Đó là trường hợp của nam sinh N.T.T năm nay 13 tuổi, đang học cấp 2 và có chiều cao vượt trội tới 1m73, thế nhưng em lại có cân nặng rất khiêm tốn chỉ 49kg.
N.T.T là con duy nhất trong một gia đình khá giả. Bố mẹ N.T.T là giáo viên cấp 2, công tác ngay tại trường nam sinh đang theo học. Bố mẹ N.T.T thường xuyên quan tâm, trò chuyện với con.
Trước khi mắc bệnh, N.T.T được đánh giá là người có tính cách vui vẻ, hoà đồng với mọi người, có thành tích cao trong học tập, từng tham gia đội tuyển học sinh giỏi của trường.
Cách đây 1 năm, N.T.T nặng khoảng 67kg, cao 1m56 và thỉnh thoảng bị các bạn trêu là “đồ béo ị”. Điều này làm nam sinh lo lắng, nghĩ mình thực sự béo và xấu nên cảm thấy tự ti với mọi người.
Cũng vì điều này, dần dần N.T.T không thích chơi với các bạn, không thích tham gia các hoạt động ở trường, lớp như trước. Nam sinh ít trò chuyện với mọi người và quyết tâm giảm cân để thân hình trở nên cân đối hơn, không bị trêu chọc nữa.
Tự tìm hiểu các phương pháp giảm cân trên mạng xã hội cũng như chế độ dinh dưỡng cho người cần giảm cân, hằng ngày, N.T.T cắt giảm tất cả lượng thức ăn nạp vào cơ thể, đồng thời thực hiện các bài tập thể dục đốt cháy mỡ thừa với cường độ cao (khoảng 1-2 tiếng/ngày).
Trong quá trình giảm cân này, nam sinh bước vào giai đoạn dậy thì, chiều cao tăng nhanh chóng, nhưng cân nặng cũng giảm đi. Thế nhưng N.T.T vẫn tiếp tục duy trì việc ăn kiêng và tập luyện cường độ cao khiến cơ thể ngày càng gầy gò. Em thường xuyên có biểu hiện mệt mỏi, hoạt động chậm chạp hơn trước.
“Nhìn vào gương cháu vẫn thấy cơ thể mình bình thường, thậm chí phần tay, bụng vẫn còn béo và cháu duy trì chế độ ăn kiêng, tập luyện như cũ vì cho rằng nếu mình ăn thịt cá như bình thường thì sẽ trở nên rất béo và sẽ bị bạn bè chế nhạo”, N.T.T nhớ lại.
Cách ngày vào viện 2 tháng, N.T.T đã cao 1m73, nặng 51kg. Lúc này, bố mẹ và mọi người xung quanh đều thấy con có thể trạng gầy và khuyên nên ngừng việc ăn kiêng, luyện tập thể dục điều độ hơn nhưng nam sinh không đồng ý.
Em chia sẻ vẫn thấy thể trạng của mình bình thường, có thể tăng cân bất cứ lúc nào và tiếp tục ăn uống rất ít, gần như không ăn thịt cá, kể cả rau củ quả cũng ăn với lượng nhỏ, chỉ ăn bánh bao chay buổi sáng và vài thìa cơm trắng vào trưa, tối. Trong thâm tâm, N.T.T lo sợ nếu không duy trì chế độ ăn và tập thể dục như cũ, cân nặng sẽ tăng lên và sẽ bị béo, khi không tập thể dục nam sinh này có cảm giác đau khổ bồn chồn bứt rứt, khó chịu trong người.
Một tuần trước khi vào viện, N.T.T chỉ nặng 49kg, huyết áp tụt sâu. Thấy vậy, bố mẹ đã đưa nam sinh đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám. Tại đây, nam sinh được chỉ định nhập viện Viện sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).
ThS.BS Nguyễn Phương Linh, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ với Dân Việt, sau khi thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán nam sinh này bị chán ăn tâm thần và tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp bao gồm: cơm 3 bữa/ngày xen kẽ sữa cao năng lượng, cùng hoa quả 3 bữa/ngày
Đồng thời với đó, bệnh nhân cần phối hợp điều trị theo chỉ định của bác sĩ, cùng nhà trị liệu tâm lý và người nhà theo dõi chế độ ăn theo tư vấn của chuyên khoa dinh dưỡng. Theo bác sĩ Linh, sau 7 ngày điều trị, người bệnh ngủ tốt hơn, đỡ căng thẳng, lo lắng về việc tăng cân. Bệnh nhân ăn 6 bữa/ ngày nhưng khối lượng thức ăn mỗi bữa chỉ đạt 50% so với yêu cầu và vẫn chưa có cảm giác ngon miệng, đồng thời vẫn tập thể dục cường độ cao để duy trì vóc dáng, cân nặng 47kg.
Sau điều trị 15 ngày, người bệnh ăn uống tốt hơn, khối lượng ăn uống đáp ứng khoảng 70% so với yêu cầu của chuyên khoa dinh dưỡng nhưng còn lo lắng, sợ bị béo khi không ăn kiêng.
“Sau 1,5 tháng khi ra viện, nam sinh này bắt đầu ăn uống tốt hơn, tăng dần khối lượng ăn uống, đạt 100% chế độ dinh dưỡng theo lứa tuổi, có hứng thú ăn và cảm giác ngon miệng kèm theo không còn cảm giác sợ tăng cân. Hiện tình trạng cảm xúc và ăn uống của người bệnh tiến triển tốt”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Nguyên nhân tình trạng chán ăn tâm thần
Theo VietNamNet dẫn lời bác sĩ Vũ Sơn Tùng - Viện Sức khỏe Tâm thần, chán ăn tâm thần là rối loạn ăn uống do hạn chế năng lượng ăn vào so với nhu cầu.
Bệnh nhân sẽ có cảm giác sợ hãi về việc tăng cân và hình ảnh cơ thể của mình. Luôn cho rằng mình thừa cân trong khi cân nặng hoàn toàn bình thường. Người bệnh chán ăn tâm thần thường đói nhưng lại từ chối thức ăn.
Chán ăn tâm thần thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên, cụ thể là giai đoạn bắt đầu dậy thì và hình dạng cơ thể thay đổi. 85% bệnh nhân ở trong độ tuổi từ 13 đến 18 tuổi.
Tỷ lệ người mắc bệnh dưới 15 tuổi ngày càng tăng. Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp 3 lần nam giới (0,9 so với 0,3%), trong cơ sở điều trị lâm sàng tỷ lệ nữ gấp 10 lần so với nam.
“Trước đây, rối loạn ăn uống đặc biệt là chán ăn thường xảy ra ở người trẻ tuổi. Tuy nhiên, gần đây ghi nhận nhiều ở lứa tuổi trung niên ở cả nam và nữ. Đặc biệt là những người hoạt động nghệ thuật, người của công chúng sẽ có áp lực phải có hình ảnh cơ thể lý tưởng. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc chứng chán ăn tâm thần”, bác sĩ Tùng cho biết.
Cũng theo bác sĩ, chán ăn tâm lý đang là xu hướng cầu toàn, khi mọi người đều hướng đến cái đẹp. Trong khi đó những người mắc bệnh thường quan trọng về cân nặng, nghiêm trọng quá về vấn đề cân nặng của mình
Chán ăn tâm thần có thể gây ảnh hưởng đến đa cơ quan của cơ thể. Người bệnh có thể có các triệu chứng như mệt mỏi; mất ngủ; chóng mặt hoặc ngất xỉu; móng tay đổi màu xanh; tóc mỏng, dễ gãy hoặc rụng. Với phụ nữ xuất hiện mất kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt; không chịu được lạnh; mất nước; răng bị mài mòn và vết chai trên các khớp ngón tay do nôn mửa.
Người bệnh có thể thường xuyên bỏ bữa; bỏ qua cơn đói hoặc viện lý do để không ăn; chỉ ăn một số loại thực phẩm được cho rằng "an toàn" nhất định; nhổ (nôn) thức ăn ra sau khi nhai; sợ tăng cân có thể bao gồm việc cân hoặc đo cơ thể nhiều lần.
“Nhiều người cho rằng khi mắc tâm thần phải có những rối loạn hành vi như đập phá, la hét. Nhưng đối với bệnh nhân chán ăn tâm thần không có những hành vi này, chủ yếu họ có sự nhận thức méo mó về cân nặng của bản thân”, bác sĩ Tùng thông tin.
Ngoài các biến chứng về thể chất, những người mắc chứng chán ăn cũng thường mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, lo âu và các rối loạn cảm xúc khác; rối loạn giấc ngủ; rối loạn nhân cách; lạm dụng rượu và chất gây nghiện; hành vi tự hủy hoại, ý tưởng và hành vi tự sát.
Chuyên gia cho rằng, để điều trị bệnh nhân chán ăn tâm thần có thể kết hợp hóa dược, trị liệu tâm lý, điều trị các biến chứng và điều biến não. Nếu bệnh nhân được phát hiện sớm và chẩn đoán kịp thời có thể chỉ cần điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm sẽ phải điều trị nội trú trong thời gian dài.
PN (Nguoiduatin.vn)