Nhựa thông nhổ lông gà, vịt nhanh có độc hại?

19/04/2016 08:18:43

Việc dùng hóa chất nhổ lông gia cầm 10 phút 3 con, sạch cả lông măng đánh bại công nghệ nước sôi, máy vặt lông gà, nhíp nhổ. Những hóa chất này có độc hại không?

Việc dùng hóa chất nhổ lông gia cầm 10 phút 3 con, sạch cả lông măng đánh bại công nghệ nước sôi, máy vặt lông gà, nhíp nhổ. Những hóa chất này có độc hại không?
Nhiều nơi dùng chất “tẩy lông” gia cầm

Hóa chất giúp nhổ lông gà, lông vịt lại “nóng” khi ngày 11/4 vừa qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Hậu Giang) kết hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất và phát hiện cơ sở giết mổ gia cầm của ông Lê Đại Lợi (ở ấp Tân Bình 1, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ) sử dụng hóa chất để nhổ lông gà, vịt.
 

Để tẩy mùi hôi của vịt, dùng rượu trắng và muối xát đều lên da vịt, sau đó xả dưới vòi nước, vịt sẽ trắng và sạch. Ảnh: T.G


Việc dùng nhựa thông vặt lông gia cầm rộ lên ở Đồng bằng sông Cửu Long – xứ sở của vịt chạy đồng, mỗi ngày giết mổ hàng ngàn con vịt. Hóa chất dùng vào việc này là loại sáp màu vàng nhạt, không bao bì, nhãn mác, không rõ nguồn gốc được mua ở chợ hóa chất từ TP HCM về trộn với nhựa thông đun sôi lên là có nồi “hợp chất” nhổ lông gà, vịt siêu tốc. Tỷ lệ trộn của sáp và keo nhựa thông là 3:1, sau 3 phút là vặt sạch lông một con gà, sau 5-7 phút là vặt sạch cả lông măng của vịt. Vặt lông kiểu truyền thống mất 10-12 phút/con. Giá thuê vặt lông gà vịt thủ công 15.000-20.000 đồng/con, giờ vặt bằng hóa chất chỉ có 10.000 đồng/con.

Tại TP HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Phan Thiết, Hậu Giang… lực lượng quản lý thị trường đều đã phát hiện việc nhổ lông gà, vịt “siêu tốc” ở một số chợ và các cơ sở làm gà, vịt.

Theo cách này, gia cầm sau khi cắt tiết được nhúng nhanh vào nồi nước pha hóa chất rồi mới nhúng sang thùng nước lã. Lớp hóa chất làm lông của gia cầm đông cứng lại ngay, chỉ cần túm lớp mảng đen phủ ngoài là sạch bong, không bị rách, trầy da và đẹp mắt hơn so với cách nhổ lông thủ công, hay nhổ máy.

Nhựa thông khó ngấm vào thịt gia cầm

Hầu hết người hành nghề cho rằng, nhựa thông làm lông gia cầm chỉ ở khâu sơ chế chứ không phải chế biến. Sau khi làm sạch lông, gia cầm được rửa lại bằng nước sạch sẽ trôi hết hóa chất, nếu có dính chút nào thì khi nấu ở nhiệt độ cao độc hại cũng hết.

Nhận định về việc này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Sinh học và Công nghệ thực phẩm) cho biết, nhựa thông có tính chất kết dính làm các mảng lông kết lại, chỉ cần tuốt một lượt là sạch, tiết kiệm thời gian công sức cho con người. Nhưng ông Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm, riêng sáp màu vàng nhạt trộn cùng với nhựa thông có thành phần chính là paraphin, khi ăn vào sẽ không tiêu hóa được. Còn với nhựa thông khó có thể ngấm vào thịt gia cầm và chưa có căn cứ nào cho thấy nhựa thông có thể ngấm vào thịt gia cầm trong quá trình làm lông... “Nhựa thông cũng là loại gel khó hòa tan trong nước, vì thế cũng không thể thấm qua da gia cầm, bởi muốn ngấm qua được lớp da của gia cầm cần có những tác động vật lý, hóa học khác và thời gian cần dài. Nguyên do là các tế bào biểu bì ở người và động vật cấu tạo phức tạp và không phải hoạt chất nào cũng dễ thẩm thấu qua da. Nếu chỉ nhúng gia cầm qua nồi sáp - nhựa thông thì độc chất khó có thể ngấm qua da vào thịt gia cầm với thời gian ngắn. Người làm cũng chỉ trụng sơ rồi vớt ra rửa nước sạch thì nhựa thông sẽ không tích tụ trên da của gia cầm. Nếu có quá tay ngâm gà, vịt trong nước nhựa thông nóng, lớp da của gia cầm sẽ bị tuột theo lông đi, không đẹp mắt. Ngoài ra, nếu thịt gia cầm mà ngấm nhựa thông thì sẽ không thể ăn được vì thịt rất đắng”, TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Cũng theo TS Nguyễn Duy Thịnh, ông từng cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc người vặt lông gia cầm bằng sáp và nhựa thông sẽ làm hại chính mình. Theo đó, khi đun sôi nhựa thông sẽ sinh ra khí amoniac (NH3) mùi khai, rất độc vì có thể gây kích thích niêm mạc, mắt, dạ dày, gây co thắt cơ quan hô hấp, làm bỏng da… Sở dĩ nói người giết mổ gia cầm có nguy cơ làm hại chính mình vì họ thường xuyên hít phải khí độc khi khí thoát ra ngoài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chính họ, còn làm ô nhiễm môi trường vì khí thải của lò đốt tại các cơ sở phát sinh nhiều mùi hôi khó chịu cho những người ở quanh đó.
 
Theo Uyển Hương (Giadinh.net.vn)

Nổi bật