Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM trong số trẻ đến khám viêm đường hô hấp trên, có đến 30% trẻ được chẩn đoán viêm VA hoặc amidan.
Mặc dù căn bệnh này không gây chết người nhưng nếu kéo dài dai dẳng, thể chất trẻ rất khó phát triển vì liên tục bị các cơn nóng sốt hành hạ.
Viêm VA hầu như không chừa trẻ nào
Đến phòng khám tai mũi họng - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), lúc nào cũng như muốn ngộp thở vì số bệnh nhân ngồi chờ đến lượt khám luôn quá tải. Đặc biệt, không khó để nhận thấy nét mặt lo lắng, bồn chồn hiện rõ trên gương mặt các ông bố bà mẹ dắt con đi khám, nhất là khi đứa bé có biểu hiện sốt cao.
“Ngồi nhìn số thứ tự nhảy trên tấm bảng điện tử trước phòng khám mà có cảm giác chẳng khác nào ngồi trên đống lửa”, chị T.T.M.L (34 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) than ngắn thở dài. Cậu con trai cậu 3 tuổi rưỡi của chị L. mặt đỏ au, cặp mắt lừ đừ nằm co ro trong lòng mẹ, thỉnh thoảng mè nheo: “Mẹ ơi, chút mẹ mua chiếc xe hơi màu đỏ đó cho con nha”. “Mẹ ơi, bác sĩ khám bệnh xong là mình được về nhà hả mẹ? Con muốn về nhà...”. Chị L. vỗ về: “Con ngoan, sắp đến lượt mình khám rồi, nhanh thôi, khám xong mẹ con mình về nhà ngay...”.
Không riêng gì chị L., hàng ghế bên cạnh, một cặp vợ chồng trẻ cũng “ra sức” lấy lòng cô con gái chừng 2 tuổi thỉnh thoảng ho sù sụ, than đau cổ. Một bà mẹ khác khổ sở nói: “Mỗi lần con viêm amidan, tôi dắt đi bác sĩ, rồi cho uống thuốc, được vài ngày cháu khỏi, nhưng sau một thời gian lại tái phát nên cảm thấy ám ảnh vô cùng”.
Khi hỏi tại sao không cắt amidan cho con, hầu hết các bậc phu huynh đều có chung quan điềm là sợ nguy hiểm, vì con còn quá nhỏ. Hơn nữa, nghe nhiều người nói 2 cục amidan như 2 “người lính” gác cổng không cho vi khuẩn xâm nhập vào cổ họng. Nếu cắt đi, vi khuẩn sẽ dễ dàng chui vào, khiến sức đề kháng yếu, càng dễ mắc bệnh thêm.
Triệu chứng viêm VA và amidan
Theo bác sĩ Đặng Hoàng Sơn - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, triệu chứng chung và đầu tiên của viêm VA và amidan là sốt, nhưng VA thì có xu hướng sổ mũi nhiều hoặc nghẹt mũi (nên trẻ thường há miệng để thở khi ngủ, từ đó xuất hiện tiếng ngáy), biếng ăn, hơi thở có mùi khó chịu. Nếu viêm VA xuất hiện kèm theo các biến chứng như viêm tai giữa, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, khò khè hoài không hết thì bệnh đã bước sang giai đoạn nghiêm trọng.
Trong khi đó, trẻ bị viêm amidan thì đau họng nhiều, khó nuốt, ngoài ra có thể nổi hạch ở cổ, hàm. Amidan sưng thì có mủ, chụp phim thấy VA khá to. Khi thấy các triệu chứng lâm sàng như: nóng sốt, ho, sổ mũi, đau họng... và nếu xác định công thức máu thấy có tình trạng nhiễm khuẩn thì sẽ được chẩn đoán viêm amidan. Viêm amidan lâu ngày và phì đại sẽ làm tắc nghẽn đường thở, khiến trẻ nghẹt mũi, sổ mũi, khó thở, nuốt nghẹn, nói ngọng, ngủ ngáy, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Có nên cắt amidan cho trẻ ?
Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn cho biết, trước nay chúng ta ít quan tâm đến bệnh này vì nghĩ đơn giản đó là bệnh cảm cúm thông thường. Sau này, khi chuyên khoa tai mũi họng phát triển, việc chẩn đoán ngày càng chuẩn xác hơn, nên chúng ta có cảm giác bệnh này trở nên phổ biến.
Nói về việc có nên cắt amidan cho trẻ nhỏ hay không, bác sĩ Sơn giải thích, amidan là một trong những bộ phận bảo vệ cơ thể, nếu nó không bị “bệnh” thì không nên cắt, nhưng nếu nó viêm đi viêm lại nhiều lần (5 lần/ năm), gây sốt liên tục, làm suy giảm sức đề kháng của trẻ thì không cần thiết giữ lại, phải loại bỏ ngay. Nếu amidan tái phát nhiều lần, cơ thể sẽ hình thành các kháng thể và những kháng thể này chạy đến máu, tích tụ lại trong các khớp ở tim, thận, gây ra những biến chứng như tiểu ra máu, viêm cầu thận cấp, hở van tim, suy tim, thấp khớp... rất nguy hiểm.
Thông thường trẻ từ 3 tuổi trở lên cắt amidan là an toàn nhất, riêng trẻ dưới 3 tuổi nếu thật sự không cần thiết không nên cắt, bởi dưới 3 tuổi amidan rất dễ mọc lại. Trong trường hợp trẻ dưới 3 tuổi có những triệu chứng nguy hiểm như ngưng thở khi ngủ, gây ảnh hưởng đến tính mạng thì mới cần loại bỏ amidan. Còn với trường hợp viêm VA, nếu bị viêm nặng, kèm theo các biến chứng: viêm tai giữa, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, khò khè hoài không hết, bắt đầu từ 12 tháng tuổi trở lên, bố mẹ có thể cho trẻ tiến hành nạo VA.
Hiện nay, việc cắt amidan không nguy hiểm như nhiều người vẫn nghĩ. Hơn nữa, chưa thông tin nào cho thấy cắt amidan gây chết người. Sau khi cắt xong, trẻ ở thành phố có thể về ngay trong ngày, còn bệnh nhân ngoài tỉnh thường lưu lại một đêm để cơ thể ổn định. Cơ vùng họng của trẻ mới cắt amidan xong thường co cúm lại, gây đau mỗi khi vận động, nên trẻ rất sợ nói, vì điều này nên các bậc phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, khi vết thương lành thì mọi thứ sẽ trở lại bình thường.
Các bậc phụ huynh nên biết rằng amidan tạo ra kháng thể để bảo vệ cơ thể, nhưng khi nó không còn tác dụng bảo vệ nữa thì không nên để lại, bác sĩ Sơn khuyến cáo.
Theo Cẩm Nhung (Thanh Niên Online)