Thông tin ba bé ở phường 13, quận 6, TP HCM đang chơi gần nhà bị kẻ lạ mặt nghi ngáo đá cầm dao tấn công khiến nhiều người lo lắng.
Khoảng 8 giờ, ngày 1/12, các bé lần lượt được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM khám.
Cụ thể, khoa Ngoại tổng quát lúc 8 giờ 50 tiếp nhận bé Đ.T.Q (11 tuổi) nhập viện trong tình trạng bị thương ở má phải, gãy xương hàm do vật nhọn đâm trúng. Đây là bé trai bị thương nặng nhất.
Trước đó, bé được đưa vào Bệnh viện quận 6 để cấp cứu với kết quả xét nghiệm lâm sàng vết thương hở ở má và vùng thái dương - xương hàm dưới và chuyển tuyến đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Bé Q. được chuyển về Khoa răng hàm mặt để khâu vết thương ở má.
Đến 9 giờ 30, bệnh viện tiếp tục tiếp nhận bé P.N (4 tuổi) được đưa tới cấp cứu tại khoa này trong tình trạng bị thương ở chân mày mắt trái và tai trái. Ngoài ra, một bé trai khác khoảng 6 tuổi cũng được nhập viện cùng thời điểm với một vết thương ở bàn tay.
Sau khi xử trí vết thương, tìm hiểu sự việc (đối tượng nghi ngáo đá), các bác sĩ cho các bệnh nhi làm xét nghiệm HIV và uống thuốc ARV điều trị phơi nhiễm. Hiện cả 3 cháu được cho về nhà theo dõi.
Phơi nhiễm HIV là gì? Nguy hiểm cỡ nào?
Phơi nhiễm với HIV là tình huống rất thường gặp trong đời sống hàng ngày. TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho hay, phơi nhiễm với HIV được xác định là khi tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.
Hiện nay Bộ Y tế chia ra 2 loại phơi nhiễm HIV là phơi nhiễm HIV trong môi trường nghề nghiệp, tức là phơi nhiễm HIV trong quá trình tác nghiệp, cụ thể như cán bộ y tế bị kim tiêm hay kim khâu có dính máu của người nhiễm HIV đâm vào hay công an trấn áp tội phạm như trường hợp chúng ta đang đề cập.
Loại thứ hai là phơi nhiễm HIV ngoài môi trường nghề nghiệp, tức là bị phơi nhiễm HIV không do nghề nghiệp như quan hệ tình dục do không sử dụng bao cao su hoặc bao cao su bị vỡ, rách hoặc bị cưỡng dâm; sử dụng chung bơm kim tiêm đối với người nghiện chích ma tuý…
Về bản chất, cả hai loại đều là có tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.
Về nguy cơ nhiễm HIV phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu nơi tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể của người nhiễm HIV bắn vào các vùng da hay niêm mạc của đối tượng bị tấn công bị xây xát, tổn thương thì có nguy cơ. Vùng da niêm mạc tổn thương càng rộng thì nguy cơ cao hơn.
Nếu máu và dịch cơ thể của người nhiễm HIV đó bắn vào vùng da lành thì không có nguy cơ. Sau đó nếu tổn thương da chảy máu mà rửa ngay vết thương dưới vòi nước hay rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch thì nguy cơ cũng giảm đi rất nhiều.
Yếu tố nữa là tình trạng nhiễm HIV của người gây phơi nhiễm. Hiện nay Bộ Y tế khuyến cáo điều trị sau phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV càng sớm càng tốt. Tốt nhất trong vòng 6 giờ đầu và không quá 72 giờ sau phơi nhiễm, uống liên tục trong 4 tuần.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, khi bị phơi nhiễm với HIV, người dân cần xử lý vết thương tại chỗ: Nếu tổn thương da chảy máu thì cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước. Để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương. Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.
Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt mũi, miệng thì rửa mắt, mũi, súc miệng bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý 0,9% liên tục trong 5 phút.
Sau đó, người có nguy cơ đến ngay cơ sở y tế để được đánh giá nguy cơ phơi nhiễm và được thầy thuốc tư vấn và điều trị bằng thuốc ARV miễn phí nếu cần.
Hiện nay tất cả các trường hợp điều trị phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV trong môi trường nghề nghiệp đều được Nhà nước cung cấp miễn phí.
Theo T.Nguyên (Giadinh.net.vn)