Ăn măng khô vừa ngon vừa khỏe dịp Tết: Chuyên gia khuyến cáo 3 điều quan trọng

04/02/2021 10:19:55

Từ công đoạn loại bỏ lưu huỳnh trong măng khô, cách chọn măng khô ít hóa chất độc hại đến lời khuyên khi ăn, giới chuyên gia đều đề cập trong bài viết này.

Vốn là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm Tết cổ truyền, lại là món đồ ăn khô có thể bảo quản được lâu, măng khô được các bà nội trợ vô cùng ưu ái. Điều đáng nói, sản phẩm này có tẩm ướp lưu huỳnh. Khi ăn phải hàm lượng vượt mức cho phép có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), thực tế thì lưu huỳnh hoàn toàn được sử dụng trong công nghệ bảo quản thực phẩm nói chung và trong măng khô nói riêng. Để măng không bị mốc, người ta sẽ sử dụng biện pháp xông qua khí lưu huỳnh (SO2).

Ăn măng khô vừa ngon vừa khỏe dịp Tết: Chuyên gia khuyến cáo 3 điều quan trọng
Để măng không bị mốc, người ta sẽ sử dụng biện pháp xông qua khí lưu huỳnh (SO2).

Theo đó, người ta sẽ đốt lưu huỳnh cháy và biến thành SO2, SO2 sinh ra sẽ tiêu diệt vi sinh vật ở trong măng, làm cho măng không bị mốc. Đây là loại nhiên liệu dùng để sấy măng được tổ chức y tế thế giới WHO công nhận sử dụng trong bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên phải ở liều lượng cho phép. Nếu vượt quá ngưỡng, lưu huỳnh trong măng khô có thể gây tổn hại sức khỏe chúng ta.

Theo khuyến cáo mà WHO đưa ra tỉ lệ lưu huỳnh không được vượt quá 20 miligam/1 kg sản phẩm. Nhưng vì chạy theo lợi nhuận cũng như nhu cầu cận tết tăng cao, một số cơ sở có thể không màng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Nếu sử dụng măng khô có chứa lưu huỳnh ở nồng độ cao, lâu dài có thể bị tổn thương về thần kinh, thay đổi hành vi, ảnh hưởng hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch nói chung. Ngoài ra, chúng có thể làm suy giảm thị lực, gây tổn thương mắt, ảnh hưởng chức năng sinh sản, hệ miễn dịch, tuyến nội tiết và ảnh hưởng đến sự phát triển của não. Bạn cũng có nguy cơ bị tốn thương phổi, mắt, thậm chí gây nhiễm độc máu, suy thận…

Loại bỏ lưu huỳnh trong măng khô để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh

Để loại bỏ lưu huỳnh trong măng khô đúng cách, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên: Khi sơ chế, chúng ta nên ngâm rửa kỹ, sau đó luộc một lần, gạn bỏ nước đi, SO2 sẽ không còn do đun sôi sẽ làm bay hơi và có khả năng hòa tan hết vào nước. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể luộc măng khô 2 lần sẽ giúp đảm bảo an toàn thực phẩm hơn, đồng thời khi ăn măng cũng ngon miệng hơn.

Ăn măng khô vừa ngon vừa khỏe dịp Tết: Chuyên gia khuyến cáo 3 điều quan trọng - 1

Cụ thể, để luộc măng khô đúng cách, bạn cần:

- Rửa măng khô thật sạch để loại bỏ hết lớp chất bẩn và bụi bám trên măng. Ngâm cho măng nở ít nhất 5-6 giờ. Bạn cũng có thể ngâm măng qua đêm để măng nấu được mềm hơn. Trong quá trình ngâm măng cần chú ý thường xuyên thay nước để lọc sạch vị đắng còn sót lại trong măng.

- Sau khi ngâm xong, cho măng vào rổ để ráo nước, sau đó cho vào nồi nước, đun sôi cho đến khi măng mềm hoàn toàn. Để nồi măng sôi trong ít nhất 1h với lửa không quá to. Sau đó tiếp tục gạn hết nước đã đun, cho thêm nước mới và đun trong khoảng 1h nữa để măng mềm đều. Trong quá trình đun chú ý nồi măng không được cạn nước, phải cho thêm nước sao cho măng luôn phải ngập trong nước.

- Khi măng chín mềm, vớt măng ra, để vào rổ ráo nước, đợi nguội thì bạn xé măng thành từng sợi mỏng, tiếp tục rửa bằng nước sạch. Măng lúc này sẵn sàng cho việc chế biến các món ăn.

- Nếu không sử dụng hết măng khô đã luộc chín, chúng ta có thể bảo quản bằng cách cho vào túi có khóa kéo và bảo quản trong tủ lạnh, thời hạn sử dụng 1 tuần khi để ở ngăn mát và hơn 1 tháng khi để ở ngăn đá.

Ăn măng khô vừa ngon vừa khỏe dịp Tết: Chuyên gia khuyến cáo 3 điều quan trọng - 2
Nếu sử dụng măng khô có chứa lưu huỳnh ở nồng độ cao, lâu dài có thể bị tổn thương về thần kinh, thay đổi hành vi, ảnh hưởng hệ tuần hoàn...

Nhận biết măng khô tẩm ướp quá nhiều lưu huỳnh để loại bỏ ngay khi mua

Theo giới chuyên gia, trước khi mua măng khô cần chú ý những điểm sau:

- Khi nhìn: Măng khô chứa lưu huỳnh có hàm lượng cao thường có màu sắc tươi sáng, bắt mắt hoặc màu lạ do không sấy đúng kỹ thuật. Măng ngâm hóa chất thường có độ bóng, trông bắt mắt, không bao giờ bị ẩm mốc. Măng khô an toàn có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ.

- Khi ngửi: Măng khô chứa lưu huỳnh khi cầm lên ngửi sẽ không thấy mùi thơm tự nhiên của măng mà hơi hắc hoặc thoang thoảng mùi lưu huỳnh. Măng khô an toàn sẽ lưu giữ mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ, không bị mốc.

Ăn măng khô vừa ngon vừa khỏe dịp Tết: Chuyên gia khuyến cáo 3 điều quan trọng - 3
Măng khô sạch cũng có thể gây hại sức khỏe mọi người nếu ăn liều lượng không vừa phải.

Khi ăn măng khô cần ăn với liều lượng vừa phải

Để cho những ngày Tết được vui, ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (nguyên trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện 198) cho rằng, măng khô sạch cũng có thể gây hại sức khỏe mọi người nếu ăn liều lượng không vừa phải. Người hay táo bón, hệ tiêu hóa không tốt, trẻ nhỏ, người cao tuổi răng yếu, nhai không kỹ, nhu động ruột và tuyến nước bọt giảm càng cần lưu ý không nên ăn quá nhiều măng.

Trong măng chứa nhiều chất xơ, khi ăn quá nhiều dễ vón lại, tạo thành khối bã thức ăn ở khu vực ruột non dẫn đến tắc ruột. Bởi vậy khi chế biến, mọi người nên ninh nhừ, khi ăn cần ăn chậm nhai kỹ để tránh gặp phải những tai nạn không mong muốn.

Theo TH (Nhịp Sống Việt)

Nổi bật