Tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đang ngày càng căng thẳng với số lượng ca nhiễm mỗi ngày tăng cao.
Bên cạnh việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đội ngũ y bác sỹ đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho người dân trong việc phòng chống dịch COVID-19 vì bất kỳ ai cũng có thể là F0.
Điều quan trọng nhất bây giờ là bạn cần giữ thái độ bình tĩnh, thực hiện các biện pháp phòng hộ cho bản thân và gia đình.
8 điều cần làm khi chờ tới bệnh viện
1. Ghi lại ngày đầu tiên xuất hiện triệu chứng.
2. Tự cách ly trong phòng riêng, mở cửa sổ để tăng thông gió. (Video về tự cách ly: https://www.youtube.com/watch?v=x0-FUg_fAZE)
3. Uống nhiều nước, uống oresol để bù nước.
4. Tập thể dục nhẹ nhàng, xem các chương trình giải trí, thư giãn.
5. Nằm nghiêng hoặc nằm sấp nếu tư thế này làm cho bạn thấy dễ chịu.
6. Đo nhịp thở bằng cách đặt bàn tay lên ngực, thư giãn, thở đều và đếm số lần lồng ngực nhô lên trong 1 phút.
7. Kiểm tra độ bão hòa oxy ít nhất 3-4 lần/ngày (bằng máy đo kẹp ngón tay xịn).
8. Uống Paracetamol nếu sốt ≥ 38,5 độ C.
Người lớn ≤ 70 kg: 1 – 1,5 viên 500 mg/lần; > 70 kg: 2 viên 500 mg/lần. 3-4 lần/ngày, cách tối thiểu 4-6h/lần, không quá 4 lần/ngày.
Trẻ em: 10-15 mg/kg/lần, cách 4-6h/lần, không quá 4 lần/ngày. Liều tối đa tính theo cân nặng không được vượt quá 500mg.
Không dùng cùng các thuốc cảm cúm khác có chứa paracetamol hoặc acetaminophen.
Người có tiền sử dị ứng với Paracetamol hoặc đang bị viêm gan không nên dùng.
9 dấu hiệu cần tới bệnh viện cấp cứu COVID-19 hoặc bệnh viện gần nhất ngay
1. Độ bão hòa oxy trong máu < 94%.
2. Nhịp thở > 24 lần/phút.
3. Đau ngực, cảm giác thắt ngực.
4. Khó thở khi vận động.
5. Không thể nói đầy đủ câu.
6. Bị lẫn lộn về thời gian và địa điểm.
7. Da xanh, môi nhợt.
8. Không tự đi, không tự cầm nắm, ăn uống được.
9. Lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
Cần theo dõi cẩn trọng hơn với người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, suy dinh dưỡng, béo phì, thiếu máu nặng, khuyết tật, sống một mình, rối loạn tâm thần.
Mỗi người bất cứ lúc nào cũng có thể là F0, F1 hay F2
Số ca bệnh sẽ tăng trong 5-7 ngày tới, tinh hình tăng nữa sau đó hay không đều phụ thuộc vào ý thức chấp hành đúng giãn cách xã hội của mỗi cá nhân.
Nếu bạn là F0 không triệu chứng trong khu cách ly: uống đủ nước, uống nước đều, giờ giấc nghỉ ngơi và vận động cố gắng như ở nhà, tự vệ sinh và giữ thông thoáng trong phòng cách ly. Giữ vệ chung trong khu nhà vệ sinh, mang khẩu trang khi đi vệ sinh, rửa tay sạch và thường xuyên. Khi có triệu chứng gì khó chịu, bình tĩnh báo cho nhân viên y tế.
Có thể bạn sẽ chứng kiến trong phòng nhiều người chuyển đến, nhiều người chuyển đi cũng là hiện tượng bình thường.
Nếu bạn F0 nhưng chưa được chuyển đến khu cách ly. Bình tĩnh chờ, thực hiện giống như trong khu cách ly. Phải giữ khoảng cách trên 2m và luôn mang khẩu trang đúng cách, tấm che giọt bắn vì có thể bạn sẽ lây thêm cho thành viên khác trong gia đình.
Nếu bạn là F1 trong khu cách ly, rất có thể bạn chưa bị lây nên thường xuyên mang khẩu trang đúng, tấm che giọt bắn, hạn chế tối đa mặt đối mặt dưới 2m với người khác, tốt nhất nên tự theo dõi nhiệt độ. Đồng thời uống nhiều nước, xúc miệng, rửa tay, giữ vệ sinh như F0 trong khu cách ly. Phòng thông thoáng là rất quan trọng.
Nếu bạn là F1 nhưng chưa được đi cách ly. Thực hiện đúng như F1 đang cách ly tại nhà. Bạn có thể chuyển thành F0 hay đang là F0 (cho đến khi có xét nghiệm âm tính), bạn có thể lây cho các thành viên khác trong gia đình. Làm mọi việc giống như F0 mà chưa đi cách ly. Khẩu trang đeo đúng cách, tấm che giọt bắn và khoảng cách trên 2m là rất quan trọng.
Nếu trong gia đình có người là F0 thì cả nhà là F1 nhưng có thể chưa lây cho nhau nên thực hiện như F1 và chờ đợi.
Nếu trong cơ quan có người F0, F1 phải nhớ lại lịch sử tiếp xúc để biết mình là F nào.
Nếu bạn là F2 bình tĩnh tự phòng bệnh cho bản thân, phòng bệnh cho người nhà, chờ kết quả F1. Nếu chỉ gặp F1 vài lần và F0 cũng tình cờ gặp F1 thì yên tâm nếu F1 âm tính trước khi vào khu cách ly hay cách ly tại nhà.
Nếu khu phố bạn đang sống có F0, F1 thì cũng phải chuyện lạ vì có nhiều ca bệnh trong cộng đồng. Virus chỉ tiếp xúc trực tiếp dưới 2m và không có phòng hộ khuôn mặt. Hãy nhớ lại lịch sử tiếp xúc của bản thân với hàng xóm để biết mình có khả năng bị lây không.
Tất cả mọi người đều có thể bị lây nếu chủ quan, đặc biệt là người trẻ đi ra ngoài mang mần bệnh về. Chỉ có đeo khẩu trang đúng thường xuyên, tấm che giọt bắn khi tiếp xúc với bất cứ ai mới bảo vệ được bản thân và gia đình.
Theo PV (Vietnamplus.vn)