6 thói quen có khả năng gây nguy cơ ung thư cao nhất
Theo báo Trung y dược Trung Quốc, con người bị mắc bệnh ung thư nhiều phổ biến như hiện nay đa số xuất phát từ những thói quen xấu trong cuộc sống hàng ngày.
Có một thực tế là trên cơ thể người, ngoài tóc và móng chân tay ra thì tất cả các bộ phận của cơ thể đều có thể hình thành và phát triển các khối u, nhưng ung thư thì dù nhiều như vậy bạn cũng đừng sợ, vì ung thư có thể phòng ngừa và kiểm soát được.
Bác sĩ Lô Vĩ, giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Giang Tô, chia sẻ dẫn nguồn từ Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho rằng có tới 45% khối u xuất hiện trong cơ thể đều có thể phòng ngừa được và chúng có liên quan mật thiết đến lối sống.
Nếu bạn điều chỉnh các chi tiết nhỏ trong cuộc sống hàng ngày thì việc ngăn ngừa ung thư là rất khả quan. Chẳng hạn như thay đổi thói quen nhịn ăn sáng, duy trì bữa sáng đầy đủ và tập thể dục, nó sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư.
Theo các nghiên cứu, 6 thói quen xấu sau đây là nguyên nhân chính gây ung thư, và chúng cần được chú ý nhiều hơn trong lối sống hàng ngày, từ đó mới có thể ngăn ngừa ung thư hiệu quả.
1.Hút thuốc lá
Hút thuốc là thói quen xấu quan trọng nhất trong nhóm những nguyên nhân gây ung thư. Hút thuốc có thể gây ra nhiều loại ung thư.
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc ung thư phổi ở những người hút thuốc trong thời gian dài cao gấp 10-20 lần so với những người không hút thuốc, ung thư vòm họng cao gấp 6-10 lần, ung thư thực quản cao gấp 4-10 lần và ung thư tuyến tụy là 2-3 lần, ung thư bàng quang cao gấp 3 lần và nguy cơ ung thư máu tăng gấp 1,78 lần.
Ngoài ra, hút thuốc cũng có thể dẫn đến ung thư gan.
2. Béo phì, thừa cân
Nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã chỉ ra rằng béo phì có liên quan mật thiết đến sự phát triển của 13 bệnh ung thư như ung thư vú (thời kỳ hậu mãn kinh), ung thư đại trực tràng, ung thư nội mạc tử cung và ung thư tuyến thực quản.
Có nhiều tiêu chí để đo lường mức độ béo phì. Thông dụng nhất là BMI, là cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Phạm vi BMI tiêu chuẩn của người dân Trung Quốc (người Việt có thể tương đồng số này) là từ 18,5 đến 24, từ 24 đến 28 là thừa cân và trên 28 là béo phì.
Từ góc độ phòng chống ung thư, mỗi người cần biết đến trọng lượng chuẩn và phải được kiểm soát trong phạm vi tiêu chuẩn.
So với những người tập thể dục thường xuyên, những người thiếu tập thể dục thường dễ béo hơn, trao đổi chất chậm hơn, khả năng miễn dịch thấp hơn và dễ bị bệnh hơn.
Trẻ em và thanh thiếu niên phải đảm bảo tập thể dục cường độ vừa phải trong hơn 60 phút mỗi ngày. Người lớn phải đảm bảo 300 phút tập thể dục cường độ vừa phải mỗi tuần.
Khi tập thể dục thể thao nên tăng cường sự cân bằng, phòng ngừa té ngã và các bài tập sức mạnh cơ bắp để đảm bảo sức khỏe.
Loại bài tập nào sẽ tốt hơn đối với bạn? Chúng tôi khuyên bạn rằng, miễn là cường độ và thời gian đạt tiêu chuẩn, bất kỳ bài tập nào phù hợp với bạn đều có thể được áp dụng. Ví dụ như chạy bộ, đạp xe, bơi lội, cầu lông, khiêu vũ,… đều là những lựa chọn tốt.
3. Uống rượu
Có nhiều bằng chứng nghiên cứu và thực tế cho thấy rượu làm tăng nguy cơ ung thư ở thực quản (màng, vảy), dạ dày, gan, đại trực tràng và vú, và một số nghiên cứu cho thấy rượu cũng có thể gây ung thư phổi, ung thư tuyến tụy và ung thư da.
Ngoài ra, uống rượu bị đỏ mặt không có nghĩa là tửu lượng rượu tốt, đó chính là sự đột biến gen aldehyd dehydrogenase của con người, biểu hiện nguy hiểm của rối loạn chuyển đổi acetaldehyd, những người như vậy nên hạn chế tiêu thụ rượu.
4. Thức khuya
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thường xuyên thức khuya và duy trì thói quen cuộc sống không giờ giấc sẽ làm tăng nguy cơ ung thư.
Không những thế, thường xuyên thức khuya ngoài việc làm tăng nguy cơ ung thư, nó sẽ khiến cho các bệnh ung thư khó kiểm soát hơn, khả năng bị kháng thuốc cao hơn.
Điều đáng chú ý là làm việc và nghỉ ngơi không thường xuyên cũng là một yếu tố gây ung thư. Thay đổi thường xuyên về nhịp sống và giấc ngủ có thể khiến cho đồng hồ sinh học bị nhầm lẫn dẫn hoạt động "nhầm". Vì vậy, nếu bạn để đồng hồ sinh học của bản thân hoạt động hỗn loạn trong thời gian dài là "thủ phạm" dẫn đến tăng nguy cơ ung thư.
5. Ăn quá ít rau quả
Tăng lượng trái cây và rau quả hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ hình thành các khối u ở các bộ phận khác nhau như miệng, vòm họng, thực quản, phổi, dạ dày và đại trực tràng.
Các loại rau củ quả rất giàu chất xơ. Chất xơ có thể tạo ra các axit béo chuỗi ngắn có lợi để ức chế sự tăng sinh tế bào ung thư đường ruột.
Những thực phẩm này cũng rất giàu carotene, vitamin A / C / E, selen và axit phenolic. , flavonoid, hợp chất thioindigo, thông qua quá trình chống oxy hóa và các con đường khác, có khả năng ngăn ngừa đột biến tế bào.
6. Ăn quá nhiều thịt đỏ
Thịt đỏ là thịt của tất cả các động vật có vú. Những loại chính là lợn, bò và thịt dê/cừu. Lượng tiêu thụ mỗi tuần là 350-500 gram thịt nấu chín.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn quá nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và cứ 100 gram thịt đỏ mỗi ngày, nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng 12%.
Mặt khác, khi thịt đỏ giàu protein và chất béo cao được nấu chín, hầu hết đều sử dụng các phương pháp nấu ở nhiệt độ cao như chiên và rang. Trong quá trình này, các chất gây ung thư như amin dị vòng và hydrocarbon thơm đa vòng được sản xuất.
Đồng thời, chất sắt heme có trong thịt đỏ kích thích sự hình thành nội sinh của các hợp chất nitroso và thúc đẩy quá trình gây ung thư đại trực tràng.
Theo Vân Hồng (Soha/Trí Thức Trẻ)