Chiều 22/11, kết luận trên được Viện Pasteur Nha Trang đưa ra sau quá trình xét nghiệm kéo dài nhiều ngày, đối với 8 mẫu thực phẩm liên quan đến vụ ngộ độc.
Kết quả cho thấy vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và E. Coli có trong mẫu cánh gà chiên. Ngoài ra, vi khuẩn Bacillus cereus còn có trong mẫu nước mắm.
1. Khuẩn Salmonella - Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm
Ở Việt Nam, hội chứng ngộ độc thực phẩm do Salmonella được xếp vào nhóm các bệnh tiêu chảy cấp tính và được giám sát, ghi nhận từ cơ sở y tế. Số liệu giám sát trong nhiều năm qua cho thấy, hội chứng tiêu chảy cấp (trong đó có căn nguyên Salmonella) thường đứng vị trí thứ 2 sau hội chứng cúm, với khoảng trên dưới 1 triệu trường hợp khai báo hàng năm, thông tin trên Sức khỏe & Đời sống.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nhiễm độc thực phẩm do Salmonella là hội chứng nhiễm trùng - nhiễm độc, biểu hiện bằng viêm ruột cấp tính, gây ra do vi khuẩn Salmonella.
Các chủng vi khuẩn Salmonella (Salmonella spp.) là một họ vi khuẩn đường ruột khá lớn với nhiều typ huyết thanh, gây bệnh thương hàn, phó thương hàn và các viêm ruột cấp tính khác cho người và động vật. Trong số 1.500 typ huyết thanh có khả năng gây bệnh cho động vật, chỉ có khoảng 10 chủng có khả năng gây viêm dạ dày ruột cấp cho người.
Trao đổi với VnExpress, bác sĩ Châu Tố Uyên, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cho biết khuẩn này thường có trong thịt, gia cầm, sữa, lòng đỏ trứng còn sống hoặc bị ô nhiễm. Vi khuẩn có thể lây lan qua dao, bề mặt cắt hoặc dụng cụ xử lý thực phẩm bị nhiễm.
Biểu hiện nhiễm độc là nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, sốt..., có thể khởi phát 1-3 ngày sau nhiễm. Trong đó, triệu chứng nghiêm trọng nhất là mất nước và các muối, khoáng chất cần thiết. Trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc bệnh mạn tính có thể bị mất nước nghiêm trọng dẫn đến tử vong.
"Nếu bệnh nhân không nhập viện bù điện giải kịp thời sẽ dễ co giật, biến chứng. Một số trường hợp có thể nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan, nguy hiểm tính mạng", bác sĩ Doãn Uyên Vy, chuyên gia chống độc, phụ trách Phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết.
Để phòng tránh nhiễm khuẩn, bác sĩ khuyến cáo mọi người ăn chín uống sôi. Đặc biệt, nên nấu chín kỹ trứng, rửa sạch vỏ trứng trước khi chế biến. Rau ăn sống phải rửa sạch dưới vòi nước giúp trôi vi khuẩn, nên ngâm rau bằng thuốc tím. Thường xuyên rửa sạch tay với xà phòng, nhất là trước khi ăn, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh. Dùng nước nóng, xà phòng để rửa đồ dùng, thớt và các bề mặt vật dụng nhà bếp.
2. Bacillus cereus, độc tố gây nôn và tiêu chảy
Là một trong ba loại vi khuẩn được tìm thấy trong thực phẩm gây ngộ độc tập thể cho các em học sinh ở Nha Trang, Bacillus cereus là một trong những loài vi khuẩn phổ biến gây ra ngộ độc thực phẩm. Nó tạo ra một loại độc tố gây nôn và ba loại độc tố ruột khác nhau.
Theo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), Bacillus cereus là một loại vi khuẩn gram dương kỵ khí dễ sinh độc tố. Vi khuẩn thường được tìm thấy trong môi trường, thường có trong đất và thảm thực vật. Nhưng nó cũng có cả trong thực phẩm. Đặc biệt, loài vi khuẩn này có thể nhanh chóng nhân lên ở nhiệt độ phòng.
Khi bị nhiễm khuẩn Bacillus cereus, nạn nhân có thể bị nôn ói với thời gian ủ bệnh ngắn, hay tiêu chảy có thời gian ủ bệnh dài hơn từ 8 -16 giờ.
Có thể chủ động ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn Bacillus cereus bằng các quy trình xử lý thực phẩm thích hợp. Theo đó:
- Thịt và rau không nên giữ ở nhiệt độ từ 10-45°C trong thời gian dài. Cơm nguội để qua đêm sau khi nấu nên được bảo quản lạnh, không giữ ở nhiệt độ phòng.
- Phòng ngừa nhiễm trùng ở bệnh nhân sau phẫu thuật hoặc ở những người bị suy giảm miễn dịch; hoặc những người có khuynh hướng nhiễm trùng, phụ thuộc vào thực hành tốt.
- Sát khuẩn tay, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi nấu ăn, đi vệ sinh.
3. Vi khuẩn E.coli, gây ra các bệnh về đường tiêu hóa
Vi khuẩn Escherichia coli là một vi khuẩn thường sống trong ruột của người và động vật. Hầu hết các loại vi khuẩn E. coli được biết đến với tác hại là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy tạm thời và thoáng qua, hay một số những nhiễm trùng nặng đường ruột dẫn đến bệnh cảnh nặng hơn với tiêu chảy, đau bụng và sốt.
E.Coli có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua nhiều con đường khác nhau, trong đó sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm, không hợp vệ sinh là nguyên nhân phổ biến và dễ xảy ra nhất. Việc bảo quản và sơ chế không đúng cách là những nguyên nhân làm thực phẩm bị ô nhiễm:
- Ăn phải thực phẩm chưa chín hoặc không được rửa sạch như rau sống...
- Không rửa tay trước khi nấu nướng hoặc trước khi ăn.
- Dụng cụ chế biến thức ăn, hoặc chén bát không đảm bảo vệ sinh.
- Thực phẩm bị hư thối hoặc nổi mốc do bảo quản không đúng cách.
- Giết mổ hoặc ăn phải những loại gia súc gia cầm đang nhiễm bệnh.
Vi khuẩn Escherichia coli có thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, trung bình 3-4 ngày. Người lớn bị bệnh đào thải vi khuẩn escherichia coli trong phân khoảng 1 tuần. Trẻ em có thể đào thải mầm bệnh qua phân đến 3 tuần.
Thông thường, những người bị nhiễm vi khuẩn E.coli sẽ hồi phục trong khoảng thời gian 5-10 ngày không cần dùng thuốc. Nguyên nhân là do những loại thuốc này sẽ càng làm tăng thời gian cho cơ thể hấp thu những độc chất do E.coli tiết ra và làm tăng những nguy cơ biến chứng máu, thận cũng như khả năng kháng thuốc của vi khuẩn...
Những trường hợp cần thiết phải dùng thuốc, phải được làm các xét nghiệm kỹ càng và tuân theo chỉ định cũng như theo dõi của thầy thuốc.
Để phòng nhiễm trùng nhiễm độc tiêu hóa do vi khuẩn E.Coli cần bảo đảm các nguyên tắc ăn sạch, ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
PN (Nguoiduatin.vn)