Các chuyên gia y tế đang nghiên cứu để hiểu hơn về nguyên nhân gây ra COVID kéo dài - một tình trạng mà các triệu chứng COVID-19 vẫn tồn tại nhiều tháng sau khi nhiễm COVID-19.
Một nghiên cứu mới đã xác định 203 triệu chứng COVID kéo dài khác nhau ở 10 hệ thống cơ quan khác nhau trong cơ thể, làm nổi bật mức độ lan rộng và đa dạng của bệnh và cách nó có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống.
Điều đặc biệt là các nhà khoa học tham gia nghiên cứu đều đã hoặc đang trải qua COVID kéo dài. Họ đang kêu gọi thực hiện các chương trình sàng lọc quốc gia để phát hiện thêm các trường hợp mắc COVID kéo dài, cũng như kêu gọi ban hành các hướng dẫn lâm sàng chính xác hơn để mô tả tình trạng này.
Nhà khoa học thần kinh Athena Akrami đến từ Đại học London cho biết: "Mặc dù đã có rất nhiều cuộc thảo luận công khai về COVID kéo dài, nhưng có rất ít nghiên cứu có hệ thống tìm hiểu về những người mắc COVID kéo dài. Do đó, chúng ta biết tương đối ít về các triệu chứng và sự tiến triển của chúng theo thời gian, mức độ nghiêm trọng và diễn biến lâm sàng dự kiến, tác động của chúng đối với hoạt động hàng ngày và thời gian hồi phục".
"Theo cách tiếp cận độc đáo này, chúng tôi đã trực tiếp khảo sát những người mắc COVID kéo dài trên khắp thế giới để thiết lập nền tảng cho việc điều tra y tế, cải thiện chăm sóc và vận động cho những người mắc COVID kéo dài".
Với tổng số 3.762 người được khảo sát ở 56 quốc gia, nghiên cứu quốc tế này cung cấp góc nhìn toàn diện và lớn nhất về cách những người mắc COVID kéo dài tiếp tục gặp vấn đề sức khỏe bên ngoài thời gian mắc bệnh thông thường.
Các triệu chứng được báo cáo phổ biến nhất là mệt mỏi, khó chịu sau gắng sức (các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn sau nỗ lực thể chất hoặc tinh thần), và rối loạn chức năng nhận thức hoặc 'sương mù não'. Các triệu chứng khác bao gồm ảo giác thị giác, run rẩy, rối loạn chức năng tình dục, mất trí nhớ và tiêu chảy - một loạt các vấn đề sức khỏe thể chất và nhận thức.
[Đọc thêm: 7 triệu chứng COVID-19 phổ biến mới]
Trung bình, những người tham gia báo cáo mỗi người có 55,9 triệu chứng ở 9,1 hệ thống cơ quan. Trong số 3.762 người được hỏi mắc COVID kéo dài, 2.454 người đã trải qua các triệu chứng trong ít nhất sáu tháng. Tất cả những điều này đều có hậu quả: 45,2% người tham gia cho biết họ đã giảm giờ làm việc, trong khi 22,3% hoàn toàn không làm việc tại thời điểm khảo sát.
Các nhà nghiên cứu viết trong nghiên cứu đã được xuất bản: "Sau bảy tháng, nhiều bệnh nhân vẫn chưa hồi phục (chủ yếu là hồi phục từ các triệu chứng hệ thống và thần kinh/nhận thức), chưa trở lại tần suất làm việc trước đó và tiếp tục hứng chịu gánh nặng triệu chứng đáng kể".
Có rất nhiều điều mà chúng ta vẫn chưa biết về COVID kéo dài, mặc dù bức tranh đang dần trở nên rõ ràng hơn. Các triệu chứng dường như biến mất sau khi tiêm vaccine COVID-19, nhưng chỉ đối với một số bệnh nhân, trong khi nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ có nguy cơ mắc COVID kéo dài nhiều hơn.
Khoảng 1/10 người nhiễm COVID-19 được cho là vẫn mắc một số triệu chứng sau hơn 12 tuần sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Xem xét sự lây lan của đại dịch trên toàn cầu, chúng ta có thể đang nói đến hàng triệu người.
Các nhà nghiên cứu muốn xem thêm các xét nghiệm liên quan đến các triệu chứng thần kinh, tim mạch và hô hấp để phát hiện thêm những người đang phải vật lộn với COVID-19 mà không biết.
Nhà khoa học thần kinh Akrami cho biết: "Có thể có hàng chục nghìn bệnh nhân COVID kéo dài đang chịu đựng trong im lặng mà không chắc chắn rằng các triệu chứng của họ có liên quan đến COVID-19".
Theo Trà My (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)