Nói về việc truyền muối biển, nhà chị Lê Thị Hoa, 40 tuổi ở Vạn Phúc, Hà Đông là điển hình. Nhà chị có tất cả 5 người gồm mẹ chồng hơn 70 tuổi, 2 vợ chồng chị và 2 con gái. Tuy nhiên, mỗi khi người nhà ốm, cơ thể mệt mỏi, chị lại ngay lập tức nghĩ tới việc truyền muối biển.
“Nhà có người già nên mẹ chồng mình rất hay ốm, cơ thể mệt mỏi, chán ăn. Những lúc ấy mình thường đưa bà đi truyền muối biển tại một phòng khám tư gần nhà. Cứ truyền 2 chai muối biển và 1 chai nước hoa quả là bà lại khỏe và người dễ chịu” – chị Hoa tâm sự.
Không chỉ mẹ chồng chị mới hay truyền nước muối biển, vợ chồng và các con chị nếu ốm sốt sơ sơ, chị cũng đưa đi truyền nước cho nhanh khỏe.
“Có lần con gái mình bị sốt. Cứ uống thuốc hoài mà con không khỏi. Chưa kể con còn chóng mặt, không dậy đi học nổi nên ở nhà nằm bệt mấy hôm liền. Thế rồi, mình cho con đi truyền nước thì hôm trước hôm sau con đã khỏe lại luôn và đi học bình thường” – chị Hoa khoe.
Có những lúc người trong nhà không ốm đau gì nhà chị Hoa cũng rủ nhau đi truyền dịch, nước hoa quả. Ảnh minh họa. |
Thậm chí, có những lúc người trong nhà không ốm đau gì nhà chị Hoa cũng rủ nhau đi truyền dịch, nước hoa quả để mong đẹp da, tăng cường sức khỏe: “Có lúc người chẳng ốm đau gì nhưng muốn tăng cường sức khỏe, mát da mình cũng đi truyền 1-2 chai nước hoa quả”.
Lạm dụng truyền nước, nguy hiểm khôn lường
Theo bác sĩ, thạc sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi TƯ), hiện nay nhiều người rất hay lạm dụng truyền dịch. Bởi những người này quan niệm, dịch truyền không hại cho sức khỏe, ai cũng có thể truyền được mà lại khiến cơ thể khỏe khoắn hơn?!
Tuy nhiên, vị bác sĩ này cũng lý giải, truyền dịch tốt cho sức khỏe nhưng không phải lúc nào cũng có thể truyền và đặc biệt là không được lạm dụng. Ngược lại, nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố như thể bệnh, dịch được truyền, liều lượng, tốc độ…
Với người bị mất nước, cần bù lượng dịch đã mất do mắc một số bệnh như: Tiêu chảy, bị bỏng nặng, sốt cao, ăn uống kém, suy kiệt, bệnh nhân sau phẫu thuật tiêu hóa và một số trường hợp đặc biệt... cần được truyền dịch nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ.
Khi truyền dịch, người truyền có thể bị sốc. Ảnh minh họa. |
Nhưng nếu làm sai nguyên tắc có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Bởi khi truyền dịch, người truyền có thể bị sốc. Sốc có thể xảy ra tức thì hoặc sau khi truyền. Nếu truyền nhiều, tốc độ dịch chảy nhanh, bệnh nhân còn có thể bị phù phổi cấp, suy tim.
Khi bị sốc, bệnh nhân thường có biểu hiện như: Tức ngực, khó thở, co thắt thanh quản, co thắt phế quản, vật vã, tím tái, mạch nhanh, huyết áp tụt... Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.
Trước tình trạng lạm dụng truyền dịch của người dân cũng như nguy hại khi truyền dịch quá lạm dụng, vị bác sĩ này khuyến cáo, mọi người không nên truyền dịch tại nhà mà không có người theo dõi, không có đầy đủ thuốc men và phương tiện cấp cứu chống sốc sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Đặc biệt, khi ốm đau, nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và có hướng điều trị đúng bệnh.
Theo Vân Anh (Nguoiduatin.vn)