Bệnh dạ dày là căn bệnh phổ biến ở người trẻ hiện nay, nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ việc ăn uống sai cách. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng, bởi căn bệnh này hoàn toàn có thể được kiểm soát và thuyên giảm nhanh nếu biết cách phòng tránh. Bên cạnh những loại thực phẩm tốt cho dạ dày, bạn cũng cần tránh một số loại rau củ có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
1. Rau có vị đắng
Các loại rau có vị đắng đặc trưng như khổ qua, tần ô, rau đắng… có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, giải độc, giảm béo. Nếu người khỏe mạnh tiêu thụ sẽ không sao nhưng người có bệnh dạ dày nhất định cần tránh. Những loại rau này có tính lạnh, dễ làm tổn thương dạ dày, trường hợp ăn nhiều dễ khiến dạ dày bị viêm, sưng đau.
Đặc biệt, những loại rau này chứa nhiều chất xơ không hòa tan, nếu ăn sống sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây khó chịu đường tiêu hóa.
2. Rau khó tiêu hóa
Những loại rau như cần tây, tỏi tây có hàm lượng xenluloza cao, nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể nhưng khó tiêu hóa, dễ làm tăng gánh nặng cho dạ dày và gây khó tiêu.
Bông cải xanh, bắp cải rất giàu chất xơ và vitamin, có tác dụng chống ung thư và lão hóa rất tốt. Tuy nhiên, vì hàm lượng chất xơ cao nên cần thời gian tiêu hóa, làm tăng sức chứa của dạ dày, dễ gây tích tụ khí thừa trong ruột và dạ dày, dẫn tới đầy hơi, khó chịu.
3. Rau củ có vị cay nồng
Hành, ớt, tỏi, rau thơm… có vị cay nồng, mùi hăng đặc trưng, nếu ăn quá nhiều sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, làm nặng thêm tình trạng bệnh, gây ra một số triệu chứng như đầy hơi, khó chịu.
Để tăng thêm hương vị của món ăn, những loại rau củ có vị cay nồng như hành ớt là không thể thiếu. Nhưng đối với người bị bệnh dạ dày, nếu ăn nhiều ớt, chất capsaicin trong ớt sẽ kích thích niêm mạc dạ dày, khiến não bộ lầm tưởng cơ thể đang bị thương nên sẽ tiết ra nhiều hormone endorphin, không tốt cho dạ dày và ruột.
4. Rau củ muối chua
Dưa chuột, củ cải, bắp cải… muối chua là những món ăn quen thuộc với bữa ăn của nhiều gia đình. Mùi vị của những món này rất kích thích vị giác, làm tăng cảm giác ngon miệng. Thế nhưng, trong quá trình bảo quản người ta sử dụng nhiều muối để lên men rau củ. Khi tiêu thụ quá nhiều natri có trong muối, nó sẽ làm tăng huyết áp, kích ứng niêm mạc dạ dày, gây hại cho đường tiêu hóa của những người đang bị bệnh dạ dày.
Đặc biệt, rau củ muối chua cũng chứa nitrit, khi vào cơ thể sẽ phản ứng với hemoglobin tạo ra nitrosamine, có thể gây ung thư.
Để rau củ muối chua không gây hại cho cơ thể, nó cần được tẩm ướp, bảo quản an toàn để hàm lượng nitrit giảm xuống, thời gian muối chua cần trên 20 ngày. Đối với người bị bệnh dạ dày, cần tránh ăn loại thực phẩm này.
5. Rau củ chiên xào ở nhiệt độ cao
Hầu hết các loại rau củ đều tốt cho sức khỏe nhưng khi chiên xào ở nhiệt độ quá cao sẽ làm mất đi chất dinh dưỡng và sản sinh ra chất gây ung thư. Khi thường xuyên ăn những loại rau chế biến theo cách này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Đặc biệt, rau xào nhiều dầu mỡ chứa nhiều axit béo no, dễ làm tổn thương niêm mạc dạ dày và gây ra các bệnh về đường tiêu hóa.
Người có dạ dày không tốt nên ăn uống như thế nào?
Một lời khuyên chung dành cho những người đang có bệnh về dạ dày chính là nên ăn nhạt và tích cực tiêu thụ những thực phẩm lành mạnh. Chẳng hạn như chất xơ trong cà rốt có khả năng hấp thụ nước, giúp giảm nhu động đường tiêu hóa, trong khi chất pectin trong bí đỏ giúp niêm mạc dạ dày không bị kích ứng. Các loại củ như khoai mỡ, khoai lang cũng rất tốt trong việc nuôi dưỡng dạ dày.
Ngoài việc lựa chọn thực phẩm thích hợp, bạn cũng cần phải tuân thủ ăn uống đúng giờ và đủ bữa. Nếu đến giờ ăn mà không có thực phẩm trong dạ dày, axit dịch vị vẫn tiết ra, nó sẽ bào mòn niêm mạc, gây hại cho dạ dày.
Để cải thiện sức khỏe dạ dày và phòng tránh bệnh là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn cao. Bạn cần quan tâm tới chế độ ăn uống và nghỉ ngơi phù hợp để bảo vệ dạ dày của mình.
Theo Phan Hằng (Trí Thức Trẻ)