Cơm là một trong những thực phẩm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng giúp tăng cường năng lượng hiệu quả. Ăn cơm hàng ngày còn giúp ngăn ngừa ung thư, phòng chống bệnh Alzheimer, kiểm soát huyết áp...
Tuy nhiên, nhiều thói quen ăn cơm sai cách có thể dẫn đến những nguy cơ cho sức khoẻ.
1. Ăn quá nhiều cơm
Chia sẻ với Tiền Phong, TS. BS. Đỗ Thị Phương Hà, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, người Việt thường có thói quen ăn nhiều cơm mà không hề biết rằng trong cơm chứa nhiều đường. Nếu ăn nhiều cơm sẽ khiến lượng đường trong máu cao và kéo dài là nguyên nhân chủ yếu gây nên những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới cuộc sống và chất lượng cuộc sống.
Ăn nhiều cơm bị tiểu đường sẽ gây biến chứng tim mạch như tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người mắc đái tháo đường...
Vì vậy, mỗi người trưởng thành có mức lao động thể lực trung bình nên ăn trung bình mỗi bữa 2 lưng bát cơm.
2. Không nhai kỹ khi ăn cơm
Việc nhai cơm đúng cách sẽ cho phép các tuyến nước bọt giải phóng một loại enzyme có tính kiềm là ptyalin giúp phân giải các chất trong thực phẩm thành đường đơn. Nếu bạn nhai quá ít, cơm sẽ không được phân giải tốt và có thể dẫn tới một số vấn đề như ợ nóng, táo bón và trào ngược axit.
Ngoài ra, nhai cơm không kỹ lâu dài có thể gây ra các bệnh về tiêu hoá, đồng thời giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng.
Người nhai không kỹ thường đi kèm với thói quen ăn nhanh, dẫn đến ăn quá nhiều so với mức cần thiết. Ngoài ra, khi ăn quá nhanh, hoóc môn tạo cảm giác no được tiết ra ở đường ruột không kịp truyền tín hiệu đến não bộ. Vì thế não bộ không ra lệnh ngừng ăn kịp thời, một lượng calo dư thừa vẫn tiếp tục được bổ sung. Chính điều này gây tăng cân, thậm chí ở mức khó kiểm soát.
3. Ăn cơm nguội
Thói quen ăn cơm nguội đã tồn tại từ lâu trong các gia đình Việt Nam, có gia đình ăn cơm nguội để từ hôm trước tới hôm sau, còn có gia đình thì “gom” cơm nguội lại rồi hâm nóng, chiên lên ăn, nhiều người nghĩ rằng việc này quá bình thường, ăn cơm như vậy bao năm qua không có vấn đề gì. Tuy nhiên, PGS Nguyễn Duy Thịnh đưa ra lời khuyên trên báo Lao Động: chúng ta không nên ăn cơm nguội, nên từ bỏ thói quen này.
Cơm là thực phẩm giàu dưỡng chất, tinh bột, đường nên rất dễ nhiễm khuẩn mà cụ thể là khi để ở nhiệt độ thường trong thời gian dài, những bào tử vi khuẩn trong cơm sẽ phát triển mạnh mẽ, tạo môi trường cho vi khuẩn Bacillus cereus sinh sôi, phát triển. Khi nhiễm khuẩn, cơm nguội có thể gây ra chứng rối loạn tiêu hóa, ngộ độc cấp.
Hơn nữa, cơm nguội rất nhanh thiu, chỉ để ở nhiệt độ thường hoặc nơi nóng bức, cơm sẽ nhanh phân hủy, ngả màu vàng, có mùi hôi thiu. Khi đó bạn phải bỏ cơm ngay.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo, mọi người chỉ nên ăn cơm nóng hoặc cơm nóng vừa được để nguội. Nếu ăn không hết, cơm phải được bảo quản trong tủ lạnh, không quá 24h, không ăn khi cơm có các dấu hiệu bất thường.
4. Ăn cơm chan canh
Thói quen ăn cơm chan canh rất phổ biến trong bữa cơm. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo đây là thói quen xấu.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng trong bữa cơm cần hạn chế dùng các loại nước canh hay nước lọc, nước ngọt.
Bởi khi ăn cơm dù uống bất kỳ loại nước nào cũng đều làm cho quy trình tiêu hóa bị ảnh hưởng vì nó làm tăng kích thích của dạ dày. Khi có quá nhiều chất lỏng và thức ăn trong dạ dày sẽ khiến cho quá trình tiêu hóa chậm lại.
Việc ăn cơm chan canh, khiến cho thức ăn được nuốt nhanh hơn sẽ không được hấp thụ nước bọt đã tiêu hóa xuống dạ dày từ đó làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Khi thức ăn chưa được nghiền nát đang ở dạng cứng trước khi vào dạ dày dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày, dạ dày phải làm việc nhiều hơn, dễ đau hơn lâu dài sinh ra bệnh đau dạ dày có nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mọi người nên ăn phải nhai kỹ và nên uống nước chan canh hay bất kỳ loại nước gì sau cùng.
5. Uống trà trong và sau bữa ăn
Nhiều người cho rằng uống trà trong và sau khi ăn cơm vừa ăn luôn tạo cảm giác ngon miệng, dễ ăn, dễ tiêu hóa... tuy nhiên điều này lại là một sai lầm.
Nước trà sẽ khiến cho các chất protein trong thức ăn bị kết tủa lại, làm co niêm mạc dạ dày, loãng dịch vị và gây ra những tác động không tốt đến hệ tiêu hóa của cơ thể đặc biệt là việc hấp thụ sắt.
6. Ăn thức ăn trước, ăn cơm sau
Đây là hiện tượng thường thấy ở trẻ nhỏ, trẻ thường thích ăn thức ăn trước sau đó mới ăn cơm và các bậc phụ huynh cũng đồng ý với điều đó để con ăn được nhiều thế nhưng cách ăn này lại gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe lâu dài của bé.
Trẻ ăn thức ăn trước sau đó mới ăn cơm dễ dẫn đến tình trạng chán cơm, thiếu tinh bột gây suy dinh dưỡng . Nguy hiểm hơn đó là khi ăn thức ăn trước chất đạm trong thức ăn sẽ chuyển ngay thành axit uric bám vào các khớp xương và hình thành nên bệnh Gout về lâu dài.
Chính vì thế các bậc phụ huynh hãy cho bé ăn cơm hợp lý, nên ăn cơm và thức ăn cùng nhau để việc hấp thu dinh dưỡng được tốt nhất.
Theo Bích Chi (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)