Nhiều người thích ăn đồ ngọt để xoa dịu tâm hồn khi tâm trạng không vui. Tuy nhiên, Li Sixian, một bác sĩ y học gia đình người Trung Quốc, tiết lộ rằng đường thực sự là một loại "ma túy hợp pháp", và tỷ lệ nghiện của nó cao gấp 7 lần so với cocaine.
Sau khi ăn đường vào cơ thể, nó rất giống với ma túy và rượu, sẽ cung cấp cho não bộ lượng lớn hóa chất tạo cảm giác dễ chịu gọi là dopamine. Khi nồng độ dopamine bắt đầu giảm xuống sẽ gây ra các triệu chứng như nghiện nhẹ, kích thích não thèm đường và gây khó khăn cho việc cơ thể chống lại sự cám dỗ của đồ ngọt, dẫn đến béo phì.
Tiêu thụ đường quá mức có thể dẫn tới huyết áp cao hơn, viêm nhiễm, tăng cân, tiểu đường và bệnh gan nhiễm mỡ - đều có liên quan đến việc tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo chỉ cần bổ sung thêm lượng đường cho cơ thể bằng 5% tổng lượng calo hay khoảng 25 gam mỗi ngày là đủ. Tuy nhiên, ngoài đường chúng ta nêm nếm vào thức ăn khi nấu, còn có rất nhiều các loại thực phẩm ẩn chứa hàm lượng đường cực cao mà nhiều người không hề nhận ra.
Chẳng hạn như một lon nước ngọt có thể chứa tới 9 viên đường, tương đương 36g đường - nhiều hơn mức giới hạn hàng ngày được khuyến nghị cho người lớn.
Những thực phẩm ẩn giấu nhiều đường mà mọi người ít ngờ tới
Ngoài những thứ như kẹo, bánh ngọt, nước ngọt có gas là những thứ mà chúng ta đều biết rằng có sẵn rất nhiều đường thì vẫn còn có rất nhiều các loại thực phẩm dù có vị không ngọt hoặc ít ngọt nhưng hóa ra hàm lượng đường trong nó cực cao.
1. Sữa chua ít béo
Sữa chua có thể rất bổ dưỡng. Tuy nhiên, không phải tất cả sữa chua đều được tạo ra như nhau. Giống như nhiều sản phẩm ít béo khác, sữa chua ít béo thường có thêm đường để tăng hương vị.
Ví dụ, một cốc (245 gam) sữa chua ít béo có thể chứa hơn 45 gam đường, tức là khoảng 11 thìa cà phê đường. Con số này nhiều hơn giới hạn hàng ngày đối với nam và nữ.
Hơn nữa, sữa chua ít béo dường như không mang lại lợi ích sức khỏe như sữa chua nguyên kem. Khi bạn chọn sữa chua, hãy tìm những loại có chứa ít đường nhất. Ngoài ra, nên chọn loại không bổ sung thêm trái cây hay hương vị trái cây. Nếu bạn muốn có thêm hoa quả, hãy tự bổ sung tại nhà để giúp kiểm soát lượng đường.
2. Xốt thịt nướng
Nước xốt thịt nướng (BBQ) có thể làm nước xốt hoặc nước chấm ngon.
Tuy nhiên, 2 muỗng canh (khoảng 28 gam) nước xốt có thể chứa khoảng 9 gam đường, tương đương hơn 2 thìa cà phê đường.
Trên thực tế, khoảng 33% trọng lượng của sốt BBQ có thể là đường nguyên chất. Để đảm bảo bạn không tiêu thụ quá nhiều đường, hãy kiểm tra nhãn và chọn loại nước sốt có ít đường bổ sung nhất.
3. Tương cà
Tương cà là một trong những loại gia vị phổ biến nhất trên toàn thế giới, nhưng giống như sốt BBQ, nó thường chứa nhiều đường.
Cố gắng chú ý đến khẩu phần ăn của bạn khi sử dụng sốt cà chua và nhớ rằng một muỗng canh sốt cà chua chứa gần 1 thìa cà phê đường
4. Nước ép trái cây
Nước ép trái cây có chứa một số vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, khi chọn nước trái cây, hãy chọn loại được dán nhãn 100% nước trái cây, vì một số loại nước ép có thể bổ sung thêm một lượng lớn đường và rất ít chất xơ.
Và thực tế, ngay cả nước ép trái cây nguyên chất 100% cũng có lượng đường khá cao, ngang với nước ngọt có gas.
Chọn trái cây nguyên quả hoặc nước ép trái cây 100%, và hạn chế tối đa việc uống nước ép trái cây có đường.
5. Sữa sô cô la
Sữa sô cô la là sữa đã được thêm hương vị ca cao và làm ngọt bằng đường. Bản thân sữa là thức uống rất bổ dưỡng. Nó bao gồm canxi và protein, rất tốt cho xương khớp.
Mặc dù một cốc sữa sô cô la (250g) có tất cả các chất dinh dưỡng của sữa nhưng có thêm gần 12g (2,9 thìa cà phê đường bổ sung).
6. Cà phê có hương vị
Cà phê có hương vị là một xu hướng phổ biến, nhưng lượng đường ẩn trong những đồ uống này có thể khiến bạn phải kinh ngạc.
Ở một số chuỗi quán cà phê, một cốc cà phê có hương vị cỡ lớn có thể chứa 45 gam đường, đôi khí có thể còn nhiều hơn. Điều đó tương đương với khoảng 11 thìa cà phê đường bổ sung.
7. Trà đá
Trà đá thường được làm ngọt bằng đường hoặc xi-rô.Hầu hết các loại trà đá được pha chế thương mại sẽ chứa khoảng 35 gam đường trong mỗi khẩu phần 12 ounce (340 ml). Con số này tương đương với một chai nước ngọt có gas.
Nếu bạn thích uống trà, hãy chọn trà thường hoặc trà đá không thêm đường.
8. Ngũ cốc ăn liền
Ngũ cốc là món ăn sáng phổ biến, nhanh gọn và dễ làm. Tuy nhiên, loại ngũ cốc bạn chọn có thể ảnh hưởng lớn đến lượng đường bạn tiêu thụ hàng ngày.
Một số loại ngũ cốc ăn sáng, ngay cả những loại được bán cho trẻ em, thường có thêm nhiều đường. Một số loại chứa 12 gam hoặc 3 thìa cà phê đường trong một khẩu phần nhỏ 34 gam.
Vì vậy khi mua ngũ cốc ăn liền, hãy chọn loại có nhiều chất xơ và ít đường bổ sung.
9. Hoa quả sấy khô
Trái cây sấy khô có lượng đường cao hơn trái cây tươi do tất cả lượng nước đã được rút hết khỏi trái cây. Theo báo cáo của WebMD, một hộp nho khô nhỏ (khoảng 28,3 gam) có hơn 25 gam đường, trong khi nửa cốc nho chứa khoảng 12 gam đường.
10. Bánh mì chế biến
Mặc dù bánh mì thường có vẻ không phải là nguồn cung cấp đường rõ ràng nhất, nhưng nhiều loại bánh mì đã qua chế biến có thể có lượng đường cao, ngoài đường hình thành tự nhiên trong quá trình nướng.
Theo Minh Minh (Nguoiduatin.vn)