Vào thời điểm chuyển giao giữa mùa đông sang mùa xuân, tỷ lệ người mắc bệnh cúm A/H1N1 lại tăng cao. Theo Bộ Y tế cho biết, cúm A/H1N1 là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, có thể lây lan nhanh trên diện rộng. Đặc biệt, nếu không được chữa trị kịp thời khi mới phát bệnh thì nguy cơ cao có thể dẫn đến tử vong đột ngột.
Khoảng 1 tháng trở lại đây, PGS-TS Đào Xuân Cơ (Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp nguy kịch vì nhiễm phải căn bệnh này. Trong số đó, một thai phụ 31 tuổi (Thanh Hóa) được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai khi đang mang song thai 24 tuần tuổi.
Ban đầu, thai phụ này xuất hiện một số triệu chứng cảm cúm như sổ mũi, hắt hơi nhưng bệnh dần chuyển biến nặng hơn. Ngay sau đó, thai phụ này đã tiếp nhận điều trị bằng cách lọc máu, thở máy, chạy tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (ECMO) nhưng sau 2 tuần thì tình trạng bệnh vẫn không được cải thiện. Kết quả là thai phụ này đã tử vong cùng 2 thai nhi do suy hô hấp, viêm phổi trắng xóa.
Đáng báo động hơn, cũng trong thời điểm này, Bệnh viện Bạch Mai còn tiếp nhận 2 nam bệnh nhân khác nhiễm cúm A/H1N1 đang trong cơn nguy kịch. Thậm chí, những ngày đầu năm, tại Khoa Hồi sức tích cực ở Bệnh viện Bạch Mai còn tiếp nhận ca bệnh nhân nam có hình thể to béo đang trong tình trạng suy hô hấp và phải thở máy. Gia đình bệnh nhân này cũng cho biết, trong nhà trước đó đã có vài người nhiễm cúm nên chủ quan bỏ qua triệu chứng của bệnh mà không đi khám, dẫn đến biến chứng suy đa phủ tạng. Mặc dù đã được lọc máu liên tục và điều trị kháng sinh liều cao nhưng tình trạng bệnh vẫn không có chiều hướng tốt đẹp.
Từ những trường hợp đáng báo động kể trên, ngay từ bây giờ, bạn cần chủ động nắm rõ các dấu hiệu nhận biết bệnh cúm A/H1N1 để có biện pháp chữa trị, phòng tránh nguy cơ lây lan kịp thời.
Các dấu hiệu phổ biến giúp nhận biết bệnh cúm A/H1N1 từ sớm
Bệnh cúm A/H1N1 thường có biểu hiện giống với triệu chứng cúm thông thường và chỉ có thể phát hiện thông qua phương pháp xét nghiệm dịch mũi họng tại các cơ sở y tế. Vì vậy, nếu gặp phải một số dấu hiệu bất thường sau đây và nó kéo dài quá lâu thì bạn cần chủ động đi khám ngay:
- Ho khan, đau rát họng.
- Cảm cúm, sổ mũi, chảy nước mũi.
- Cơ thể mệt mỏi, choáng váng, đau nhức toàn thân.
- Đau đầu thường xuyên.
- Sốt cao đột ngột (trên 38 - 39 độ C).
- Thỉnh thoảng bị chảy nước mắt hoặc đau mắt đỏ.
Vậy cần làm gì để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh cúm A/H1N1?
- Chủ động đeo khẩu trang lúc ra ngoài, nhất là khi đến những nơi đông người.
- Giữ vệ sinh nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ, thường xuyên lau chùi bằng các dung dịch sát khuẩn chuyên dụng.
- Bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, từ đó giảm bớt nguy cơ lây nhiễm virus.
- Theo dõi sức khỏe bản thân thường xuyên, nếu có biểu hiện cúm thì nên trực tiếp đi khám ngay trong thời điểm này.
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ hàng ngày, rửa tay bằng xà phòng sau khi trở về nhà hoặc sau khi tiếp xúc với các bề mặt chứa virus.
Theo Gà (Helino)