Chứng sa sút trí tuệ trở thành một mối lo ngại bởi tình trạng này làm suy giảm trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Có nhiều yếu tố có thể khiến mọi người có nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ cao hơn. Trong khi các tác nhân như tuổi tác, di truyền và giới tính là không thể thay đổi, thì những yếu tố khác nằm trong tầm kiểm soát.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tránh một số thói quen nhất định có khả năng giúp giảm tới 60% nguy cơ phát triển các bệnh như Alzheimer - loại bệnh sa sút trí tuệ phổ biến nhất.
Hana Burianová là Giáo sư Khoa học Thần kinh của tổ chức phúc lợi Healthspan. Với kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, cô đã đưa ra khuyến cáo rằng có những thói quen trong cuộc sống làm giảm "độ dẻo thần kinh" và tăng khả năng mắc chứng mất trí nhớ.
"Độ dẻo thần kinh là sản xuất các tế bào thần kinh mới và tạo ra các kết nối mới giữa chúng. Nó giúp ngăn ngừa chứng mất trí nhớ và viêm thần kinh, đồng thời hỗ trợ các chức năng nhận thức và cảm xúc của chúng ta khi chúng ta già đi", cô nói.
Vậy, những thói quen làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ mà giáo sư Hana nhắc tới ở đây là gì?
Vận động quá ít
Hana nói: "Điều này dẫn đến lưu thông và oxy hóa kém, rối loạn điều hòa hormone và chất dẫn truyền thần kinh, lão hóa nhanh hơn và có khuynh hướng mắc chứng mất trí nhớ" .
"Tốt nhất, chúng ta không nên ngồi quá lâu mà hãy đứng lên cứ sau nửa giờ", cô nói.
Khi nói đến tập thể dục, Hana nói rằng lý tưởng nhất là chúng ta cần ít nhất 30 phút tập thể dục từ nhẹ đến trung bình hoặc ít nhất 15 phút tập thể dục cường độ cao mỗi ngày.
Ngủ quá ít
"Nếu bạn đang ngủ không đều và không đủ giấc, điều này sẽ có tác động tiêu cực đến độ dẻo của thần kinh, cộng với nó sẽ làm giảm sự tập trung và trí nhớ" , giáo sư Hana giải thích.
Tốt nhất, tất cả chúng ta nên ngủ đủ 7-9 giờ mỗi đêm cũng như đặt mục tiêu đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Hana cũng nói thêm rằng chỉ cần một đêm ngủ tồi tệ cũng có thể có tác động đến sức khỏe não bộ của chúng ta. "Nó sẽ gây ra rối loạn điều hòa các chất hóa học thần kinh. Nếu điều này trở thành một mô hình quen thuộc thì sẽ là một vấn đề mãn tính ảnh hưởng đến não của chúng ta" , cô cho biết.
Và một giấc ngủ nướng vào cuối tuần cũng không được khuyến khích. Theo Hana, bộ não hoạt động theo nhịp sinh học 24 giờ, phải nhất quán, bất kể đó là ngày làm việc hay thứ Bảy, Chủ nhật. Thay đổi sự cân bằng của ánh sáng và bóng tối dẫn đến rối loạn điều hòa melatonin và cortisol. Melatonin là hormone ngủ của chúng ta và cortisol là hormone căng thẳng, thúc đẩy chúng ta thức dậy. Chúng ta cần melatonin vào buổi tối và cortisol vào buổi sáng, để giúp chu kỳ ngủ và thức diễn ra đúng hướng.
Căng thẳng mãn tính
Hana giải thích: "Điều này dẫn đến rối loạn điều hòa hormone và chất dẫn truyền thần kinh, lão hóa nhanh hơn và suy giảm các chức năng nhận thức thần kinh - bao gồm sự tập trung, trí nhớ và điều chỉnh cảm xúc kém - có khuynh hướng sa sút trí tuệ và viêm thần kinh" .
Nếu bạn cảm thấy mình có thể đang bị căng thẳng cao liên tục, điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp để cố gắng giảm bớt căng thẳng này, chẳng hạn như giảm lượng công việc, ưu tiên giấc ngủ hoặc đơn giản hơn là cho phép tâm trí của bạn được "nghỉ ngơi".
Chế độ ăn uống kém
Thực phẩm bạn ăn có ảnh hưởng đến sức khỏe của não bộ của bạn.Hana nói: "Chế độ ăn uống kém dẫn đến viêm ruột, tác động tiêu cực đến não, vì chúng được kết nối trực tiếp và điều này dẫn đến viêm thần kinh".
Cô nói thêm rằng một chế độ ăn uống nghèo nàn dinh dưỡng như là thực phẩm đã qua chế biến sẵn, ít chất xơ và nhiều chất béo cũng như thực phẩm có quá nhiều đường, muối... cũng có thể gây ra vấn đề về não bộ. Tận hưởng chế độ ăn Địa Trung Hải chứa đầy thực phẩm giàu chất xơ, trái cây, rau, dầu cá và dầu ô liu, cộng với men vi sinh sẽ giúp giữ cho ruột của chúng ta "hạnh phúc". Từ đó cũng tốt hơn cho não.
Thiếu giao tiếp xã hội
Hana nói: "Những người cô đơn có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao gấp đôi do thiếu giao tiếp với mọi người. Thiếu giao tiếp xã hội cũng dễ dẫn đến trầm cảm, lo lắng và căng thẳng mãn tính, có tác động tiêu cực đến não.
Điều này có tác động tiêu cực hơn nữa đến hạnh phúc của một người. Không được giao tiếp xã hội, não không có kích thích và tương tác mới thì có thể làm cho độ dẻo thần kinh chậm lại, từ đó dẫn đến những vấn đề về não, bao gồm cả sa sút trí tuệ, mất trí nhớ" .
Nghe nhạc lớn
Tất cả chúng ta đều thích bùng nổ âm nhạc. Nhưng lặp đi lặp lại hành động này có thể gây hại cho màng nhĩ, đặc biệt nếu bạn đeo tai nghe.
Theo nghiên cứu của ĐH Johns Hopkins, nếu điều này chưa đủ tồi tệ, thì việc mất thính giác có liên quan đến chứng mất trí. "Hình ảnh quét não cho chúng ta thấy rằng mất thính lực có thể góp phần làm cho tốc độ teo não nhanh hơn", tiến sĩ Frank Lin, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.
Mất thính lực cũng góp phần vào sự cô lập xã hội. Bạn có thể không thích nơi đông người, không thích nói chuyện - những yếu tố có thể góp phần vào chứng sa sút trí tuệ.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Mỹ khuyên, để bảo vệ thính giác, không nghe nhạc quá 60 phần trăm âm lượng tối đa. Không sử dụng tai nghe trong hoặc tai nghe ngoài hơn một giờ mỗi lần và hãy nghỉ giải lao ít nhất năm phút mỗi giờ.
Sự cô đơn
Nhiều người có thói quen dành tối thứ Sáu một mình với ly rượu vang và Netflix. Với nhiều người đây thực sự như giấc mơ. Nhưng nếu bạn làm vậy vì cô đơn, hoặc cảm thấy cô lập với thế giới, việc này có thể gây hại cho sức khỏe. Thường xuyên cảm thấy cô đơn có liên quan đếm suy giảm chức năng nhận thức và bệnh Alzheimer.
Các nhà khoa học Samia Akhter-Khan và Qiushan Tao tại Trường Y Harvard, Mỹ đã nghiên cứu não của những người trưởng thành khỏe mạnh. Kết quả công bố tháng 3/2021 cho thấy, những người cô đơn có mức amyloid trong vỏ não cao gấp 7,5 lần người bình thường. Amyloid là một dấu hiệu được sử dụng để chẩn đoán chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.
Một nghiên cứu khác của Cao đẳng King London, Anh, cũng cho thấy những người đơn độc dễ mệt mỏi và khó tập trung hơn 24% người bình thường.
PN (Nguoiduatin.vn)