Trong bối cảnh hàng loạt ca mắc COVID-19 mới được phát hiện trong cộng đồng, Bộ Y tế liên tục đưa ra khuyến cáo yêu cầu người dân thực hiện khai báo y tế, đồng thời thực hiện khuyến cáo 5K.
Bên cạnh đó, theo Bộ Y tế: Thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và xây dựng lối sống lành mạnh sẽ tạo thành thói quen có lợi cho sức khỏe, giúp tăng sức đề kháng để có một sức khỏe tốt phòng, chống lại dịch bệnh.
Vậy một bữa ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch cho cơ thể là như thế nào?
Những thực phẩm cần có để "gia cố" hệ miễn dịch để chống lại virus, vi khuẩn
Theo Viện Dinh dưỡng, bữa ăn hàng ngày người dân cần đảm bảo thực hiện dinh dưỡng hợp lý để tăng cường miễn dịch cho cơ thể, cụ thể là:
1. Chế độ ăn cân đối
Mỗi gia đình cần cân đối giữa 3 nhóm chất sinh năng lượng; cân đối về protein (giữa đạm động vật và thực vật); cân đối về lipid (giữa lipid động vật và lipid thực vật); cân đối về vitamin và khoáng chất.
Do đó, để đạt được sự cân đối giữa 3 nhóm chất sinh năng lượng thì lượng chất đạm (protein) phải đạt từ 13 - 20%; chất béo (lipid) từ 20 - 25% và tinh bột (carbohydrate) từ 55 - 65% trong bữa ăn hằng ngày.
2. Cần đa dạng, có ít nhất 5/8 nhóm thực phẩm
Các nhóm bao gồm:
- Nhóm lương thực (gạo, mì) là thức ăn cơ bản và cũng là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể.
- Nhóm các loại hạt (đậu, đỗ, vừng, lạc,…) là nguồn cung cấp chất đạm thực vật cho cơ thể; nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp chất đạm động vật và canxi quan trọng cho cơ thể.
- Nhóm thịt các loại, cá, hải sản. Nhóm này cung cấp chất đạm động vật, đặc biệt các axít amin cần thiết mà cơ thể người không tự tổng hợp được; nhóm trứng và các sản phẩm của trứng là nguồn cung cấp chất đạm động vật và nhiều chất dinh dưỡng quý cho cơ thể.
- Nhóm củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ (cà rốt, bí ngô, gấc, cà chua) hoặc rau tươi có màu xanh thẫm là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng chủ yếu cho cơ thể. Loại rau càng sẫm màu càng có giá trị dinh dưỡng với cơ thể.
- Nhóm rau củ quả khác (su hào, củ cải...) cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ. Và nhóm dầu ăn, mỡ các loại là nguồn cung cấp năng lượng và các axít béo cần thiết cho cơ thể.
Lưu ý:
Theo Viện dinh dưỡng, trong mùa dịch COVID-19 các gia đình cần sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm. Tuyệt đối không được sử dụng thịt động vật ôi, hỏng. Không tiếp xúc với động vật chết do bệnh. Tránh xa khu vực chứa chất thải và nước thải trong chợ.
Ngoài ra khi nấu ăn cần sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống vào đồ ăn chín. Đảm bảo, nấu chín các loại thịt, trứng gia cầm trước khi ăn để đảm bảo tiêu diệt các mầm bệnh (như virus, vi khuẩn...). Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để loại bỏ các mầm bệnh sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống hoặc trước khi tiếp xúc với thực phẩm chín.
Đối với người cao tuổi thì cần ăn đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, trứng, lưu ý đến khẩu vị, sở thích để có thể ăn đủ số lượng. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày. Đặc biệt, cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn, đây là biện pháp phòng chống lây nhiễm tốt nhất với trẻ nhỏ. Tiếp tục bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Theo ĐỖ ĐỖ (Trí Thức Trẻ)