1. Hoa phi yến
Báo Thể thao văn hóa dẫn lời nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (Hội Đông y Hà Nội), cho biết hoa phi yến có tên khoa học Delphimum Acis L. Loại hoa này có nhiều tên gọi khác nhau như hoa chân chim hay đông thảo. Phi yến khá phổ biến và được yêu thích ở các nước châu Âu. Ở nước ta, Phi Yến được trồng nhiều tại Đà Lạt.
Cây hoa phi yến có sức sống mãnh liệt, loài hoa tượng trưng cho ý chí kiên cường, tuy nhiên cũng rất dịu dàng, tinh khiết. Hoa phi yến có nhiều màu sắc khác nhau như: trắng, hồng, đỏ, tím, xanh nên được ưa chuộng cắm trong các dịp quan trọng.
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng cho biết, hoa phi yến dù đẹp nhưng lại là loài hoa có độc nên cẩn trọng. Loại cây này toàn thân cây đều có độc và đã gây ra cái chết cho các loại động vật như cừu.
Từ thời các vua Pharaôn, cây hoa phi yến được xem là loại cây quan trọng dùng để làm thuốc trừ sâu. Ở Ấn Độ, người dân sử dụng hạt cây phi yến làm thuốc diệt côn trùng.
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng cung cấp thêm thông tin: "Trong hoa phi yến chứa các diterpenoisalkaloid, bao gồm cả methyllycaconitine - độc tính rất cao. Alkaloid là chất độc có nhiều trong cây phi yến, nếu ăn phải với lượng nhỏ có thể gây ra nôn mửa hoặc có thể dẫn đến tử vong nếu ăn nhầm số lượng lớn".
Bộ Nông nghiệp Mỹ cảnh báo, tất cả loài phi yến (Delphinium Ajacis, Larkspur) đều có độc tố diterpene alkaloid. Chất này ức chế thần kinh, gây ngừng hoạt động các cơ, bao gồm cả tim có thể gây tử vong nếu tiêu thụ lượng đủ lớn. Ở Bắc Mỹ, hoa phi yến là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại cho gia súc tại các vùng phía tây, đặc biệt là trên các vùng đồi núi.
Theo nhà khoa học Bùi Đắc Sáng, cây phi yến độc nhất trong thời kỳ đầu sinh trưởng, giảm dần khi trưởng thành. Độc tố của cây phi yến tập trung nhiều nhất trong hoa, hạt và quả.
Nếu ăn phải 2mg chất alkaloid có thể gây tử vong ở người lớn. Còn trẻ em có thể bị viêm da nghiêm trọng khi chạm vào hoa, hoặc phản ứng ngộ độc nếu ăn.
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng khuyến cáo dù hoa phi yến rất đẹp nhưng không nên trưng trong nhà vì trẻ con, vật nuôi ăn phải có thể ngộ độc ảnh hưởng tới sức khoẻ. Trường hợp nếu cắm loại hoa trong nhà cần để ở vị trí cao để trẻ nhỏ, vật nuôi không thể với tới được.
Đối với các loài hoa có độc, chuyên gia lưu ý khi cắm cần phải đeo bao tay để tránh nhựa có thể dính vào tay. Sau khi cắm hoa xong nên rửa sạch tay.
2. Hoa thiên điểu
Hoa thiên điểu tên khoa học là Strelitzia reginae mang nguồn gốc từ Nam Phi. Đây là loài hoa có vẻ đẹp hoang dại khiến ai cũng phải trầm trồ ngợi khen. Hoa thiên điểu thường rất bền và lâu tàn nên được sử dụng nhiều trong cắm hoa nghệ thuật.
Hoa thiên điểu có hình dáng như chú chim đang sải cánh nên còn được gọi là "hoa chim thiên đường". Đây cũng là loại hoa mang ý nghĩa phong thuỷ, thường được dùng để trang trí lễ cưới, cắm trong lẵng hoa khai trương, trang trí dịp Tết.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) chia sẻ trên VTC News, dù có vẻ đẹp mê lòng người nhưng hoa Tthiên điểu lại có chứa độc tố. Trong hoa và hạt của cây có chất gây ngộ độc đường ruột.
Trên thế giới từng ghi nhận trường hợp tiếp xúc, hoặc ăn hoa, hạt ngộ độc với triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt, bỏng rát lưỡi. Thậm chí nếu ngửi hoa lâu bạn sẽ bị khó chịu. Trung tâm kiểm soát chất độc động vật Mỹ (ASPCA) cũng khuyến cáo hoa thiên điểu không tốt cho thú nuôi như chó, mèo… Loại hoa này nằm trong danh sách những loại cây trồng có độc, khả năng gây hại tới thú nuôi.
3. Hoa ly lửa
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Th.s Nguyễn Văn Hiếu (Viện Dược Liệu, Bộ Y tế), cho biết hoa ly lửa hay còn gọi là ngót ngoẻo tỏi độc; có tên khoa học Gloriosa L. thuộc họ Bả chó hay họ Tỏi độc (Colchicaceae); chi Tỏi độc (Gloriosa L.) được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1737 bởi nhà thực vật học người Thụy Điển: Carl Linnaeus dựa trên một mẫu vật được thu thập ở phía tây nam Ấn Độ (Malabar).
Đây là một dạng cây cỏ sống lâu năm, cành trườn dài 1-3 m; mọc ở bãi cát ven biển, ven rừng, trảng cây bụi, ven đường. “Tất cả các thành phần của cây ngót nghẻo đều chứa chất độc có thể giết chết người và động vật lớn. Đặc biệt, phần rễ củ của cây giống với các thành viên khác trong họ Bả chó chứa rất nhiều chất độc colchicine, alkaloid gloriocine; chỉ cần lượng nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng”, ông Hiếu phân tích và cảnh báo: “Loại cây này rất nguy hiểm cho người dùng, đặc biệt trong nhà có trẻ nhỏ”.
Liên quan tới loài hoa kịch độc ngót ngoẻo, Lương y Phan Công Tuấn, Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng, cũng không thể quên sự việc “nhầm lẫn chết người”: “Chuyện xảy ra cách đây gần 40 năm, một sản phụ ở xã Hòa Nhơn (Hòa Vang, Đà Nẵng) bị phù thũng, có một người mách dùng cây Cối xay sắc nước uống. Nhưng khi người nhà đi tìm thì bị chỉ nhầm cây ngót nghẻo, vì tên địa phương cũng gọi “Giằng xay” hay “Cối xay”. Sau khi sắc nước cây này uống, sản phụ đã tử vong. Câu chuyện đau lòng đó nhiều thầy thuốc và người dân địa phương còn nhớ”, vị lương y cho hay.
Theo Lương y Phan Công Tuấn, triệu chứng ngộ độc ngót nghẻo thường thấy vài giờ sau khi ăn phải. Nạn nhân thấy đau môi, lưỡi, đau bụng, tê dại toàn thân, nôn mửa, ỉa chảy ra máu, hoa mắt, mệt mỏi, mặt tím tái, sợ ánh sáng, mạch nhanh, khó thở, mất tri giác rồi chết. Trước khi chết 20-40 phút, thân nhiệt hạ và co giật.
Trong các tài liệu của Việt Nam ghi nhận cây ngót nghẻo phân bố tự nhiên ở Hà Nội (Ba Vì), Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng (Tourane), Quảng Ngãi, Bình Định (Phù Mỹ), Đắk Lắk, Ninh Thuận (Phan Rang), Bình Thuận (Phan Thiết), Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu (Côn Đảo); cũng được trồng trong vườn hoa, vườn thuốc, trong chậu. Trên thế giới loại cây này còn xuất hiện ở nhiều nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Malaixia, châu Phi.
PN (Nguoiduatin.vn)