Trong cuộc sống hiện đại, người Việt vẫn giữ rất nhiều thói quen xấu trong ăn uống dẫn đến bệnh lây truyền qua đường ăn uống. Có rất nhiều thói quen ăn uống xấu như vừa ăn vừa nói chuyện, sử dụng chung bát nước chấm, canh chan… Những thói quen ăn uống chung đụng tưởng chừng nhỏ nhặt hóa ra lại có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm vô cùng đáng sợ.
Theo BS Nguyễn Văn Khang (Nguyên giám đốc Bệnh viện Phong Hà Nam), rất nhiều bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền dễ dàng qua đường ăn uống. Những kiểu ăn uống như việc chung đụng, bát đĩa, chai lọ đựng đồ ăn thức uống chưa được vệ sinh sạch sẽ đều dễ dàng lây nhiễm bệnh. Những căn bệnh lây truyền qua đường ăn uống thường gặp là viêm gan A, E, bệnh tiêu chảy, bệnh về dạ dày…
Viêm gan A
Viêm gan do virus qua đường ăn uống thường là viêm gan A. Viêm gan A là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Viêm gan A lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua thức ăn, nước uống nhiễm virus. Do đó, thói quen ăn uống xấu, ăn uống mất vệ sinh tạo điều kiện cho virus này phát triển.
Khi bị nhiễm virus viêm gan A, ở dạng cấp tính, bệnh nhân có dấu hiệu sốt, ho, đau mỏi cơ, nhức đầu, mệt nhọc, chán ăn, đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu. Nếu không phát hiện sớm, bệnh sẽ nặng lên, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Tình trạng sốt có thể hết sau 5-7 ngày những vẫn tiếp tục mệt mỏi, chán ăn, xuất hiện thêm dấu hiệu vàng mắt, vàng da.
Bệnh về dạ dày – tá tràng
Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng ngày càng tăng, đứng đầu trong các bệnh đường tiêu hóa. Thủ phạm chính gây bệnh là vi khuẩn HP, nguyên nhân khiến đông đào người Việt đều mắc bệnh thông qua thói quen ăn uống chung đụng. Nhiều người Việt cũng có thói quen gắp đồ ăn cho người khác thể hiện lòng hiếu khách cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh lây truyền. Hoặc, việc ăn uống khua khoắng trước khi tìm miếng ngon cho bản thân, trên bàn nhậu đưa ly cho người khác cùng nhấp môi… đều có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Nhiễm vi khuẩn HP có thể dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng. Do đó, khi ăn uống, chúng ta cần hết sức cẩn trọng. Phòng tránh lây nhiễm bệnh truyền nhiễm từ thói quen ăn uống nên được hình thành từ bây giờ.
Bệnh tiêu chảy
Việc không đảm bảo ăn chín uống sôi, ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn… đều khiến bạn có nguy cơ ngộ độc thực phẩm, dẫn đến tình trạng tiêu chảy kéo dài. Dấu hiệu bạn bị tiêu chảy biểu hiện rõ rệt nếu đi tiêu phân lỏng trên 3 lần mỗi ngày. Tình trạng này khiến bạn đối mặt với nguy cơ mất nước. Trong khi đó, mất nước quá nhiều có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh thương hàn
Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh có biểu hiện sốt kéo dài khoảng 2 tuần, ban đầu sốt nhẹ sau đó tăng dần thành sốt cao (400C) kèm đau bụng, nhức đầu, đầy hơi, chậm tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón...
Thủ phạm gây ra bệnh thương hàn chính là vi khuẩn salmonella. Salmonella xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng và hầu hết là do ăn phải thức ăn bị nhiễm như thực phẩm, sữa, nước uống... Sau khi xuyên qua hàng rào axit dạ dày, vi khuẩn di động về phía ruột non và sinh sản ở đó, tiếp tục chui qua màng nhày vào thành ruột và đi vào máu.
Bệnh thương hàn là do lây truyền qua đường ăn uống bởi nước hay thức ăn bị nhiễm. Bệnh nhân bị bệnh cấp tính có thể lây ra môi trường nước xung quanh qua phân, ở giai đoạn cấp các chất thải (phân) có chứa nồng độ vi khuẩn rất cao.
Chuyên gia nhấn mạnh, ngoài những bệnh này còn có các bệnh khác như bệnh kiết lỵ, tả… dễ dàng truyền nhiễm qua đường ăn uống. Để phòng tránh những căn bệnh lây truyền qua đường ăn uống, mọi người cần chú ý ăn chín uống sôi, không ăn uống chung đụng bát đũa, đồ ăn, chú ý vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi ăn. Hạn chế tối đa ăn uống vỉa hè. Nếu ăn uống tụ tập bên ngoài cần tìm quán sạch sẽ, hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm qua ăn uống...
Tiểu Nguyễn (Helino)