Vào ngày "đèn đỏ", nhiều chị em sợ thiếu máu nên thường tìm đến các món ăn bổ huyết. Tuy nhiên, việc sử dụng thực phẩm không đúng cách thậm chí còn gây ra nhiều khó chịu, khiến cơ thể mệt mỏi hơn.
Gou Anni - bác sĩ sản phụ khoa ở Đài Loan cho biết mình từng thăm khám cho một bệnh nhân nữ 23 tuổi đến bệnh viện với tình trạng kinh nguyệt ra nhiều kèm theo chóng mặt. Khi kiểm tra, bác sĩ không phát hiện ra điều gì bất thường.
Sau đó, bác sĩ Gou hỏi kỹ hơn thì được biết các kỳ kinh nguyệt trước đây của bệnh nhân đều diễn ra bình thường. Đây là lần đầu tiên cô gái trẻ thấy tình trạng này.
Bác sĩ tiếp tục hỏi đến chế độ ăn uống của bệnh nhân trong thời gian gần đây thì tìm ra nguyên nhân. Do thời tiết trở lạnh nên bạn trai đưa cô gái trẻ đi ăn gà ngâm rượu với hy vọng bổ sung năng lượng, làm ấm cơ thể.
Bác sĩ giải thích rằng gà ngâm rượu là dược liệu bổ khí huyết và có thể làm lượng kinh nguyệt tăng lên. Bác sĩ Gou căn dặn bệnh nhân nếu sợ thiếu máu trong những ngày "đèn đỏ" thì có thể bổ sung những thực phẩm giàu sắt như thịt bò, gan lợn, các loại rau củ tươi... tránh các loại thực phẩm thúc đẩy tuần hoàn máu.
4 thực phẩm nên tránh trong kỳ kinh nguyệt
Bác sĩ Gou Anni cho rằng việc bồi bổ cơ thể bằng thực phẩm hay thuốc bổ đều phải phù hợp với tình trạng kinh nguyệt. Bác sĩ chia sẻ 4 loại thực phẩm mà chị em không nên ăn trong kỳ "đèn đỏ" để tránh khó chịu hay gây tăng cân.
Đồ ăn sống, đồ lạnh
Trong những ngày "đèn đỏ", hệ miễn dịch sẽ yếu hơn. Khi này, nếu ăn đồ sống thì rất dễ bị nhiễm trùng.
Trong khi đó, nếu ăn đồ lạnh thì dễ gây đau bụng kinh, khiến cơn co tử cung nặng hơn. Ngoài ra, ăn đồ lạnh vào thời điểm này cũng cản trở quá trình tiêu hóa, làm tổn thương dương khí, dẫn đến khí huyết ứ trệ, kinh nguyệt ra ít hơn. Ngay cả những thực phẩm có tính mát như cua, dưa chuột, lê... cũng có thể gây ra tác động tương tự.
Đồ cay nóng
Đồ cay nóng có thể kích thích vị giác nhưng lại khiến cơn đau bụng kinh trở nên nghiêm trọng hơn, kể cả các loại gia vị như quế, tiêu, đinh hương... Tuy chỉ là gia vị thêm vào các món ăn nhưng đặc tính cay nóng của chúng cũng có ảnh hưởng đến cơ thể. Phụ nữ trong thời kỳ "đèn đỏ" tốt nhất nên tránh ăn những món cay nóng để giảm khó chịu.
Các loại thuốc bổ khí hoạt huyết
Trong ngày "đèn đỏ", chị em nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm bổ khí, hoạt huyết như nhân sâm, rượu, dầu vừng... Dùng những món có tác dụng hoạt huyết sẽ làm tăng lượng kinh nguyệt.
Không ăn quá nhiều chocolate
Một lượng nhỏ chocolate có thể giúp giải phóng endorphin khiến con người cảm thấy vui vẻ. Tuy nhiên, phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt ăn nhiều chocolate lại dễ bị đau bụng kinh. Nếu ăn loại chocolate nhiều đường, sữa thì càng dễ tăng cân.
Đường trong các sản phẩm bánh kẹo có thể làm tiêu hao vitamin B, khoáng chất của cơ thể. Điều đó khiến bạn càng thèm ăn đồ ngọt hơn. Ăn nhiều đồ ngọt không giúp cải thiện triệu chứng khó chịu trong kỳ kinh nguyệt mà còn có thể làm mất cân bằng hormone trong cơ thể do đường huyết không ổn định. Ngoài ra, nó còn làm cảm giác khó chịu tăng lên.
Có kinh nguyệt nên ăn gì?
Nước: Uống nhiều nước luôn quan trọng và điều này đặc biệt đúng trong kỳ kinh nguyệt. Uống đủ nước có thể làm giảm nguy cơ bị đau đầu do mất nước, một triệu chứng phổ biến của kỳ kinh nguyệt. Uống nhiều nước cũng có thể ngăn triệu chứng đầy hơi và tích nước của cơ thể.
Trái cây: Các loại trái cây mọng nước, chẳng hạn dưa hấu và dưa chuột, rất tốt để giữ nước cho cơ thể. Trái cây ngọt có thể giúp bạn hạn chế cảm giác thèm ăn đường mà không cần ăn nhiều đường tinh luyện.
Rau lá xanh: Trong kỳ kinh nguyệt, nồng độ sắt trong máu sẽ giảm, đặc biệt là khi kinh nguyệt ra nhiều. Điều này có thể dẫn tới sự mệt mỏi, đau nhức cơ thể và gây chóng mặt. Các loại rau lá xanh như cải xoăn và rau bina có thể tăng cường lượng sắt trong cơ thể. Rau bina cũng rất giàu magiê.
Gừng: Một cốc trà gừng ấm có thể cải thiện một số triệu chứng của kinh nguyệt. Gừng có tác dụng chống viêm, có thể làm dịu các cơ bị đau nhức. Gừng cũng có thể làm giảm cảm giác buồn nôn. Vì nó an toàn và tương đối rẻ nên rất đáng để thử. Tuy nhiên, không nên tiêu thụ quá nhiều gừng bởi vì tiêu thụ hơn 4 gram trong một ngày có thể gây ra chứng ợ nóng và đau bụng.
Gà: Thịt gà là một loại thực phẩm giàu chất sắt và protein khác mà bạn có thể thêm vào chế độ ăn uống của mình. Ăn protein là điều cần thiết cho sức khỏe tổng thể của bạn và nó có thể giúp bạn no lâu trong kỳ kinh nguyệt, hạn chế cảm giác thèm ăn.
Cá: Giàu sắt, protein và axit béo omega-3, cá là một nguyên liệu bổ sung dinh dưỡng cho chế độ ăn uống của bạn. Tiêu thụ sắt sẽ chống lại sự sụt giảm nồng độ sắt mà bạn có thể gặp phải khi hành kinh. Theo một nghiên cứu năm 2012, Omega-3 có thể làm giảm cường độ của cơn đau kinh nguyệt. Những người uống bổ sung omega-3 thấy cơn đau bụng kinh giảm nhiều nên có thể giảm uống ibuprofen (một chất giảm đau).
Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy omega-3 cũng có thể làm giảm chứng trầm cảm. Đối với những người có tâm trạng thất thường và trầm cảm khi có kinh nguyệt, omega-3 có thể hữu ích.
Nghệ: Nghệ được biết đến như một loại gia vị chống viêm, và curcumin là thành phần hoạt chất chính của nó. Một nghiên cứu năm 2015 đã xem xét tác động của curcumin đối với các triệu chứng PMS (hội chứng tiền kinh nguyệt) và phát hiện ra những người dùng curcumin có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn.
Sữa chua: Nhiều người bị nhiễm trùng nấm men trong hoặc sau kỳ kinh nguyệt. Nếu bạn có xu hướng bị nhiễm trùng nấm men, thực phẩm giàu probiotic như sữa chua có thể nuôi dưỡng vi khuẩn "tốt" trong âm đạo và có thể giúp bạn chống lại nhiễm trùng. Sữa chua cũng rất giàu magiê và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác, như canxi.
Đậu phụ: Đây là một nguồn protein phổ biến cho người ăn chay và thuần chay, làm từ đậu nành. Nó giàu sắt, magiê và canxi.
Trà bạc hà: Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy trà bạc hà có thể làm dịu các triệu chứng của PMS. Cụ thể, nó có thể làm giảm đau bụng kinh, buồn nôn và tiêu chảy.
PN (Nguoiduatin.vn)