Bánh trung thu thường được bán nhiều vào dịp cuối tháng 7, đầu tháng 8 (âm lịch). Hiện nay, không chỉ bánh truyền thống mà bánh trung thu được các nhà sản xuất cải tiến với nhiều mùi vị hấp dẫn. Không ít người cho rằng bánh trung thu có thể ăn thoải mái để "chiều chuộng bản thân" vì đây không phải loại bánh có quanh năm mà chỉ có theo mùa vụ.
Thành phần chính của bánh trung thu là bột, đường, bơ, mỡ lợn. Vỏ của các loại bánh trung thu truyền thống cũng như các loại nhân đậu, nhân hạt sen... đều được tẩm ướp rất nhiều mỡ và đường. Chính vì vậy bánh trung thu có độ béo và ngọt rất cao.
Một trong những sai lầm thường gặp nhất là ăn bánh trung thu nhiều rồi nhưng vẫn ăn cơm đủ 3 bữa với số lượng cơm và thức ăn nạp vào cơ thể như bình thường. Điều này sẽ khiến năng lượng nạp vào cơ thể tính cả bánh trung thu và lượng cơm, thực phẩm hàng ngày rất lớn.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để cân bằng dinh dưỡng, nếu đã ăn bánh trung thu thì nên bớt khẩu phần cơm và lượng thức ăn trong ngày. Ngoài ra, cần bổ sung nhiều rau xanh, quả chín hơn để ngăn ngừa tăng đường huyết và dễ tiêu hóa, đẩy chất béo ra ngoài.
Những người muốn giảm cân nên hạn chế hoặc tránh xa món bánh này. Cũng như người béo phì không ăn các loại bánh này để tránh tình trạng tăng cân làm tình trạng béo phì trở nên trầm trọng hơn.
Cách chọn bánh trung thu phù hợp với sức khỏe
Thành phần của từng loại bánh trung thu khác nhau nên dinh dưỡng cũng khác nhau. Để an toàn cho sức khỏe, bạn cần căn cứ vào sức khỏe bản thân để chọn cho mình những chiếc bánh ngon, phù hợp.
Với bánh truyền thống
Bánh trung thu truyền thống với nhân thập cẩm bao gồm những nguyên liệu như lạp xưởng, thịt nạc, lạc, vừng hay bánh trung thu nhân trứng muối,… Những chiếc bánh trung thu như vậy có hàm lượng chất béo rất cao nên những người mắc các bệnh như tăng huyết áp, tăng lipid máu, những người mắc các bệnh về tiêu hóa như viêm túi mật, sỏi mật và viêm tụy không nên ăn loại này.
Với bánh làm bằng các loại hạt
Bánh trung thu có các loại nhân như hạnh nhân, quả óc chó, hạt vừng đen, đậu đỏ và đậu xanh rất giàu dinh dưỡng, nhưng khi chế biến các loại bánh này đều được thêm lượng đường rất lớn.
Nếu bệnh nhân bị tiểu đường, bệnh đường tiêu hóa không nên ăn. Bởi vì lượng đường cao trong bánh trung thu sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Những người mắc bệnh đường tiêu hóa có thể làm tăng tiết axit dạ dày sau khi ăn bánh trung thu, tăng kích thích đường tiêu hóa, gây đau bụng hoặc đầy hơi.
Với bánh trung thu kem lạnh
Bánh trung thu kem lạnh đang mới nổi trong thời gian gần đây. Loại bánh trung thu này chứa các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao như kem và sô cô la. Các loại bánh trung thu khác cần được nướng ở nhiệt độ cao trong 25 phút, nhưng những loại bánh trung thu kem lạnh không có quá trình này, vì vậy chúng dễ bị nhiễm vi khuẩn hơn.
Với loại bánh này cũng được khuyến cáo không nên ăn nhiều để tránh gây đau bụng và tiêu chảy…
Lưu ý khi chọn bán trung thu
Bánh trung thu được bán trên thị trường có mức giá chênh lệch nhau đáng kể. Người chọn bánh cao cấp, người chọn bánh bình dân và cũng không ít người chọn mua bánh được sản xuất gia công vì giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại bánh của các thương hiệu nổi tiếng.
Nhìn chung về cơ bản, thành phần chính của bánh trung thu được làm từ tinh bột, đường và chất béo. Vậy nên khi chọn bánh, người tiêu dùng không nhất thiết phải chọn loại đắt tiền, nhưng tuyệt đối không lựa chọn sản phẩm trôi nổi, hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu…
Theo M.H (Giadinh.net.vn)