một vài giờ. Nếu không có chuyên môn sẽ không phát hiện sớm, chẩn đoán và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến tăng nguy cơ tử vong.
"Vì thế, khi trẻ có dấu hiệu của một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, đặc biệt nếu trẻ khó thở hoặc thay đổi ý thức sau khi sử dụng thuốc nào đó, ba mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời" - bác sĩ Trâm khuyến cáo.
PN (Nguoiduatin.vn)