2 trẻ tử vong, nhiều người cấp cứu sau khi ăn cỗ cưới tại Cao Bằng
Mới đây, tại xóm Ngàm Vàng, xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm rúng động liên quan đến cỗ cưới, khiến 2 trẻ tử vong và nhiều người phải nhập viện cấp cứu.
Cụ thể, vào ngày 13/5, nhà anh Lầu A Páo (xóm Ngàm Vàng) tổ chức đám cưới cho con và mời khách ăn cỗ với khoảng 17 mâm. Thức ăn trong đám cưới do người dân trong xóm tự nấu gồm các món như đậu phụ, thịt lợn xào, mì tôm xào trứng, giá đỗ...
Sau bữa ăn, đến ngày 14/5, 20 người có các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy. Đến chiều 15/5, những người bị ngộ độc đã đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc.
Đáng chú ý là sau khi dự đám cưới, ông Lầu Thà Páo mang thức ăn tại đám cưới (mỳ tôm xào trứng) về cho 2 cháu là Lầu Thị Phương (sinh năm 2016) và Lầu A Quả (sinh năm 2018). Do thức ăn bị ôi thiu, người nhà lại phát hiện muộn các triệu chứng bị ngộ độc thực phẩm nên 2 cháu bé không được cấp cứu kịp thời, đã tử vong vào sáng 15/5.
Có thể nói, ngộ độc thực phẩm là câu chuyện rất phổ biến vào tiết trời mùa hè oi bức hiện nay. Thông thường, ăn phải thực phẩm bị ôi thiu, chúng ta thường có những biểu hiện ngộ độc thực phẩm như đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, mệt mỏi, nôn mửa... Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong là điều có thể xảy ra. Như trường hợp 2 cháu bé tử vong do ăn đồ ôi thiu mang về từ đám cưới bên trên là một trong những minh chứng điển hình vô cùng đau xót.
Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra nhiều vào mùa nắng nóng - Làm sao để phòng tránh?
Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến tháng 8/2020, cả nước đã xảy ra 57 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 1.574 người bị ngộ độc, trong đó 19 người tử vong. Bộ Y tế cũng có thông báo, tính từ đầu năm đến tháng 6/2020, cả nước ghi nhận 48 vụ làm hơn 824 người nhập viện điều trị, so với cùng kỳ năm 2019, tăng 11 vụ (29,7%) và số ca tử vong tăng tới 17 người. Hầu hết tập trung vào giai đoạn mùa hè, thời tiết nóng ẩm.
Vì sao ngộ độc thực phẩm gia tăng mạnh vào mùa hè? Theo PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm), vào mùa hè nắng nóng, độ ẩm cao, thực phẩm không bán hết, không ăn hết dễ bị ôi thiu, sinh giòi, vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm...
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, ngộ độc thực phẩm vào mùa hè tăng mạnh trước hết là do điều kiện nhiệt độ. "Nhiệt độ cao làm cho vi khuẩn phát triển nhanh, từ đó dẫn đến thực phẩm nhanh bị hư hỏng, biến chất. Bên cạnh đó cũng dễ bị nấm mốc hơn. Đây cũng là yếu tố gây ngộ độc thực phẩm", chuyên gia nói.
Chưa kể, vào mùa nắng nóng, cơ thể thường hay bị mệt mỏi, sức đề kháng giảm, lại gặp nguồn thức ăn không đảm bảo tươi mới, nhất là chỉ cần sơ suất trong bảo quản thực phẩm là có thể gây ngộ độc như thường.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết thêm, trong ăn uống nói chung, nguy cơ ngộ độc thực phẩm nhiều hơn cả là ở khâu bảo quản thực phẩm. Tức là những loại thức ăn cho dù đã được nấu chín kỹ nhưng lại vẫn xuất hiện vi khuẩn gây bệnh. Lý do là bảo quản thực phẩm không đúng cách như ăn thực phẩm bày biện ngoài trời, không che đậy hoặc không đảm bảo che đậy đúng cách, không có phương pháp bảo quản lạnh... khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, dính bụi bẩn đường phố...
Do đó, giới chuyên gia khuyến cáo cần chú ý bảo quản thực phẩm đúng cách, nhất là vào mùa hè càng cần hết sức cẩn trọng để tránh nguy cơ ngộ độc, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Trong đó người dân cần chú ý hạn chế ăn hàng quán, quán ăn vỉa hè, nhất là trong mùa dịch Covid-19 trong thời điểm còn nhiều diễn biến phức tạp. Tại nhà, bạn cũng cần chú ý ăn chín uống sôi, thức ăn còn thừa cần bảo quản đúng cách trong tủ lạnh, hạn chế tối đa ăn đồ để qua đêm...
Theo HH (Pháp luật và bạn đọc)