Gân xanh là những tĩnh mạch dưới da, chúng đóng vai trò trong việc dẫn máu từ các bộ phận của cơ thể trở về tim. Thông thường sẽ tùy theo cơ địa và sắc tố da của mỗi người mà nổi gân xanh sẽ có các màu không giống nhau như xanh lá, xanh biển hoặc tím.
Thông thường, chúng ta sẽ có thể thấy trên mu bàn tay của mỗi người sẽ nổi lên một vài đường gân xanh là điều vô cùng bình thường. Nhưng nếu gân xanh nổi ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể thì tuyệt đối không nên bỏ qua vì đó có thể là cảnh báo cho sức khỏe của bạn.
Khi nào nổi gân xanh là dấu hiệu bình thường?
Nổi gân xanh là dấu hiệu bình thường trong các trường hợp sau:
Người già: Khi cơ thể con người già đi, lớp mỡ dưới da giảm và các mô xung quanh mạch máu bị co lại, do đó ngày càng xuất hiện nhiều gân xanh hơn.
Nổi gân xanh do màu da nhạt: Những người có làn da trắng sẽ dễ nhìn thấy gân xanh hơn so với những người da đen. Bên cạnh đó, da dày hay mỏng cũng là một yếu tố tạo nên sự khác biệt.
Nổi gân xanh do quá gầy: Những người quá gầy có lớp mỡ dưới da mỏng nên không thể che phủ hết các tĩnh mạch nông khiến chúng hiện rõ.
Nổi gân xanh khi vận động mạnh: Những người lao động nặng, các vận động viên trong quá trình làm việc, luyện tập có thể thấy rõ các đường tĩnh mạch do cơ căng phồng đẩy lên. Các tĩnh mạch sẽ dần bình thường khi nghỉ ngơi.
Nổi gân xanh ở phụ nữ mang thai: Để nuôi dưỡng thai nhi, thể tích máu của người mẹ thường cao hơn so với phụ nữ bình thường nên hệ thống mạch máu phải hoạt động nhiều hơn. Trong khi mang thai, bạn đột nhiên nhìn thấy những gân xanh nổi lên cũng đừng quá lo lắng, chúng thường sẽ biến mất sau khi sinh.
3 vị trí nổi gân xanh cảnh báo cơ thể bị bệnh
1. Bàn chân nổi gân xanh
Trong trường hợp, tự nhiên bàn chân bị nổi gân xanh thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể chúng ta đang gặp các bấn đề về sự trao đổi chất. Nguyên nhân là vì, chức năng tiêu hóa của cơ thể kém, dẫn đến thức ăn không được chuyển hóa một cách kịp thời, điều này dẫn đến tình trạng thức ăn bị tích tụ trong đường tiêu hóa. Lúc này, đường tiêu hóa sẽ xuất hiện các chất độc gây ảnh hưởng đến việc lưu thông máu ở tĩnh mạch chi dưới và làm nổi rõ gân xanh ở bàn chân.
Ngoài ra, đối với những người có hàm lượng Cholesterol trong máu cao, sẽ làm tăng độ nhớt của máu. Từ đó mà tốc độ lưu thông máu trong cơ thể cũng trở nên chậm hơn và dẫn đến một lượng lớn các chất sau chuyển hóa không được thải ra ngoài. Điều này sẽ khiến mạch máu phải chịu áp lực quá lớn, từ đó cũng gây ra hiện tượng nổi rõ gân xanh trên bàn chân. Ngoài ra, còn có thể kèm theo các biểu hiện như chóng mặt thường xuyên, tim đập nhanh và cơ thể hay mệt mỏi.
2. Bắp chân nổi gân xanh
Trong trường hợp, nếu bạn phát hiện thấy phần trước và trong của bắp chân xuất hiện những đường gân xanh rất rõ ràng kèm theo cảm giác khó chịu thì cần phải hết sức lưu tâm theo dõi để đến bác sỹ kịp thời bởi đây có thể là một triệu chứng liên quan đến bệnh suy giãn tĩnh mạch ở chi dưới. Nhất là những người có thói quen ít vận động, hay đứng lâu một chỗ, người bị táo bón, ho mãn tính thì khả năng mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi trên và chi dưới cao hơn những người khác.
Nguyên nhân dẫn đến bị mắc chứng suy giãn tĩnh mạch chi dưới là do máu lưu thông trong tĩnh mạch chi dưới không được thông suốt, từ đó gây nên áp lực trong tĩnh mạch quá cao và dẫn đến thành tĩnh mạch bị giãn ra và phồng lên. Nếu như bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới với biểu hiện nổi gân xanh ở chân, bạn sẽ còn có thể cảm nhận cảm giác nặng nề, đau nhức và khó chịu ở bắp chân, đồng thời nó còn kèm theo hiện tượng phù nề ở nhiều mức độ khác nhau.
Thậm chí, trong nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn còn có thể khiến da của chi dưới bị co lại, xuất hiện vảy trên da và tăng sắc tố da. Nếu không phát hiện và có biện pháp điều trị sớm sẽ rất dễ dẫn đến viêm tĩnh mạch nông huyết khối ở giai đoạn sau, gây nguy hại nhiều hơn đến sức khỏe.
3. Mặt nổi gân xanh
Khi các tĩnh mạch trên đầu có dấu hiệu sưng lên rõ nét (còn hiểu là nổi gân xanh ở mặt), cần chú ý đến chứng hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu hoặc xơ cứng động mạch não và dễ dẫn đến đột quỵ. Khi tĩnh mạch ở vùng thái dương phình ra, đa phần là do tăng huyết áp. Nếu tĩnh mạch chuyển sang màu tím đen thì rất dễ có nguy cơ bị đột quỵ. Tĩnh mạch xuất hiện ở trán là do căng thẳng và áp lực từ công việc suốt một thời gian dài.
Trên sống mũi có gân xanh biểu hiện đường tiêu hóa bị đình trệ, dễ đau bụng, đầy bụng, khó tiêu, đi tiêu kém, tình hình càng nghiêm trọng hơn khi có màu tím tái. Có những đường gân xanh ở khóe miệng và dưới má, thường là dấu hiệu của bệnh phụ khoa, mệt mỏi, đau thắt lưng và đầu gối, thấp khớp ở chi dưới.
PN (SHTT)