Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ (Trưởng Đơn vị Điều trị Ban Ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM) chia sẻ việc trồng cây cảnh quanh nhà giúp làm đẹp, thanh lọc không khí và thư giãn tuy nhiên cũng cần lưu ý để nhận biết một số loại cây có độc. Nếu gia đình có trẻ nhỏ, vật nuôi dễ ăn thì không nên trồng những cây này.
"Có loài cây ăn vào mới gây độc, có loài chỉ cần đụng trúng phần nhựa sẽ gây kích ứng da hoặc niêm mạc dữ dội, gây ngứa, đỏ, sưng, rát, bỏng..., nhựa bắn vào mắt sẽ rất nguy hiểm", bác sĩ Vũ lưu ý.
1. Hoa ly lửa
Bác sĩ Vũ cho biết hoa ly lửa (hay còn gọi với tên phổ biến là cây ngọt nghẽo, ngót nghẻo, huệ lồng đèn, loa kèn lửa, hoa móng hổ),... thuộc họ bả chó, họ tỏi độc. Tất cả các thành phần của cây ngót nghẻo đều chứa chất độc có thể giết chết người và động vật. Đặc biệt phần rễ củ của cây giống với các thành viên khác trong họ bả chó chứa rất nhiều chất độc colchicine, alkaloid gloriocine.
"Chỉ sau hai giờ trúng độc, nạn nhân có biểu hiện buồn nôn, nôn mửa, tê bì và ngứa ran xung quanh miệng, rát cổ họng, đau bụng, tiêu chảy ra máu, dẫn đến tình trạng mất nước. Khi chất độc tiến triển trong cơ thể sẽ khiến tiêu cơ vân, tắc ruột, suy hô hấp, hạ huyết áp, rối loạn đông máu, đái ra máu, co giật, hôn mê và tổn thương đa thần kinh", bác sĩ Vũ lưu ý.
Với nạn nhân là phụ nữ, chất độc của loại hoa này còn gây lột da và chảy máu âm đạo. Thực tế đã có trường hợp ăn phải củ ngót nghẻo bị rụng tóc dẫn tới hói đầu hoàn toàn, thậm chí lông trên cơ thể còn bị rụng. Ở Nigeria chất độc từ cây ly lửa được sử dụng để tẩm vào mũi tên. Trong khi ở Ấn Độ, củ loài cây này được người dân đặt lên cửa sổ để đuổi rắn độc ra xa khu vực nhà ở.
2. Trúc đào
Loại cây này có tên khoa học là Nerium oleander L thuộc họ trúc đào (Apocynaceae). Toàn cây trúc đào có nhựa đục rất đắng và độc, gồm acid hydrocyanic và những glucosid độc là oleandrin, neriin, neriantin.
Y học cổ xưa đã công nhận trúc đào rất độc. Bò, ngựa ăn phải một số lá trúc đào tươi đã bị ngộ độc. Người ăn thịt súc vật chết vì lá trúc đào cũng bị ngộ độc. Qua thử nghiệm, người uống phải nước có lá trúc đào rơi vào hay nước ngâm rễ trúc đào cũng gặp hiện tượng này. Ở đảo Corse, Pháp, có trường hợp ngộ độc vì ăn chả nướng xiên bằng cành trúc đào và uống nước đựng trong chai nút bằng gỗ trúc đào.
Những triệu chứng ngộ độc trúc đào là tình trạng khó chịu, bải hoải chân tay, buồn nôn, chóng mặt với liều nhỏ; tiêu chảy ra máu, rối loạn hô hấp, nôn mửa, chân tay co giật, loạn nhịp tim, mạch nhỏ yếu đi tới hôn mê và tử vong nếu trúng liều cao.
"Do đó, không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước như giếng, ao, bể nước; không buộc hoặc thả gia súc dưới gốc cây trúc đào; không để trẻ nhỏ nhặt chơi hoa trúc đào vì trẻ dễ cho hoa vào miệng; không dùng lá trúc đào chữa bệnh ngoài da dưới bất kỳ hình thức nào", bác sĩ khuyên.
Tuy không thể dùng trực tiếp nhưng lá trúc đào là dược liệu trong y học. Lá này được dùng làm nguyên liệu chiết xuất oleandrin, là thuốc uống được chỉ định điều trị suy tim, hở van hai lá, nhịp tim nhanh, các bệnh tim có phù, giảm niệu.
3. Hoa loa kèn
Hoa loa kèn có tên khoa học Brumansia Suaveolens (Wild), thuộc họ cà Solanaceae. "Trong hoa loa kèn chứa chất gây ảo giác Scopolamine. Chỉ cần uống một giọt độc dược chiết xuất từ chất scopolamine, nạn nhân có thể bị mất trí nhớ và mất tri giác tạm thời", bác sĩ Vũ cho hay
Hoa loa kèn độc có nhiều màu sắc khác nhau đỏ, cam, vàng, trắng. Loại cây này được sử dụng để bào chế các loại thuốc có tác dụng giảm đau, chống say tàu xe, tiền mê, trị hen suyễn... Nó được xếp vào bảng có độc tính cao nên chỉ được dùng để bào chế thuốc với một lượng rất nhỏ, tính bằng miligram.
"Chỉ cần hấp thụ một lượng nhỏ scopolamine có thể gây ngộ độc. Vì thế chúng ta không nên tùy ý hái bất kỳ bộ phận nào của cây loa kèn để sắc thành thức uống. Khi bị ngộ độc, nhẹ thì cảm thấy khô miệng, khó nuốt, giảm tiết dịch ở phế quản, giãn đồng tử, nặng có thể bị lú lẫn, hoang tưởng, dễ bị kích thích", bác sĩ lưu ý
Loài hoa này ở Đà Lạt được trồng nhiều, tuy nhiên không nên tới gần, sờ chạm hoặc hít phấn hoa này.
4. Xương rồng ba cạnh
Cây xương rồng ba cạnh có độc (đặc biệt là nhựa trắng có trong toàn cây). Điều này được nói đến trong nhiều công trình y học ở nước ta như "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam"...
Theo bác sĩ Vũ, xương rồng ba cạnh là một vị thuốc nhiều tác dụng như tẩy, kháng khuẩn, chống viêm... nhưng loại này chỉ được dùng ngoài da và theo chỉ định. Các công trình y học đều nhấn mạnh người chưa có kinh nghiệm thì không nên dùng loại cây này.
"Ngay cả khi dùng ngoài da, chất nhựa có trong cây xương rồng ba cạnh cũng có thể gây kích ứng, làm tổn hại lớp niêm mạc da (đối với trường hợp da mỏng, da bị trầy xước...) và gây rát, phồng rộp, đỏ... Nếu không may để rơi vào mắt, nhựa cây cũng có thể gây mù mắt", bác sĩ nhấn mạnh.
5. Hồng môn
Toàn thân cây hồng môn đều có độc tố Calcium oxalate và Asparagine. Nếu bình thường thi những chất này không gây ảnh hưởng đến chúng ta. Tuy nhiên, nếu trong nhà có trẻ nhỏ hoặc thú cưng thì cần lưu ý khi trồng bởi nếu chúng ăn phải bất kỳ bộ phận nào của cây cũng gây ra bỏng rát họng, dạ dày và ruột. Lá hay hoa nếu nát dính vào da sẽ dễ tạo ban và rộp mụn nước.
6. Kim tiền
Trong thân và lá cây có chứa canxi oxalat, gây nóng rát, bỏng lưỡi, cổ họng nếu ăn phải. Nặng hơn sẽ gây sưng viêm, ngạt thở và xuất huyết dạ dày. Nhựa cây dính lên mắt cũng ảnh hưởng xấu đến thị lực.
7. Cây ngô đồng
Ngô Đồng (Jatropha podagrica) còn được gọi là Vạn Linh, Sen Núi, Dầu Lai có củ. cây Ngô Đồng có chứa chất Curcin trong thân, củ, lá và đặc biệt là hạt. Chất này có thể gây bỏng rát ở họng, đau bụng, ói, tiêu chảy. Khi đã bị ngộ độc nặng sẽ xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tim mạch, ức chế hệ thần kinh trung ương.
8. Vạn niên thanh
Hay còn gọi là môn trường sinh đốm có tên khoa học Dieffenbachia seguine. Giống với các cây họ ráy khác, tất cả bộ phận của vạn niên thanh đều có độc. Do đó phải cẩn thận khi va chạm, di chuyển hay chăm sóc loại cây cảnh này.
Mủ cây gây ngứa, nếu văng vào mắt sẽ gây khó chịu cho mắt; ăn phải thì bị tê môi, đỏ lưỡi, nói khó, ngứa họng, đau rát, nôn mửa.... Nếu lỡ dính mủ cây môn trường sinh bị ngứa thì không nên gãi mà hơ nóng (ấm) vùng da bị dính sẽ khỏi. Nếu dính mủ vào miệng, mắt thì súc miệng, rửa mắt bằng nước ấm, rồi dùng máy sấy tóc hơ ấm. Đa số trường hợp bị ngộ độc là trẻ nhỏ hoặc thú nuôi.
Những triệu chứng này thường nhẹ và có thể chữa trị bằng thuốc giảm đau, thuốc kháng Histamine hay than hoạt tính. Người bị dính độc của cây này không đến mức phải súc rửa đường tiêu hóa như các loại ngộ độc khác và có thể tự khỏi mà không cần chữa trị đặc biệt nào.
Người trồng cần biết cách bảo vệ bản thân nếu muốn chăm sóc những cây cảnh có độc này trong nhà. "Khi cắt tỉa các loại cây cảnh, cần sử dụng dụng cụ riêng, bởi nếu quên rửa hoặc rửa không sạch, sau đó dùng làm bếp tiếp thì vô tình đưa chất độc vào người. Sử dụng phương tiện bảo hộ khi làm vườn như đeo găng tay, đeo kính bảo vệ mắt, kính phòng hộ bảo vệ khuôn mặt, mang ủng....", bác sĩ khuyên.
PN (SHTT)