Bị ngã sưng ở gáy, bé trai 8 tuổi rơi vào hôn mê rồi qua đời: Cảnh giác với tình trạng chấn thương đầu của trẻ nhỏ

27/04/2022 16:04:42

Trẻ em vốn hiếu động nên rất dễ bị té ngã. Những cú va chạm này tưởng như nhẹ nhàng nhưng lại có thể gây ra chấn thương đầu nghiêm trọng. Nếu như phụ huynh chủ quan có thể đưa đến hậu quả nghiêm trọng cho các bé.

Như trường hợp mà Infonet đưa tin, một bé trai 8 tuổi tại miền Tây bị té ngã đập đầu. Sau đó gia đình đã đưa bé đi khám nhưng không được phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, không được chẩn đoán chấn thương sọ não có xuất huyết não.

Vì vậy, bé đã không được xử trí sớm. Khi trẻ rơi vào hôn mê gia đình mới đưa tới bệnh viện cấp cứu thì đã không qua khỏi do tình trạng tổn thương quá nặng nề, chẩn đoán muộn dù bác sĩ cố gắng cũng đành bó tay.

Theo các bác sĩ tại BV Đa khoa Quốc tế Cần Thơ, trường hợp của cháu bé này khi té ngã, sau gáy bị sưng to. Tại địa phương cháu được đi khám bác sĩ tư, nhưng bác sĩ không phát hiện ra có tổn thương não bên trong, chỉ cho uống thuốc giảm sưng đau thông thường.

Sáng hôm sau, cha mẹ phát hiện bé bị hôn mê, đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng đã muộn, cháu bé đã ngưng tim.

Bị ngã sưng ở gáy, bé trai 8 tuổi rơi vào hôn mê rồi qua đời: Cảnh giác với tình trạng chấn thương đầu của trẻ nhỏ
Ảnh minh họa.

Theo TS BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Thần kinh và Can thiệp mạch máu não TPHCM cho biết, thời gian vàng để cấp cứu chấn thương sọ não được tính từ khi chấn thương sọ não, thời gian điều trị tốt nhất nằm trong 6 đến 12 giờ đầu.

Khi trẻ bị ngã, phụ huynh cần bình tĩnh và đánh giá tổn thương của trẻ để xử lý tốt khi trẻ bị chấn thương sọ não, không tự ý nâng đầu hoặc đỡ trẻ sai cách. Điều này cũng khiến trẻ hoảng sợ, nếu trẻ la khóc, không giữ được bình tĩnh thì hãy cố gắng động viên, trấn an trẻ.

Chấn thương sọ não thường đi kèm với các chấn thương khác, nhất là cột sống cổ nên trẻ cần hạn chế tối thiểu các cử động khu vực này. Việc cha mẹ tự ý nâng đầu, xoa đầu cho trẻ có thể gây chấn thương nặng nề hơn.

Ngoài ra, việc quan trọng nữa là cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất nếu bé có những biểu hiện dưới đây:

- Trường hợp bé bất tỉnh: Nếu bé bị bất tỉnh, dù chỉ vài giây, cũng có thể nghĩ rằng lực va đập đủ mạnh để gây khối máu tụ.

- Rối loạn tri giác: Ngay sau ngã, bé vẫn tỉnh táo nhưng sau đó một thời gian lại có những dấu hiệu bất thường như kích động khó dỗ, lơ mơ, tiếp xúc kém (bé không thể tập trung chú ý vào bạn, không nhìn vào mắt bạn, không làm theo yêu cầu của bạn, không nhận ra người thân trong gia đình…). Nếu bé chống cự không cho bạn chườm lạnh thì bạn có thể yên tâm là bé vẫn tiếp xúc tốt.

- Nếu bé nôn từ 3 lần trở lên thì cần đi khám bác sĩ: Thông thường, sau khi ngã, ngay cả khi không có chấn thương sọ não, nhiều bé vẫn có thể nôn 1 hay 2 lần, do khóc, ho hoặc đơn giản là do sự va đập của hộp sọ. Đề phòng trường hợp bé nôn, trong vòng vài giờ đầu sau khi bị ngã, chỉ nên cho bé uống nước trong hoặc bú sữa mẹ, không nên cho bé dùng thức ăn đặc.

Bị ngã sưng ở gáy, bé trai 8 tuổi rơi vào hôn mê rồi qua đời: Cảnh giác với tình trạng chấn thương đầu của trẻ nhỏ - 1
Ảnh minh họa.

- Đi loạng choạng, mất thăng bằng: Sau khi ngã, nhiều bé có thể kêu chóng mặt. Điều này không có gì nguy hiểm. Nhưng nếu bé bị mất thăng bằng và ngã lên ngã xuống khi đi thì cần đi khám bác sĩ ngay. Khi bé chơi, hãy theo dõi xem bé có làm được mọi chuyện như trước không (ngồi thẳng, đi lại vững vàng, di chuyển tay chân bình thường) hay bé loạng choạng, kéo lê chân, mất phương hướng… Nếu bé chưa biết đi thì để ý xem có gì bất thường khi bé ngồi, bò hoặc dùng tay không, bé có quấy khóc nhiều bất thường, không thể dỗ.

- Dấu hiệu mắt: Trong vòng 24 giờ sau ngã có thể xuất hiện các dấu hiệu như mắt lác, đồng tử hai bên không đều, bé vấp ngã hoặc lao vào các đồ vật như thể không nhìn thấy chúng. Trẻ lớn có thể nhìn mờ, nhìn đôi (nhìn một hóa hai). Chảy máu hoặc chảy nước dịch từ lỗ mũi hoặc lỗ tai.

- Ngủ nhiều: Các bé thường có xu hướng ngủ thiếp đi sau khi ngã, điều này khiến việc theo dõi tình trạng ý thức của trẻ trở thành nhiệm vụ khó khăn đối với cha mẹ. Nếu bé bị ngã vào buổi tối, hoặc gần giờ ngủ trưa thì thật khó biết bé ngủ vì đến giờ hay vì chấn thương. Nếu không thể giữ bé thức thì cứ để bé ngủ, nhưng cần theo dõi sát, cứ 2 giờ một lần

- Hoặc thấy bé có bất cứ biểu hiện nào khiến gia đình không an tâm, cũng nên đưa bé đi bệnh viện thăm khám cẩn thận.

PN (Nguoiduatin.vn)