Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh (BS Bệnh viện Việt Đức), vắc-xin tốt nhất, hiệu quả nhất và vững bền nhất chống lại mọi dịch bệnh đó chính là sức đề kháng (hệ miễn dịch) của chúng ta. Khi mọi người nắm được những việc cần làm để duy trì và tăng cường sức đề kháng của cơ thể mình thì không chỉ các loại virus, vi khuẩn mà thậm chí các tế bào ung thư hoặc những biến cố sức khoẻ khác cũng rất ít có cơ hội xảy đến.
Thêm nữa, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu thấy rằng vắc-xin luôn kém hiệu quả ở những người có sức đề kháng yếu. Vậy cốt lõi, để phòng chống bệnh tật chúng ta cần tập trung củng cố những năng lực đề kháng tự nhiên từ BÊN TRONG chính mình.
Dựa trên những bài viết từ trường Y Harvard và trường Y Johns Hopkins, BS Khánh đã tổng hợp tóm tắt: "11 VIỆC CHÚNG TA CẦN LÀM" để luôn có một hệ miễn dịch siêu cường như sau.
1. Tâm lý
Căng thẳng lâu dài thúc đẩy tình trạng viêm cũng như mất cân bằng chức năng tế bào miễn dịch. Đặc biệt, căng thẳng tâm lý kéo dài có thể làm ức chế phản ứng miễn dịch ở trẻ em. Do vậy, kiểm soát cảm xúc và giữ tâm thái luôn bình thản, mỉm cười là chìa khóa cho một hệ miễn dịch khoẻ mạnh.
Những hoạt động giúp kiểm soát căng thẳng bao gồm thiền, tập thể dục, viết nhật ký, yoga và các thực hành chánh niệm khác. Ngoài ra, khi thấy mình đang ở tình trạng nghiêm trọng, bạn cần gặp nhà tâm lý trị liệu, có thể gặp trực tiếp hay gián tiếp, để được tư vấn và điều trị kịp thời..
2. Tránh để cơ thể thiếu nước
Cơ thể thiếu nước có thể gây đau đầu, cản trở hoạt động thể chất, khả năng tập trung, tâm trạng, tiêu hóa cũng như chức năng tim và thận của chúng ta, từ đó tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Cách đơn giản để theo dõi tình trạng thiếu nước đó chính là tạo thói quen uống nước sau một quãng thời gian nhất định và đừng quên quan sát màu sắc nước tiểu, hãy đảm bảo nó luôn có màu vàng nhạt và không có mùi khai.
Cần lưu ý là khi có tuổi, chúng ta bắt đầu mất cảm giác thèm uống vì cơ thể không báo hiệu cơn khát đầy đủ. Bởi vậy, người lớn tuổi cần uống nước thường xuyên hơn ngay cả khi không cảm thấy khát.
3. Dinh dưỡng
Hãy thường xuyên sử dụng thực vật như trái cây, rau củ, quả hạch, hạt, các loại đậu và những gia vị tốt như gừng, tỏi, hành, nghệ, ớt đỏ, tiêu đen... bởi chúng rất giàu chất dinh dưỡng và cả chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lại các mầm bệnh. Chất chống oxy hóa trong những thực phẩm này giúp giảm viêm bằng cách chống lại các hợp chất không ổn định được gọi là các gốc tự do, có thể gây viêm khi chúng tích tụ trong cơ thể chúng ta ở mức độ cao. Trong khi đó, chất xơ trong thực vật cung cấp hệ vi sinh vật đường ruột lành mạnh. Và khi hệ vi sinh vật đường ruột mạnh mẽ sẽ cải thiện khả năng miễn dịch, giúp ngăn chặn các mầm bệnh có hại xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa. Hơn nữa, trái cây và rau quả rất giàu chất dinh dưỡng như vitamin C, E, kẽm, selen, sắt, axit folic... giúp cơ thể giảm thời gian bị cảm lạnh thông thường cũng như tăng cường sức đề kháng.
Bổ sung chất béo lành mạnh mỗi ngày. Chất béo lành mạnh có trong dầu ô liu, các loại hạt, cá hồi, cá trích, các loại cá da dầu... giúp tăng cường phản ứng miễn dịch và ngăn ngừa tình trạng viêm mạn tính của cơ thể.
Ăn nhiều thực phẩm lên men hoặc bổ sung probiotic: Thực phẩm lên men rất giàu vi khuẩn có lợi được gọi là men vi sinh, chúng sinh sống trong đường tiêu hóa của chúng ta. Những thực phẩm này bao gồm sữa chua, dưa cải bắp, kim chi, kefir và natto. Các nghiên cứu cho thấy rằng một mạng lưới vi khuẩn đường ruột phát triển mạnh mẽ có thể giúp các tế bào miễn dịch phân biệt giữa các tế bào bình thường khỏe mạnh và các sinh vật xâm nhập có hại. Nếu không thường xuyên ăn thực phẩm lên men thì thực phẩm bổ sung probiotic là một lựa chọn cần thiết.
Hạn chế ăn đồ ngọt cũng như những thực phẩm công nghiệp, fast food: Chúng ta dung nạp nhiều đường, sử dụng những thực phẩm đã qua chế biến bảo quản (xúc xích, thịt nguội, các loại nước ngọt, đồ ăn nhanh..) sẽ góp phần đáng kể vào việc thừa cân béo phì cũng như gây nên tình trạng mất cân bằng dưỡng chất (thừa muối, thừa chất béo bão hoà, thừa đường tinh luyện, thiếu vitamin-khoáng chất và chất xơ). Từ đó tăng nguy cơ mắc 10 nhóm bệnh nghiêm trọng. Gần đây, một nghiên cứu trên 1.000 người bị béo phì được tiêm vắc-xin cúm cho thấy họ có nguy cơ mắc bệnh cúm cao hơn gấp đôi so với những người không bị béo phì đã được tiêm vắc-xin.
4. Vận động thể chất
Các nghiên cứu chỉ ra rằng ngay cả một buổi tập thể dục vừa phải cũng có thể tăng cường hiệu quả của vắc-xin ở những người có hệ miễn dịch bị tổn thương. Hơn nữa, tập thể dục có thể làm giảm tình trạng viêm và giúp các tế bào miễn dịch chúng ta tái tạo thường xuyên. Hầu hết mọi người nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần với những môn như đi bộ, chạy bộ, gym, đạp xe, bơi, yoga, bóng bàn, bóng đá...
5. Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc có liên quan chặt chẽ với khả năng miễn dịch. Ngoài ra, chúng ta có thể ngủ nhiều hơn khi bị ốm để cho phép hệ thống miễn dịch chống lại bệnh tật tốt hơn. Người lớn nên đặt mục tiêu ngủ từ 7 giờ trở lên mỗi đêm, trong khi thanh thiếu niên cần 8–10 giờ và trẻ nhỏ hơn và trẻ sơ sinh lên đến 14 giờ.
6. Xây dựng lối sống lành mạnh
Lối sống phản khoa học sẽ giết chết chúng ta sớm hơn rất nhiều so với chúng ta nghĩ. Hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, thức quá khuya, nhịn ăn sáng, sử dụng chất kích thích, không thể thao, để béo bụng, ngồi điều hoà quá nhiều… đều là những tác nhân âm thầm huỷ hoại sức đề kháng của chính cơ thể chúng ta.
7. Dùng thực phẩm bổ sung
Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH) Hoa Kỳ, không có bằng chứng nào chứng minh việc sử dụng bất kỳ chất bổ sung nào có tác dụng ngăn ngừa hoặc điều trị COVID-19. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các chất bổ sung có thể tăng cường phản ứng miễn dịch chung cho cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, anh chị nên mua các chất bổ sung đã được kiểm nghiệm độc lập bởi ba tổ chức: Dược điển Hoa Kỳ-United States Pharmacopeia (USP), Trung tâm hợp tác về an toàn thực phẩm và nước uống của WHO-National Santination Foudation International (NSF) và ConsumerLab.
8. Thực hành lối sống vệ sinh mỗi ngày: Rất quan trọng
Mỗi cá nhân và gia đình mình hãy tự xây dựng những thói quen sống hợp vệ sinh mỗi ngày kể cả khi có dịch hay dịch đã đi qua như:
- Rửa tay thường xuyên (Trước khi ăn, trước khi đưa tay lên mặt mũi mắt... và sau khi đi vệ sinh, sau khi đi ra ngoài về, sau khi bắt tay nhiều người hay thanh toán tiền, sau khi chăm sóc người ốm, sau khi cho sức vật ăn, sau khi hắt hơi xì mũi..)
- Hạn chế tụ tập tiếp xúc nơi có mật độ người cao đặc biệt trong môi trường điều hoà như trung tâm mua sắm, tiệm tóc, bệnh viện, nhà hàng…,
- Tẩy giun sán định kỳ cho cả nhà 6 tháng/1 lần,
- Súc họng nhỏ mắt nhỏ mũi trước đi ngủ và sau khi ngủ dậy,
- Không dùng chung bát đũa nước chấm, không ăn tiết canh hay các loại thịt chưa nấu chín kỹ,
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài nếu thấy mình sốt hay mệt mỏi, không khạc nhổ bừa bãi...
9. Tiêm chủng đầy đủ
Hằng năm trên thế giới ghi nhận khoảng 600.000 người lớn tử vong vì những bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin và hầu hết xảy đến ở các nước kém phát triển hoặc đang phát triển như Việt Nam mình.
Vắc-xin là chế phẩm có chứa kháng nguyên (có thể là các virus hoặc vi khuẩn sống, giảm độc lực, hay bị bất hoạt, giết chết) dùng để kích thích cơ thể tạo sự miễn dịch đặc hiệu và chủ động nhằm chống lại tác nhân gây bệnh do cơ thể sinh ra các kháng thể chóng lại nhiễm trùng sau khi được tiêm vắc-xin. Một số kháng thể bảo vệ suốt đời sau khi tiêm vắc-xin nhưng một số khác cần tiêm các mũi nhắc lại. Ví dụ, kháng thể sởi tồn tại suốt đời, nhưng kháng thể uốn ván có thể giảm xuống theo thời gian do đó chúng ta cần phải tiêm mũi nhắc lại. Một số loại virus như cúm có thể biến đổi đủ để làm cho các kháng thể hiện có trong cơ thể không có khả năng bảo vệ cơ thể, đó là lý do tại sao các chuyên gia khuyến cáo tất cả người dân cần tiêm vắc-xin cúm hằng năm.
Với người lớn, chúng ta cần tiêm phòng những vắc-xin: Cúm (tiêm hằng năm), uốn ván, ho gà, bạch hầu, viêm gan A, viêm gan B, thuỷ đậu, sởi-quai bị-Rubella, phế cầu, HPV.
Với trẻ em, ngoài thực hiện tiêm chủng theo lịch tiêm chủng mở rộng thì chúng ta cũng cần cho trẻ tiêm chủng dịch vụ để bảo vệ trẻ tốt hơn như tiêm vắc-xin phòng bệnh HPV, cúm, thuỷ đậu, viêm gan A, tiêu chảy,MMR…
10. Kiểm tra sức khoẻ định kỳ
Cơ thể chúng ta dù có khoẻ mạnh đến đâu, theo thời gian cũng sẽ có lúc có bộ phận "hỏng hóc", có vấn đề và đó chính là thời điểm sức đề kháng của chúng ta bị sụt giảm, tổn thương. Vì vậy, cần phát hiện và khắc phục ngay. Mỗi người cần chủ động tạo thói quen đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ hằng năm để kịp thời sửa chữa và phục hồi hệ miễn dịch mạnh mẽ trở lại sớm nhất có thể.
11. Với người già, cần đặc biệt lưu tâm bảo vệ sức khỏe
Khi chúng ta già đi, khả năng đáp ứng miễn dịch bị suy giảm kèm theo những bệnh lý mạn tính xuất hiện nhiều hơn như nhiễm trùng đường hô hấp, cúm, COVID-19... Đặc biệt, viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người trên 65 tuổi trên toàn thế giới. Một số nhà khoa học quan sát thấy rằng tuyến ức teo theo tuổi tác đã làm giảm khả năng sản xuất tế bào T, một tế bào miễn dịch giúp chống lại nhiễm trùng.
Mặt khác, chính việc giảm khả năng sản xuất các tế bào gốc tạo ra các tế bào miễn dịch từ tuỷ xương cũng góp phần làm người già tăng nguy cơ nhiễm trùng. Thực tế, các nghiên cứu về vắc-xin cúm đã chỉ ra rằng đối với những người trên 65 tuổi, vắc-xin này kém hiệu quả hơn so với những người trẻ tuổi. Tuy vậy, việc tiêm phòng cúm và phế cầu (S.Pneumoniae) đã làm giảm đáng kể tỷ lệ ốm đau và tử vong ở người lớn tuổi so với việc chúng ta không tiêm phòng.
Ngoài ra, dường như có mối liên hệ giữa dinh dưỡng và sự suy giảm miễn dịch ở người cao tuổi. Một dạng suy dinh dưỡng phổ biến ngay cả ở các nước giàu có gọi là "suy dinh dưỡng vi chất dinh dưỡng: thiếu một số vitamin và khoáng vi lượng cần thiết" hay xảy ra ở người cao tuổi do họ thường ăn ít cũng như ít đa dạng trong chế độ ăn hằng ngày.
Qua "11 nội dung cơ bản" BS Khánh mong muốn mỗi người, mỗi gia đình cùng nhau tìm hiểu và áp dụng để luôn có sức đề kháng mạnh mẽ, tránh được mọi mầm bệnh.
Theo HN (Phụ Nữ Việt Nam)