Gan là bộ phận cơ thể đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa, trao đổi chất và sản xuất những enzyme thiết yếu. Một số nhà khoa học cho rằng gan quý hơn não và tim vì chúng thực hiện những nhiệm vụ cốt yếu trong cơ thể.
Khi nhận kết quả K gan hay còn gọi là ung thư, nhiều người nghĩ chắc do di truyền hoặc do cơ thể mình bị nhiễm độc tố nào đó. Vậy nhưng thực tế có rất nhiều thói quen hàng ngày có thể khiến bản thân bị bệnh về gan, cuối cùng dẫn tới K gan.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ trên VietNamNet, rất nhiều yếu tố trong cuộc sống có thể ảnh hưởng tới chức năng gan.
1. Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, ăn đồ ăn mốc có chứa Aflatoxin
Các loại ngũ cốc như gạo, ngô, đỗ, lạc hay các loại hạt… khi bị mốc sẽ chứa độc tố aflatoxin. Đây là một loại độc tố vi nấm được sản sinh một cách tự nhiên do một số loài Aspergillus (một loại nấm mốc).
Khi tiêu thụ đồ nhiễm nấm mốc Aflatoxin, không chỉ gây tình trạng ngộ độc cấp tính, nó gây xơ gan và K gan.
Tài liệu nghiên cứu của Cục Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ cho biết, nấm mốc Aflatoxin hoạt động rất bền bỉ với nhiệt. Nó có dạng tinh thể trắng, không bị phân huỷ khi đun nấu thông thường nên rất khó xử lý.
Ngoài ra, việc ăn nhiều thịt, ăn đồ ăn ngọt, đồ ăn nhiều dầu mỡ, ăn quá mặn, ăn ít rau xanh hoa quả tươi… có thể gây lên tình trạng gan nhiễm mỡ, lâu dài nguy cơ K gan.
2. Uống nhiều rượu bia
Việc uống quá nhiều rượu, bia có thể khiến tế bào gan nhiễm độc tố, dẫn đến suy giảm chức năng gan. Uống rượu bia thường xuyên, nồng độ cao làm tổn thương các tế bào gan dẫn đến viêm gan, xơ gan và tăng khả năng bị K gan.
3. Ăn uống kém vệ sinh, hay ăn đồ sống
Những người có thói quen ăn uống kém vệ sinh, hay ăn đồ sống có nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng, ảnh hưởng tới hoạt động của chức năng gan, khiến gan bị tổn thương.
4. Viêm gan virus không xử lý kịp thời
Tỷ lệ người có mắc gan virus B và C ở Việt Nam hiện giờ khá cao. Tình trang bị viêm gan virus nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời, rất dễ tiến triển thành xơ gan và dẫn đến K gan.
5. Tự ý dùng kháng sinh
Việc tự ý dùng kháng sinh, không có sự tư vấn, kê đơn của bác sĩ; hoặc uống các loại thuốc lá không rõ nguồn gốc… có thể khiến bạn mắc bệnh về gan.
Thói quen ăn uống giúp gan khỏe mạnh
- Ăn đa dạng các nhóm thực phẩm (kết hợp nhiều loại thực phẩm).
- Nên ăn thực phẩm an toàn không nhiễm nấm mốc, không chất hóa học.
- Ăn thực phẩm có chất chống ô xy hóa nhiều, trẻ hóa bộ phân cơ thể như rau sậm màu, các loại rau quả có màu sắc sặc sỡ (đỏ, tím, vàng…) các rau gia vị, quả nho…
- Đặc biệt nên dùng nghệ trong chế biến các thực phẩm rất tốt để bảo vệ gan. Trong nghệ các chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp phục hồi tế bào gan bị tổn thương.
Phòng tránh bệnh gan
- Phải ăn uống có tiết chế, cân bằng các nhóm dinh dưỡng;
- Hạn chế, ăn quá nhiều dầu mỡ, thực phẩm chiên đi chiên lại nhiều, đồ nướng…
- Không ăn thực phẩm khi nghi ngờ có nấm mốc.
- Loại bỏ các thói quen xấu như uống rượu bia, nước ngọt có ga…
- Bên cạnh đó, cần tăng cường luyệt tập thể dục thể thao để nâng cao đề kháng cho cơ thể.
- Đối với người mắc viêm gan virus cần phải uống thuốc và đi khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Đối với người bình thường, 6 tháng nên đi khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện những vấn đề bất thường của gan.
PN (Nguoiduatin.vn)