Cán cân gia đình và công việc ở Nhật Bản rất riêng biệt: đàn ông làm việc nước, phụ nữ làm việc nhà.
Dựa trên những kết quả trên, Nhật Bản có vẻ không phải là một quốc gia lý tưởng cho phụ nữ, nhưng bạn đã lầm. Trong khi khoảng cách giới tính trong công sở, nền kinh tế và chính trị là rất lớn, những yếu tố xã hội khác lại cho thấy phụ nữ Nhật nắm quyền rất lớn trong tay.
Sáng kiến mới của Thủ tướng Shinzo Abe là “kinh tế nữ giới”, nhắm đến việc phá vỡ văn hóa doanh nghiệp truyền thống – tức là công sở chủ yếu là nơi dành cho nam giới - để tạo điều kiện cho nữ giới duy trì công việc và phát triển sự nghiệp sau khi sinh con. Hiện tại, 50 - 60% phụ nữ Nhật nghỉ việc sau khi sinh con. Sáng kiến “kinh tế nữ giới” đặt mục tiêu đưa một triệu phụ nữ quay trở lại công sở. Thủ tướng Abe phát biểu, hy vọng thúc đẩy ít nhất 54,5% phụ nữ chuyển từ các công việc bán thời gian sang toàn thời gian.
1. Làm mẹ được coi là một nghề đáng tôn trọng ở Nhật
Ở Nhật, làm mẹ thực sự được coi là một nghề của người phụ nữ. Người mẹ cống hiến 100% sức lực với việc chăm sóc con cái, quan tâm việc học và lo toan việc nhà. Và đây là điều mà họ cực kì tự hào về bản thân. Thực tế, rất nhiều người Nhật không hiểu nổi vì sao những người phụ nữ ở nhà nội trợ không được coi trọng tại nhiều nước phương Tây. Nhấn mạnh vào việc tạo sự gắn kết tình cảm với các con (luôn bên con mọi lúc), dạy chúng điều hay lẽ phải (trẻ bắt đầu đi mẫu giáo từ năm 3 tuổi), trông con, nấu những bữa ăn đầy đủ dưỡng chất và chăm sóc sức khỏe cho con. Người mẹ được cho là phải tận tâm hết sức chăm lo cho con mọi điều. Nếu bạn còn nghi ngờ đều đó, hãy xem lại trào lưu chuẩn bị cơm hộp cho con của các bà mẹ Nhật. Phụ nữ Nhật kì công dành nhiều giờ liền để chuẩn bị những bữa cơm trưa rất dễ thương cho con mang đến trường. Một khi trẻ đi học mẫu giáo, người mẹ cần theo sát con trong mọi hoạt động của trường, từ những việc thêu bảng tên của con lên đồ vật của con hay việc đảm bảo con biết thể hiện thái độ đúng mực với giáo viên, người lớn tuổi.
2. Phụ nữ Nhật có nền tảng giáo dục tốt
Trong khi rất nhiều phụ nữ đi học đại học và cao đẳng 4 năm, thì một phần lớn phụ nữ lại theo học tại các trường cao đẳng 2 năm để học các kĩ năng thư kí, kế toán, hoặc các lĩnh vực như dinh dưỡng, giáo dục mầm non, y tá, âm nhạc và văn học.
Bạn có nhận ra điều gì không? Tất cả những lĩnh vực này đều nhằm mục đích giúp họ trở thành một người mẹ tốt trong tương lai, trang bị đủ kiến thức để nuôi dạy con thật tốt. Sau đó, khi phải lo toan cho gia đình, cô ấy sẽ dành 2 năm tiếp theo để học cách trở thành một người mẹ đảm đang, cũng tương tự như việc học đại học để đi làm.
3. Phụ nữ nắm tay hòm chìa khóa trong gia đình
Không có gì ngạc nhiên khi phụ nữ là người nắm tay hòm chìa khóa trong gia đình. Người chồng sẽ đưa hết tiền lương cho vợ nắm giữ và chỉ nhận một phần tiền để tiêu vặt, khảo sát cho biết là khoảng 500 đôla/tháng. Phụ nữ thực sự là người nắm quyền. Họ cũng thường lập “quỹ đen” để chi tiêu cá nhân, đôi khi tự nuông chiều bản thân hoặc để dành cho lúc về già.
4. Hưởng thụ dịch vụ chăm sóc y tế tuyệt vời
Nói về dịch vụ thai sản, không đâu tuyệt vời như Nhật Bản. Với tỷ lệ sản phụ và trẻ sơ sinh tử vong thuộc loại thấp nhất trên thế giới, sản phụ thường không về nhà ngay sau khi sinh con. Thay vào đó, cả mẹ và bé được ở lại 5 - 10 ngày để nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe. Trong thời gian này, các bà mẹ sẽ chuyên gia hướng dẫn về việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Họ có thể chọn giữa bệnh viện tư và bệnh viện công để sinh con và bảo hiểm y tế xã hội sẽ chi trả một khoản tiêu chuẩn là 420.000 yên (tương đương 3.500 đôla) cho bà mẹ, số tiền này dựa trên chi phí trung bình cho một ca thai sản sinh con.
Thêm vào đó, bà ngoại cũng hỗ trợ trong tháng đầu tiên những việc như nấu nướng, dọn dẹp hay chăm sóc những đứa trẻ khác ở nhà và động viên, giúp đỡ con gái chăm sóc em bé mới sinh với kinh nghiệm của mình.
5. Người mẹ luôn có quyền giám hộ con sau khi ly hôn
Theo luật Dân sự của Nhật Bản liên quan đến việc ly hôn, quyền nuôi dạy con được trao cho chỉ bố hoặc mẹ chứ không phải cả hai. Việc chia sẻ quyền nuôi con là bất hợp pháp và lịch sử cho thấy người mẹ luôn chiếm tỷ lệ giành được quyền nuôi con tới 80 - 90%. Người không có quyền nuôi con thường hiếm khi có dịp gặp lại con mình. Việc thăm con có thể được sắp xếp theo thỏa thuận hai bên nhưng nhiều phụ nữ không cho phép chồng gặp con.
Hajime Tanoue, luật sự về thị thực tại Văn phòng Luật biên giới quốc tế giải thích “Trước Thế chiến thứ 2, chỉ các ông bố được quyền giám hộ con. Nhưng sau chiến tranh, Đại tướng Douglas MacArthur đã thay đổi đạo luật này, trao lại quyền giám hộ con cho các bà mẹ trong trường hợp ly hôn. Các bà mẹ chiến thắng trong khoảng 90% số vụ giành quyền nuôi con. Một số bà mẹ kiên quyết không cho chồng gặp lại con nữa. Ngay cả khi tòa án quyết định người chồng có thể gặp con một lần mỗi tháng thì người vợ hoàn toàn có quyền từ chối mà không phải chịu bất kì hậu quả nào”.
Vì vậy, có thể nói, Nhật Bản không phải nơi người đàn ông nắm mọi quyền hành. Khi nói đến đời sống gia đình, người đàn ông thường dành trọn thời gian cho sự nghiệp và làm thêm giờ để chu cấp cho gia đình.
Với việc làm mẹ gần như được nâng tầm lên thành nghệ thuật, thật không khó để hiểu tại sao phụ nữ Nhật sẵn sàng gạt bỏ sự nghiệp sang một bên để toàn tâm nuôi dạy con cái trong khi văn hóa Nhật Bản chính là làm việc không ngừng nghỉ, đặt công việc lên trên gia đình và lương thấp – nguyên nhân cốt lõi đằng sau việc thiếu hụt lao động nữ toàn thời gian ở các công sở.
Một khi bạn coi việc làm mẹ là một công việc nghiêm túc, liệu có công bằng không khi yêu cầu phụ nữ chuyển sang một công việc khác chỉ vì nó có lợi hơn hoặc để đáp ứng nhu cầu lao động. Nếu một người phụ nữ chọn công việc nội trợ và cảm thấy hạnh phúc vì nó thì chẳng phải là đủ sao? Nếu bạn hỏi một người đàn ông bỏ học để theo đuổi giấc mơ trở thành thợ máy, bạn có yêu cầu anh ấy đổi nghề? Và nếu phụ nữ đi làm ở công sở, ai sẽ lấp đầy chỗ trống tại nhà?