BS. Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ trên Pháp luật & Bạn đọc, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, chúng ta nên giữ nguyên tắc ''Điều trị hạ sốt là chính!''. Khi người bệnh sốt trên 38,5 độ C thì dùng thuốc hạ sốt Paracetamol, uống cách nhau 4-6 tiếng, người lớn không uống quá 650mg mỗi lần.
''Trẻ em chưa tiêm vaccine thường sốt cao và có thể rét run li bì trong 24 giờ đầu, cùng lắm là 36 giờ đã giảm căn bản, sau 48 giờ là thân nhiệt trở lại bình thường, ít trẻ quá 72 giờ. Người lớn cũng hay sốt cao trong 24 giờ đầu. Thông thường chỉ số trong 3 ngày, trường hợp nếu sốt cao trên 3 ngày cần hỏi bác sĩ, hoặc đến bệnh viện'', BS. Phúc cho biết.
Tuy nhiên, ngoài thuốc hạ sốt, người bệnh cần hạn chế dùng các thuốc khác, cụ thể là 5 loại thuốc dưới đây:
1. Thuốc kháng sinh
Bệnh nhân Covid-19 do virus gây nên, vì thế mà 3 ngày đầu những bệnh nhân theo dõi ở nhà chưa thấy trường hợp nào bị bội nhiễm, nên chưa ca bệnh nào cần dùng kháng sinh. Bệnh do virus sẽ tự khỏi.
''Ngược lại, tôi thấy các bệnh nhân xui nhau uống thuốc kháng sinh ngay từ ngày đầu tiên, thậm chí uống 2 - 3 loại kháng sinh. Dùng thuốc như vậy sẽ gây tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Đồng thời, thuốc cũng gây gánh nặng cho lục phủ ngũ tạng của cơ thể, sức đề kháng suy yếu vì lạm dụng thuốc, tạo điều kiện cho virus càng phát triển''.
2. Thuốc ho
Với bệnh nhân ho ít, có thể hết sau vài ngày, không cần dùng thuốc. Trường hợp ho nhiều, gây phù nề đường hô hấp trên, mệt và mất ngủ, thì 3 ngày đầu có thể dùng Terpin Codein. Có ý kiến cho rằng thuốc ho có thành phần Codein sẽ ức chế hô hấp, nên chống chỉ định với bệnh nhân Covid. Thực tế, trong 3 ngày đầu bệnh nhân không bị suy hô hấp, vì thế mà dùng Terpin Codein rất có hiệu quả, giảm ho rõ rệt và bệnh nhân nhanh khỏi. Thuốc ho thông thường cũng hiệu quả.
Trên thị trường có một số sản phẩm đông dược trị ho, cả thực phẩm chức năng trị ho khá đắt tiền, người bệnh cần phải thận trọng, bởi khi các vị thuốc có sự bế tà, nếu uống ở thời kì tà khí đang vượng như bệnh nhân sốt chẳng hạn, thì tà khí sẽ bị giữ lại, người bệnh đỡ ho nhưng tình trạng bệnh có thể nặng hơn hoặc kéo dài.
''Đừng nghĩ cứ đông dược là an toàn, vì câu nói ‘Thị dược tam phân độc’, thuốc ho đông dược cũng vậy''.
3. Thuốc ức chế virus
Hiện nay có thuốc ức chế virus được cấp phép, có thuốc chưa được cấp phép nhưng bán chui bán dạo rất nhiều, giá cực kì đắt đỏ.
4. Corticoid và chống đông
Thời kì đầu của đại dịch, do chưa hiểu hết về bệnh Covid, nên có giả thuyết cho rằng tình trạng viêm phổi nặng do bão Cytokine, vì thế mà dùng Corticoid sớm. Nhưng đến nay, Corticoid chỉ được dùng ở giai đoạn bệnh nặng có đông đặc nhu mô phổi, hiệu quả cũng chưa rõ ràng.
5. Thực phẩm chức năng
Hiện nay có một số thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị Covid-19, được nhiều người ca ngợi, nhưng không nên dùng khi bệnh đang còn. Hãy nhớ bệnh do virus theo đông y là ôn bệnh, nhưng nhiễm khí phong hàn nên Covid-19 có bản chất là cảm phong hàn.
Có loại thực phẩm chức năng thành phần có vị hàn, mà hàn trị hàn là không ổn. Chỉ ở giai đoạn nhu mô phổi đông đặc, đông y gọi là ngoại hàn sinh nội nhiệt, thì các sản phẩm này sử dụng mới có tác dụng.
Cũng như vậy, có loại thực phẩm chức năng bế tà, mà virus là độc bệnh gây tà khí, nếu giữ tà khí trong cơ thể thì bao giờ mới khỏi được. Nếu người bệnh muốn dùng, thì hãy đợi khi Covid-19 đã khỏi, chỉ còn những triệu chứng như húng hắng ho, thì uống để hỗ trợ thì được.
F0 điều trị tại nhà cần làm gì?
- Giữ ấm cơ thể, nhất là đường hô hấp.
- Vệ sinh mũi, miệng, súc họng thường xuyên.
- Tập thể dục, vận động nhẹ nhàng, tập hít thở 15 phút mỗi ngày.
- Giữ không gian nhà ở, phòng ở sạch sẽ, thông thoáng.
- Bổ sung các loại thực phẩm (đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch).
- Tuân thủ nghiêm ngặt 5K để đảm bảo an toàn, chống lây nhiễm cho những người xung quanh.
PN (Nguoiduatin.vn)