Ăn bánh chưng thay cơm: Những nguy cơ bạn sẽ phải đối mặt

07/02/2019 13:45:00

Bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong những ngày Tết. Đây là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao không nên ăn quá nhiều, không ăn thay cơm tẻ trong những ngày Tết.

Tăng nguy cơ béo phì, bệnh chuyển hóa

Bánh chưng là một trong món ăn cổ truyền của người Việt khi Tết đến xuân về. Món ăn này không phải là thực phẩm tốt cho tất cả mọi người.

Trong những ngày Tết rất nhiều đồ ăn giàu năng lượng, trong đó có bánh chưng cho nên không ít người ăn bánh chưng thay cho cơm tẻ. Việc dùng bánh chưng ăn thay cho cơm tẻ được các chuyên gia khuyến cáo là không nên gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh, nguyên Trưởng khoa Vi Chất Dinh Dưỡng, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia cho hay bánh chưng là thực phẩm có chất bột, béo rất cao.

Đặc biệt hiện nay gạo để chế biến bánh chưng xay xát kỹ nên lượng bột càng cao. Trong khi đó, chất xơ, vitamin và chất khoáng thì gần như mất hết. Do thiếu chất xơ, vitamin, chất khoáng… vì vậy bánh chưng không phải là thực phẩm hoàn hảo có thể thay thế được cơm tẻ.

Theo phân tích dinh dưỡng 100g gạo nếp có tới 344 kcal. Một chiếc bánh chưng được làm với 1,5-2 bát gạo nếp có thêm thịt mỡ, đậu xanh. Nếu chỉ ăn đồ nếp nói chung, bánh chưng nói riêng khiến nhiều người tăng cân nhanh chóng.

Ăn bánh chưng thay cơm: Những nguy cơ bạn sẽ phải đối mặt
Không nên ăn bánh chưng trường kỳ thay cho cơm tẻ trong những ngày Tết.

"Lượng đường, bột đường tăng đột xuất lại thêm cả chất béo (thịt) cho nên khi ăn 1 góc nhỏ bánh chưng đã tương đương với 2 bát cơm tẻ. Nếu vì ngon miệng ăn nhiều bánh chưng sẽ sinh ra thừa cân.

Đặc biệt, một bữa ăn quá nhiều chất bột đường sẽ sinh ra mất cân đối dinh dưỡng, tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa", PGS.TS Ninh cho biết.

Chuyên gia khuyến cáo trong những ngày Tết không nên xáo trộn sinh hoạt quá nhiều, nên duy trì bữa ăn cân đối về dinh dưỡng. Tuyệt đối không dùng thực phẩm này để thay thế cho thực phẩm kia gây mất cân đối, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Trong một bữa ăn ngày Tết không nên chỉ tập trung vào một món, nên ăn thêm nhiều rau, dưa, các món khác để cân đối vitamin, chất khoáng…

Ai nên lưu ý khi ăn bánh chưng

PGS.TS Ninh cho hay, bánh chưng là thực phẩm dinh dưỡng nhưng không phải tốt cho tất cả các đối tượng. Đặc biệt đối với người bị bệnh đái tháo đường, mỡ máu, huyết áp, tim mạch, đang giảm cân, thừa cân béo phì cần chú ý ăn vừa phải bánh chưng.

Người đái tháo đường nhiều bánh chưng giàu chất bột đường có thể làm tăng tình trạng đường huyết đột ngột nguy hiểm với người bệnh. Bánh chưng giàu năng lượng những người thừa cân chỉ nên ăn rất, ăn nhiều sẽ không kiểm soát được cân nặng.

Do trong bánh chưng có chứa nhiều chất béo (nhân làm bằng thịt nửa lạc nửa mở) nên người mắc bệnh lý thận, gan thì không ăn bánh chưng; Người có bệnh lý đau dạ dày ăn nhiều bánh chưng sẽ khiến dạ dày luôn bị ức ách dễ bị ợ chua…, tăng cảm giác khó chịu cho những bệnh nhân

Trong Đông y bánh chưng được xếp vào nhóm thực phẩm có tính nhiệt. Vì vậy, những người bị mụn nhọt nên ăn ít bánh chưng gây nóng trong, làm nặng hơn tình trạng mụn nhọt.

Theo Ngọc Minh (Soha/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật