Từ xưa đến nay, người Việt Nam luôn quan niệm bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Chúng ta có xu hướng chọn các thực phẩm chắc bụng, no lâu để cơ thể tràn đầy năng lượng, đủ để thực hiện mọi hoạt động nặng nề trước khi đến bữa ăn trưa. Ngoài cơm, thì xôi và bún phở là 2 món ăn thường được người dân chọn lựa cho bữa sáng, cả 2 thực phẩm này đều bổ dưỡng, ngon lành và thật sự tiện lợi cho những gia đình bận rộn và không có thời gian để nấu nướng.
Dù vậy, xôi và bún phở không phải ăn như thế nào cũng tốt, thậm chí nếu phạm phải sai lầm dưới đây còn gây thêm hại cho cơ thể.
Cụ thể như sau:
1. Bún phở
Nhiều chuyên gia đánh giá bún phở là thực phẩm rất ngon lành và bổ dưỡng cho bữa sáng, nhưng chúng chỉ tốt nếu bạn là người có thể trạng tốt. Những người dưới đây nếu sử dụng nhiều bún phở thì chỉ thêm hại:
- Người mắc bệnh về tiêu hóa không nên ăn
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia), bún là nhóm thức ăn không thích hợp với những người có bệnh ở đường tiêu hóa. Lý do là bởi bún được làm từ bột gạo, ngâm với nước trước khi làm khoảng 1 ngày để bột nở ra. Trong thời gian ngâm, tinh bột sẽ bị lên men, tạo ra vị chua. Những người đang mắc bệnh về tiêu hóa nếu ăn nhiều bún dễ bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, hại dạ dày.
- Phụ nữ sau sinh tránh ăn
Bàn về bún phở, bác sĩ Nguyễn Đình Bình (giảng viên y học trường Đại học Đông Đô) đánh giá đây là một thực phẩm chứa ít protein (do quá trình sản xuất bún) nhưng lại chứa nguồn tinh bột dồi dào, giúp người ăn no miệng. Tuy nhiên theo bác sĩ, phụ nữ sau sinh không nên ăn nhiều bún bởi đây là thực phẩm được làm từ gạo ngâm nở chua, có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá của người mẹ do sau sinh sức khỏe còn yếu.
Bên cạnh đó, một số ít cơ sở sản xuất bún có thể sử dụng chất làm trắng hay hàn the... phụ nữ sau sinh nếu chẳng may ăn phải loại bún kém chất lượng như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến cả mẹ lẫn con, vì vậy tốt nhất là nên hạn chế ăn bún. Nếu có thể thì nên thay bún bằng cơm, cháo...
- Người đang có sức khỏe kém hạn chế ăn
Cũng theo bác sĩ Bình, khi cơ thể không khỏe mạnh thì hệ tiêu hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ăn bún phở khi ốm có thể gây lạnh bụng, gây khó tiêu, đi ngoài hoặc cơ thể thêm nặng nề. Thay vì ăn bún phở trong lúc ốm, bạn có thể thay thế bằng cháo hoặc súp để giảm gánh nặng cho đường tiêu hóa.
2. Xôi
Xôi là món ăn phổ biến ở nhiều nước châu Á, ở Việt Nam thì xôi là một trong những món ăn sáng nổi tiếng nhất, với đa dạng hương vị như xôi ngô, xôi xéo, xôi lạc... Tuy nhiên việc lạm dụng xôi có thể đem lại cho bạn những rủi ro về sức khỏe không đáng có.
- Tránh ăn quá nhiều xôi cho bữa sáng:
Xôi là một thực phẩm giàu năng lượng và dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu đang muốn giảm cân bạn không nên ăn nhiều xôi. Trung bình một gói xôi có thể cung cấp khoảng 600 calo, trong khi 1 chén cơm chỉ có 130 calo, một bát phở chứa khoảng 400 calo. Chính vì vậy để tránh tăng cân nhanh, bạn chỉ nên ăn xôi 2 lần/tuần.
- Người nóng trong không nên ăn nhiều xôi
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Hà Nội), gạo nếp tính ôn, ấm nên những người có thể chất thiên nhiệt hoặc đàm nhiệt, những người đang bị bệnh có sốt, ho khạc đờm vàng, vàng da, chướng bụng cũng không nên dùng đồ nếp như xôi để cơ thể không bị khó chịu, bệnh tình thêm trầm trọng.
- Phụ nữ sau sinh mổ tránh ăn xôi
Theo quan niệm dân gian, phụ nữ sinh mổ hoặc sinh con bị rạch nên tuyệt đối tránh ăn món xôi nếp, vì gạo nếp có tính nóng, dẻo, dễ gây sưng và mưng mủ cho vết mổ.
- Những người hay nổi mụn cần tránh ăn nhiều xôi
Theo Đông y, xôi tính ôn, ấm, không phù hợp cho những người hay bị nổi mụn trứng cá vì cơ địa đã bị nóng, ăn vào càng sinh mụn và nóng trong người.
Chúng ta nên ăn sáng như thế nào để cơ thể khỏe mạnh?
Xôi và bún phở đều là những thực phẩm ngon lành cho bữa sáng, tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng chúng ta không nên ăn món gì quá nhiều. Tốt nhất nên ăn sáng đa dạng bằng nhiều món khác nhau để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, một bữa sáng đầy đủ nghĩa là chúng ta cần ăn đủ bốn nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Trong đó, lượng carbohydrate cần chiếm khoảng 60%, lượng protein khoảng 10%-14%, chất béo chiếm khoảng 25%-30%. Các thực phẩm nên có trong bữa sáng nên là: Cơm, trứng gà, sữa đậu nành, các sản phẩm làm từ đậu, các loại thịt đã nấu chín… Hoa quả và rau xanh. Lý tưởng nhất là thêm một thìa các loại hạt.
Chúng ta nên ăn sáng sau khi thức dậy khoảng 20-30 phút, trước khi ăn nên uống một cốc nước lọc ấm để kích hoạt lại hệ tiêu hóa cũng như thanh lọc cơ thể.
Buổi sáng bụng rỗng nên không thích hợp để ăn quả hồng, cà chua, chuối... vì nồng độ enzyme cao trong hoa quả có thể khiến dạ dày rối loạn dịch vị khi ăn. Ngoài ra, bữa sáng cũng cần tránh ăn trái cây đông lạnh, nước ép lạnh, cà phê đá hay sữa đá… bởi thời điểm này các cơ bắp, thần kinh và mạch máu của cơ thể đang trong trạng thái co lại, ăn thực phẩm lạnh sẽ khiến lưu lượng máu trong cơ thể khó lưu thông, lâu dài, sẽ có hại cho sức khỏe. Thay vào đó, mọi người nên dùng thực phẩm ấm nóng.
Theo Đỗ Đỗ (Trí Thức Trẻ)