Theo thông tin tại Iran, đã có 728 người tử vong sau khi uống cồn công nghiệp methanol vì nhầm tưởng đây là phương thuốc chữa Covid-19. Ngoài ra, Iran cũng ghi nhận 5.011 người khác bị ngộ độc rượu và 90 người bị mất thị lực hoặc tổn thương mắt sau khi sử dụng đồ uống chứa methanol độc hại này.
Theo PGS Trần Hồng Côn - giảng viên khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, methanol là hoá chất lỏng và là nguồn năng lượng bắt nguồn từ khí thiên nhiên, than, chất thải sinh học và CO2. Được sử dụng rộng rãi làm nguyên liệu hoá học và ứng dụng làm năng lượng sạch cho môi trường.
Methanol là dạng rượu cồn đơn giản nhất, là chất lỏng nhẹ, bay hơi, không màu, dễ cháy với mùi vị đặc trưng rất giống với Ethanol - là loại rượu thực phẩm để uống.
Methanol là sản phẩm phụ của quá trình chưng cất rượu và chất lỏng đầu tiên ngưng tự khi rượu được nấu theo cách chưng cất truyền thống. Tuy nhiên, methanol là có độc tính cao và không thích hợp để uống.
PGS Côn cho biết khi uống Methanol vào cơ thể sẽ trở thành Formandehyd và tiếp đến là axit formic tấn công vào não bộ, mắt, dây thần kinh thị giác và các bộ phận bằng mô mềm khác như thận và gan. 10 ml trộn vào đồ uống là đủ gây ra mù vĩnh viên, 30 ml bằng 1 ngụm có thể gây chết người.
Nguy hiểm của Methanol là chuyển hoá sang Axit formic đây là độc tố cho thần kinh và võng mạc. Mức độ axit forrmic cao có thể gây suy đa tạng, toan chuyển hoá nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
PGS Côn cho biết, các triệu chứng ngộ độc Methanol đó là nôn oẹ, tiêu chảy hoặc đau bụng. Người bệnh có cảm giác đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, niêm mạc môi, móng tay tím tái.
Ngoài ra, người ngộ độc có hành vi kích động, mắt nhìn mờ, nhìn không rõ, khó thở, co giật, hôn mê và tử vong.
Khi bị ngộ độc methanol, người bệnh có dấu hiệu buồn ngủ, bất tỉnh, cần tiến hành bảo vệ đường hô hấp bằng ống thở nếu có. Nếu không thể, cần cho bệnh nhân uống ethanol bằng đường uống một cách an toàn nhất có thể.
Nếu bệnh nhân hôn mê bất tỉnh hãy để bệnh nhân ở tình trạng hôn mê sâu và thu xếp chuyển ngay bệnh nhân tới bệnh viện gần nhất.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên- Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, methanol thường gây ngộ độc khi bệnh nhân uống nhầm rượu có chứa methanol.
Methanol là một chất cực độc, không phải thuốc chữa bất cứ bệnh gì, thậm chí nó không có tác dụng sát khuẩn thông thường.
Methanol uống vào nếu không tử vong cũng gây ra viêm gan nhiễm độc, suy thận cấp, viêm thị giác dẫn đến mù.
Nhiều trường hợp nghiện rượu, với nồng độ rượu bình thường uống vào không khiến họ cảm thấy "phê" mà phải pha thêm cồn vào uống mới đã. Nếu là cồn ethanol thì sẽ gây ngộ độc rượu (say) rồi lại tỉnh nhưng nếu là cồn methanol thì say là chết.
Những người sử dụng thường bị nghiện rượu, ham rượu rẻ nên thường mua phải rượu có lẫn tạp chất là methanol, uống nhiều có thể gây chết người.
Theo Ngọc Anh (Tổ Quốc)