"Sao đắt vậy trời! Gấp 3 lần bình thường. Tôi hỏi khắp nhưng không có, phải lên diễn đàn khu chung cư nơi tôi ở hỏi xem có ai biết không. May mà có thuốc cho con, không thì lo không ngủ được. Chỉ sợ con sốt cao không hạ lại co giật" - anh Tùng, 30 tuổi, nhà ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội kêu ca.
Cũng mua thuốc "chuyền tay" trôi nổi không giấy tờ, chị Hải (Long Biên, Hà Nội) còn phải chấp nhận mua 8 viên thuốc Tamiflu ở ngoài, với giá 250.000đ/viên.
Con chị Hải 5 tuổi cũng sốt cao 24 giờ, đi xét nghiệm tại bệnh viện gần nhà cho kết quả cúm A, được chỉ định dùng 8 viên Tamiflu. Tuy nhiên, nhà thuốc của viện không còn loại thuốc này.
Tâm lý chung của các bậc phụ huynh khi nhận đơn thuốc của bác sĩ kê, trong đó có thuốc Tamiflu là bằng mọi giá phải kiếm được thuốc cho con.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong một tháng, số bệnh nhân được xác định cúm tăng 3 lần tháng trước. 1/3 trẻ tới khám phải nhập viện, chủ yếu là trẻ dưới 2 tuổi với các biến chứng như viêm phổi viêm phế quản.
Riêng tại Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới của viện này, hiện điều trị cho khoảng 70 trẻ bị cúm nặng, mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận 15-20 ca mắc mới.
TS Đỗ Thiện Hải - Trưởng khoa Nội, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, lượng virus lưu hành trong khoảng không giản hẹp gây nguy cơ lây nhiễm cao, đặc biệt trong các môi trường đông người như lớp học, nhà…
Ai được chỉ định dùng Tamiflu?
Theo PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Tamiflu là loại thuốc phải dùng theo đơn, không thể tự ý dùng. Bản thân các bác sĩ cũng giới hạn chỉ định cho bệnh nhân.
Theo đó, những đối tượng được chỉ định như: Trẻ mắc cúm có biến chứng như viêm phổi, viêm não hay viêm cơ tim; các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ (nhóm nhân viên y tế nếu bị cúm, cần thì uống; hoặc nhóm trẻ dưới 5 tuổi bị bệnh; phụ nữ có thai, người già, bệnh mãn tính (hen phế quản, thận, tim…) thì cần phải chỉ định.
"Không phải ai cúm cũng chỉ định dùng Tamiflu" - TS Điển nhấn mạnh và cho rằng nếu chỉ định rộng rãi, xu hướng virus cúm sẽ kháng Tamiflu.
Hạ sốt cho con đừng chỉ nên phụ thuộc vào thuốc
Khám, điều trị, chăm sóc trẻ bị cúm, BS Điển cho hay phải xem xét cháu trước đó có bệnh lý nền nào không, quan sát toàn trạng chung của trẻ.
Cha mẹ có thể hạ nhiệt cho trẻ bằng paracetamol từ 4-6h hạ nhiệt một lần tuy nhiên "đừng dựa quá nhiều vào thuốc".
Cùng với đó, cha mẹ hãy cho trẻ uống nước nhiều để thoát nhiệt qua đường nước tiểu; dùng khăn lau cổ, nách, bẹn.. cho trẻ.
Ban đêm, cha mẹ phải hết sức chú ý vì nguy cơ của những em bé sốt cao dễ bị co giật. Phải bên cạnh con mình liên tục để hỗ trợ điều trị triệu chứng cho con. Đưa con đi khám sớm nhất nếu con bằng những dấu hiệu như: Cho con dùng 2 lần hạ sốt liên tục mà con vẫn sốt cao liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt, đó là dấu hiệu cần đi khám.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi. Thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Tiêm vaccine cúm mùa là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.
Theo Võ Thu (Giadinh.net.vn)