Tuy nhiên, các triệu chứng cảnh báo ung thư sớm thường bị bỏ qua, nhất là các triệu chứng tại vùng bụng, trong khi ổ bụng là nơi chứa rất nhiều cơ quan nội tạng quan trọng. Bởi vì nó dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác về dạ dày, đường tiêu hóa hoặc rối loạn kinh nguyệt.
Nếu không muốn sớm nhập viện bởi các bệnh nguy hiểm như: ung thư dạ dày, ung thư ruột, ung thư tuyến tụy, ung thư gan, ung thư thận, ung thư buồng trứng… thì đừng xem nhẹ 4 dấu hiệu cảnh báo ở vùng bụng sau đây:
1. Các cơn đau bụng bất thường
Hãy cẩn trọng khi đánh giá các cơn đau bụng của bạn, để đảm bảo không nhầm lẫn triệu chứng ung thư với khó chịu đường tiêu hóa hay cơn đau kinh nguyệt thông thường.
Nếu bạn thường xuyên bị đau bụng dù luôn ăn chín uống sôi, hoặc đã dùng thuốc tiêu hóa mà chưa hết thì tốt nhất nên đến gặp bác sĩ. Bởi vì cảm giác đau ở vùng bụng là 1 trong những triệu chứng phổ biến nhất và cũng thường xuyên bị bỏ qua nhất của các bệnh ung thư.
Tuy nhiên, mỗi loại bệnh ung thư khác nhau lại có thể gây ra các cơn đau vùng bụng khác nhau. Ví dụ như khi bị ung thư dạ dày hoặc ung thư tuyến tụy, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy đau ở vùng bụng giữa, phía trên rốn. Cơn đau này không quặn thắt mà thường đau âm ỉ liên tục nhiều ngày, đi kèm là triệu chứng đầy hơi hoặc khó tiêu, 1 vài bệnh nhân còn buồn nôn, mệt mỏi.
Nếu vùng bụng trên, bên phải bị đau co thắt từng cơn hoặc đau tại 1 điểm sau đó lan tỏa ra xung quanh thì có thể là triệu chứng của ung thư gan. Cơn đau sẽ đi kèm với sốt, chán ăn, đầy hơi, buồn nôn, da mặt sạm đen và ra nhiều mồ hôi. Đặc biệt, 1 số bệnh nhân ung thư gan đôi khi còn có thể bị tê ở lưng giống như bị điện giật.
Còn nếu thường đau vùng bụng giữa và bụng dưới, có cảm giác sưng tấy và cơn đau âm ỉ thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư ruột. Thường đi kèm với những bất thường khi đi vệ sinh như tiêu chảy, đi ngoài ra máu.
Vì vậy, nếu thường xuyên đau bụng mà không rõ lý do, hoặc đau lâu ngày không khỏi, tốt nhất là bạn nên tới gặp bác sĩ và nên làm tầm soát ung thư theo chỉ dẫn.
2. Xuất hiện các cục rắn, khối u
Thông thường, ung thư ở giai đoạn đầu rất ít có dấu hiệu bên ngoài bụng, nếu bạn sờ thấy 1 vùng hoặc khối cứng ở khu vực này, nghĩa là khối u đã phát triển ở giai đoạn nặng.
Các khối này sẽ tạo ra cảm giác đau âm ỉ vùng bụng, hoặc đau khi dùng tay nhấn vào. Còn nếu nhấn vào mà hoàn toàn không thấy đau, khả năng cao liên quan đến ung thư giai đoạn muộn, giai đoạn cuối.
Ví dụ như khi ung thư gan phát triển đến 1 giai đoạn nhất định, vị trí bụng trên bên phải sẽ có thể sờ thấy khối u. Hay khi phát hiện cục rắn, khối u ở phần bụng dưới, có nghĩa là bạn đang phải chống chọi với bệnh ung thư ruột hoặc ung thư buồng trứng.
Vì vậy, ngay khi cảm thấy vùng bụng xuất hiện các vùng rắn, cục rắn bất thường, hãy đến cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân và chữa trị kịp thời.
3. Tăng kích thước vùng bụng
Có 2 lý do dẫn tới tình trạng bụng to nhanh chóng: 1 là béo bụng do dư thừa lượng mỡ nội tạng quá nhiều, 2 là bị cổ trướng do ung thư cơ quan nội tạng xâm lấn ổ phúc mạc. Phổ biến nhất là ung thư các cơ quan như: gan, tụy, dạ dày, ruột kết và buồng trứng.
Lý do là vì thể tích khối u phát triển tạo ra hiện tượng phình to bất thường và kết dính các cơ quan dẫn đến tăng kích thước vùng bụng. Thường sẽ đi kèm với các cơn đau và nhiều triệu chứng đặc hiệu khác.
Tuy nhiên, không phải lúc nào sưng hoặc phình bụng cũng là dấu hiệu ung thư, có thể đó là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng khác như suy thận, viêm gan, nên tốt nhất hãy đến bệnh viện khám chữa kịp thời.
4. Thường xuyên khó chịu đường tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy
Ngoài 3 triệu chứng kể trên, việc thường xuyên mắc các bệnh đường tiêu hóa hay bị buồn nôn đi kèm mệt mỏi hay toát mồ hôi mà không rõ lý do cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư. Phổ biến nhất là: ung thư dạ dày, ung thư ruột, ung thư tuyến tụy…
Điểm khác biệt là chúng tồn tại trong thời gian dài, không thể thuyên giảm bằng các phương pháp điều trị bệnh đường tiêu hóa thông thường và hay tái phát lại. Vì vậy, tốt nhất là hãy rèn luyện lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, khám sức khỏe thường xuyên và nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia y tế ngay khi cảm thấy bất thường.
Theo Khuê Lăng (Pháp Luật & Bạn Đọc)