Vợ khôn ngoan bày chiêu “móc túi”... chồng

23/03/2015 09:45:44

Có những cô vợ khôn ngoan đã bày chiêu để chồng ngoan ngoãn công khai tài chính, thậm chí tự nguyện dâng 2 tay để vợ tay hòm chìa khóa…

Có những cô vợ khôn ngoan đã bày chiêu để chồng ngoan ngoãn công khai tài chính, thậm chí tự nguyện dâng 2 tay để vợ tay hòm chìa khóa…

“Chồng mình lương thì ít mà lậu thì khá nhiều, nhưng đều im ỉm không bao giờ công khai chứ đừng nói là đưa cho vợ. Mình hễ hỏi đến thì gắt: ‘Hở ra là tiền!’, hoặc: ‘Chưa thấy ai tiêu hoang như em!’. Bực lắm, vì mỗi tháng anh ấy chỉ đưa 1 khoản nhỏ, gọi là sinh hoạt phí cho mình, còn lại mình phải lo tất, thiếu thì tự bù thêm. Buồn nữa, vì vợ chồng như thế thì có khác gì 2 người khách trọ ở chung nhà, ‘góp gạo thổi cơm chung’ đâu” - chị Tuyến cười khổ cho biết.

Cô vợ khôn ngoan biết bày chiêu để chồng tự nguyện công khai lương lậu (Ảnh minh họa).

Chị Tuyến bảo, chị biết chồng mình cũng không phải là kiểu người tiêu hoang, nhưng cái cảm giác là vợ chồng mà mỗi tháng nhắc chồng đóng sinh hoạt phí cứ như đi ăn xin khiến chị chán nản không thôi. Thật lòng chị đâu muốn quản lí tiền của anh, chị chỉ muốn tiền nong trong nhà được quy về một mối, ai giữ thì giữ nhưng công khai minh bạch để cho thấy 2 người đều tin tưởng nhau, rồi có động lực mà phấn đấu vì những mục tiêu lớn chung của gia đình.

“Sau khi suy nghĩ rất nhiều, mình quyết định phải ra tay thôi, không thể để tình trạng như này kéo dài được. Đầu tiên, mình đề nghị chồng ‘đổi vai’, tức là mình sẽ đưa anh ấy 1 khoản tiền đúng bằng anh ấy đưa mình mọi tháng, và anh ấy sẽ là người cầm sinh hoạt phí tháng đó. Mục đích của mình là để anh ấy xóa bỏ định kiến vợ tiêu hoang, vợ không biết chi tiêu khoa học trong đầu. Và kết quả đúng như mình đoán trước, chưa hết tháng anh ấy đã kêu âm tiền rồi, đề nghị mình góp thêm. Mình lúc này mới nhẹ nhàng giải thích cho anh ấy biết, rằng trước nay mình đã cố gắng tiết kiệm thế nào, bù thêm ra sao cho anh ấy hiểu” - người vợ khôn ngoan cười tủm tỉm nói.

Chị bảo, sau vụ đó, chồng chị đã tự nguyện nâng mức đóng góp cho vợ. “Mình cũng tự giác trình bày cho chồng biết mình tiết kiệm được bao nhiêu. Lương mình không được cao, vì thế, ngoài chi cho sinh hoạt phí mà mình tiết kiệm được từng ấy, chồng mình cũng công nhận là giỏi cơ mà. Vậy là chồng mình trở nên hoàn toàn tin tưởng vào khả năng tính toán chi tiêu của vợ” - chị cười tươi chia sẻ. Song song với điều đó, chị Tuyến luôn cố gắng chăm sóc chồng và gia đình chu toàn, tạo cho chồng cảm giác ngôi nhà chính là nơi bình yên anh có thể tìm về sau 1 ngày mệt mỏi. Chị còn thường sắm đồ cho chồng, biếu xén ông bà nội bằng chính tiền lương của mình mà không xin chồng, để thể hiện cho chồng thấy, chị không hề tính toán với anh. “Mở lòng với người khác trước, thì người khác nhất định sẽ không chi li với bạn” – chị chiêm nghiệm.

Dần dà, chồng chị đã lương cho vợ khiến chị Tuyến vui lắm. Nhưng chị biết, đây mới chỉ là bước đầu, để anh hoàn toàn tin tưởng chị, chị cần phải cố gắng thêm, vì lương của anh chỉ là một phần nhỏ trong khoản anh kiếm được. Hàng tháng, chị không tra hỏi lương chồng, mà để anh chủ động. Khi anh đưa, chị cũng luôn thể hiện thái độ vui mừng, sung sướng, mặt mày rạng rỡ hân hoan, đồng thời khen ngợi chồng, cho anh thấy chị cảm kích vô cùng khi được anh tin tưởng. Từ lần sau, anh toàn đưa sớm lương cho chị, không cần phải nhắc, không những thế, tiền thưởng cũng đưa luôn cho chị giữ.

“Chồng đưa tiền, mình chi tiêu gì đều báo cáo với chồng, mặc dù anh không hỏi. Mình cũng lên những kế hoạch chi tiêu hợp lí và hỏi ý kiến chồng. Tiết kiệm được bao nhiêu, mình đều khoe với chồng. Mình để tiền ở nơi 2 vợ chồng đều có thể lấy, chứ không phải kiểu ‘đi dễ về khó’ như một số ông chồng lo lắng. Nhờ thế, giờ đây, chồng mình có bao nhiêu đều đưa cho vợ hết, chẳng có quỹ đen quỹ đỏ gì cả” - chị Tuyến hạnh phúc tâm sự.

Cùng chung cảnh ngộ không được chồng tin tưởng trong chuyện tiền nong, chị Ngân (Quận 10, Tp HCM) cũng từng có thời gian rầu rĩ mãi không thôi. “Mình nghĩ nguyên nhân đàn ông không muốn chia sẻ chuyện tài chính của mình với vợ, 1 là do tính người – keo kiệt, bủn xỉn, tính toán, 2 là do không tin tưởng vợ, sợ vợ tiêu hoang, sợ tiền mồ hôi công sức của mình lại đắp hết cho vợ mua sắm, làm đẹp rồi để cho trai khác ngắm. Và chồng mình có lẽ thuộc kiểu thứ 2. Anh không nói lương cho mình biết, nếu nói thì cũng là 1 con số mà mình nghĩ khác xa sự thật, đưa lương cho mình quản lí thì lại càng xa vời” - chị mở đầu câu chuyện.

Chị tâm sự, trong trường hợp của mình, chị nghĩ lời nói suông không thể đủ thuyết phục chồng mong cải thiện tình hình, mà chị phải thể hiện bằng hành động cụ thể. Đầu tiên, chị chủ động công khai tài chính của mình, có khoản thưởng gì cũng khoe hết, khi mua món gì chị cũng đều hỏi qua chồng, dù là tiền chị kiếm được. “Dụng ý của mình là để chồng hiểu, mình tôn trọng anh, tiền mình làm ra cũng là tiền của anh, và ngầm nói với chồng mình cũng mong anh làm thế với mình. Hai là để chồng rõ, mình chi tiêu hoàn toàn khoa học, hợp lí” - chị Ngân giãi bày. Và rõ ràng chị Ngân đã đạt được mục đích khi chồng bước đầu tự công khai tiền lương của anh. “Mình nghe được, liền khen chồng ngay, kiểu anh giỏi thế, kiếm được khá thế, chẳng bù cho em hay anh chàng A, B, C nào đó” - chị cười kể.

Chị Ngân nói, chị sẽ  không bắt ép chồng trong vấn đề tiền nong mà kiên nhẫn chờ đợi anh tự nguyện. Không lâu sau, chồng chị đã tiến một bước dài khi quyết định đưa hết lương cho vợ tay hòm chìa khóa, chỉ giữ lại 1 khoản tiêu vặt. “Nhưng mình cũng không lấy đó làm tự mãn, cuộc chiến còn gian khổ lắm” - chị cười lớn nói. Chị cho hay, chị luôn để lại cho chồng tiền tiêu vặt nhiều hơn số anh yêu cầu, 1 là để chồng nghĩ chị rộng lượng, 2 là để anh thoải mái 1 chút trong chi tiêu dù chị biết anh cũng khá tiết kiệm, 3 là để anh có khoản gì muốn tiêu nhưng khó nói với vợ thì cũng có thể có. Chị cũng không bao giờ keo kiệt với nhà nội, mỗi lần biếu ông bà 1 món, chị đều ca ngợi công lao của anh khiến ai cũng được nở mày nở mặt.

“Tiền trong nhà có bao nhiêu, thu chi thế nào, mình đều thông báo với chồng đầy đủ. Chồng cần khoản gì chính đáng, mình đều không chi li, để cho chồng hiểu, mình chỉ là cái ngân hàng giữ tiền mà chồng là chủ tài khoản, muốn rút lúc nào có lúc ấy, chứ không phải cái két sắt chồng không hề biết mã số, chịu chết không rút được. Chính vì thế, thành quả của mình là giờ đây, khi mua bất kỳ cái gì, dù là cái áo, chồng cũng hỏi ý kiến mình. Có bất kỳ khoản tiền nào chồng đều về đưa hết cho mình, rồi 2 vợ chồng lại nằm ôm nhau lên kế hoạch chi dùng cho khoản tiền đó” - cô vợ khôn ngoan cười tươi rói thổ lộ.

Theo Mẫu Đơn (Afamily.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật