Nỗi oan ngoại tình của người vợ bất hạnh

03/03/2015 09:12:22

Càng ngày tình yêu của họ dần nhợt nhạt, rồi cao trào khi những người hàng xóm nghĩ chị đi ngoại tình.

Càng ngày tình yêu của họ dần nhợt nhạt, rồi cao trào khi những người hàng xóm nghĩ chị đi ngoại tình.

Ở cái miền quê nghèo lam lũ ấy, nghề mưu sinh chính chỉ có bám lấy mấy mảnh ruộng. Khi hai đứa trẻ học thấp thì chúng còn có được cái ăn, cái ở không mấy tốn kém vì có gì ăn nấy, có rau ăn rau, có cá ăn cá… Ông bà ngoại ở gần đó lâu lâu có tí thịt cũng mang qua cho tụi nhỏ. Thời gian khó khăn đó chắc chồng chị không hiểu thấu vì chính anh đang trong trại cải tạo.

Thời gian như thoi đưa. Ngày anh về cũng là ngày đứa lớn bắt đầu vào đại học, bao nhiêu nỗi lo, bao nhiêu khó khăn và vất vả gồng hết lên đôi vai của chị. Chị phải chạy đôn chạy đáo để lo có tiền cho con bé nhập học tận một trường ở thành phố trong khi quê chị ở tận miền biển xa xôi.

Chị bế tắc, tuyệt vọng vì không phải nghĩ cho mình mà nghĩ cho con mà thấy chảy nước mắt (Ảnh minh họa)

Là phụ nữ nhưng những việc nặng nhọc như phụ hồ, đào gốc cây,… nhẹ hơn là đi gặt thuê chị cũng không nề hà để có tiền trang trải cho cuộc sống. Mấy đứa trẻ chị để lại cho ông bà ngoại chăm nom. Và cứ thế biền biệt chị đi khắp nơi để kiếm tiền lo cho hai đứa trẻ. Ông bà ngoại cũng không khá giả gì mấy nên lo cho hai đứa cháu bất hạnh, chỉ biết thở dài khi nhắc tới chị (con Ba).

Ấy vậy mà, lòng người bạc lắm. Thấy ông bà ngoại nuôi hai đứa cháu bất hạnh ấy đấy nhưng cậu mợ gia cảnh thì khá giả không những không giúp cho hai cháu một bữa cơm mà còn bàn ra tán vào: “Cái gì cũng chỉ lo cho con gái, để dành cho cháu ngoại… để coi lũ vịt trời ấy có giúp được gì không”. Mỗi lần nghe những câu nói cay cú ấy ông bà chỉ biết chửi cháu mình, rồi ông say ông tìm cách đánh hai đứa trẻ. Đánh như để giải tỏa, đánh để cho thiên hạ thấy không phải ông bà nuông chiều cháu ngoại… Đánh rồi nhìn hai đứa bé ôm nhau khóc mà lòng thấy nhói đau.

Rồi một ngày ở quê xa có một người họ hàng về nhờ chị lên giúp việc nhà, bao ăn ở mỗi tháng 5 triệu. Ông bà ngoại ai cũng mừng cho chị vì cuối cùng cuộc đời vất vả dưới nắng tạm gác lại. "Mừng con Ba nó có một công việc ổn định để nuôi con nó ăn học”.

Tính chị vốn siêng năng, thật thà và chất phác của “gái quê” nên chị rất được lòng chủ. Thương cho gia cảnh khốn khó của chị, chủ nhà xem chị như con cháu trong nhà nên lễ tết thường cho thêm tiền chị về quê để sắm được chút gì đó cho ông bà và hai đứa nhỏ.

Thời gian trôi đi, con bé lớn đến năm 2 Đại học cũng là lúc chồng chị từ trại cải tạo trở về. Những tưởng gia đình đoàn viên hạnh phúc, nhưng nào ngờ thiên hạ ác mồm ác miệng lại đồn thổi rằng chị đi ngoại tình. Mà người ngoại tình không ai xa lạ chính là ông chủ nhà nơi chị làm.

Đời lắm trớ trêu thay, lúc trước kia chồng chị là một người hiền lành, chất phác nhưng chỉ vì bị người ta dồn nén vào thế đường cùng, cả nhà họ mang gậy gộc sang đòi đánh chỉ vì chỗ bán rau ngoài chợ, rồi trong cơn nông nổi anh đã sẵn con dao đâm người ta… Không tiền… Thế là 15 năm tù. Anh cải tạo tốt được giảm án, nhưng khi anh về tính nết anh đã thay đổi hẳn đi. Anh cộc cằn, khó chịu và những lời gièm pha của những người hàng xóm vô tâm ấy anh bắt chị nhất quyết phải nghỉ việc.

Chị chẳng biết phải nói sao cho anh hiểu? Nếu chị ngoại tình thì đã 13 năm về trước chị đã ngoại tình rồi không nhất thiết đợi anh về chị mới phải ngoại tình? Chị không thể nghỉ việc để theo anh bấp bênh với nghề hái tiêu, ca phê… cũng chỉ có mùa, rồi trông chờ vào mấy mảnh ruộng thuê của người ta trong khi mỗi năm tiền học phí của hai đứa nhỏ càng tăng. Chưa nói tới căn bệnh viêm khớp của chị cứ trời trở lạnh là nó lại hành chị đau nhức hết người. Vậy nhưng nói bao nhiêu cho anh hiểu khi chồng chị một mực bắt chị nghỉ làm, rồi còn tụi nhỏ cũng “cho tụi nó đi làm chứ con gái học nhiều cũng đi lấy chồng chẳng nhờ vả được gì?”.

Chị bế tắc, tuyệt vọng vì không phải nghĩ cho mình mà nghĩ cho con mà thấy chảy nước mắt. Rồi chị bỏ lại tất cả, kể cả cái điện thoại để trốn đi làm. Còn chồng chị thì gặp ai cũng bảo vợ bỏ nhà theo trai, rồi anh nói với ông bà ngoại rằng: “tôi mà tìm thấy nó, tui chặt khúc nó vứt xuống sông” . Ông bà ngoại chỉ biết thở dài… thở dài thườn thượt mà than rằng: “ Con Ba chắc kiếp trước nó nợ đời, nên giờ nó phải trả”.

Theo Ngọc Hoa (Dân Việt)

Nổi bật