Nhiều người bệnh tiểu đường có thói quen ngâm chân nước muối hàng ngày để giữ ấm, đả thông kinh mạch, làm sạch và phòng ngừa biến chứng bàn chân. Tuy nhiên, cũng vì thói quen này người tiểu đường bị nhiễm trùng, hoại tử, phải cắt cụt chi...
Theo Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Huy Cường - nguyên Phó trưởng khoa Đái tháo đường Bệnh viện Nội tiết Trung ương: “Rất nhiều người bệnh dùng nước muối để ngâm chân khi thấy tê bì chân tay và muốn phòng biến chứng bàn chân.
Tuy nhiên, khi chân đã xuất hiện những vết xước, vi khuẩn từ kẽ móng chân sẽ khuếch tán làm cho vết thương trầm trọng hơn, lâu ngày dẫn đến loét và có thể gây hoại tử chân, phải cắt cụt chi.
Thêm vào đó, nếu đã có biến chứng thần kinh ngoại vi, gây mất cảm giác ở chân, tay, sẽ dễ bị bỏng khi ngâm chân vào nước quá nóng mà không hề hay biết.
Ngoài ra, sau khi ngâm chân, nếu người bệnh không lau thật khô các kẽ ngón chân, sẽ tạo điều kiện cho nấm phát triển”.
Người tiểu đường hãy ngừng ngâm chân nước muối |
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo người tiểu đường không nên ngâm chân nước muối mà chỉ nên rửa chân.
Vậy rửa chân như thế nào cho đúng?
Theo các chuyên gia y tế, người tiểu đường nên thiết lập thói quen chăm sóc bàn chân theo các bước sau:
- Trước khi rửa chân: vào 1 giờ nhất định nên quan sát thật kỹ bàn chân, móng chân, các kẽ ngón chân xem có vết xước, vết phồng rộp, vết thâm, chai chân không. Có thể sử dụng thêm đèn và gương để hỗ trợ.
- Dùng nhiệt kế đo nước hoặc nhờ người nhà kiểm tra hộ.
- Dùng xà phòng trung tính rửa sạch sẽ và kỹ lưỡng bàn chân, đặc biệt là các kẽ ngón chân.
- Lau khô bàn chân sau khi rửa, đặc biệt là các kẽ ngón chân. Có thể bôi kem dưỡng ẩm ở gót chân và bàn chân để phòng tránh những vết nứt.
- Cắt móng chân theo đường thẳng, không cắt ở cạnh góc móng chân. Nếu móng chân mọc quặp cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị dự phòng
Móng chân mọc quặp cần được đến thăm khám và điều trị dự phòng vết loét |
- Không được chườm nóng hoặc sưởi chân kể cả khi thấy tê bì hoặc lạnh chân để tránh bị bỏng hoặc tổn thương do nhiệt
- Ngoài ra, hãy đặt chân lên cao nếu có thể. Và hãy cử động tập thể dục cho ngón chân ít nhất 5 phút từ 2-3 lần mỗi ngày.
Làm gì để phòng chống biến chứng tê bì chân tay?
Theo các chuyên gia y tế, để phòng chống và hạn chế sự tăng nặng của biến chứng tê bì chân tay người bệnh cần kết hợp các yếu tố sau để kiểm soát được đường huyết ở ngưỡng an toàn:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống thích hợp. Nên có 3 bữa chính và 2 đến 3 bữa phụ.
- Luyện tập thể dục thường xuyên 30 phút mỗi ngày
Theo PV (Dân Trí)