Mùa thu, không nên ăn món gì khi bị ho?

04/10/2015 19:26:40

Một số món ăn ngon cần kiêng kị khi ho mà nhiều người không biết, nhất là với trẻ em nên đã bị ho dai, lâu khỏi.

 Một số món ăn ngon cần kiêng kị khi ho mà nhiều người không biết, nhất là với trẻ em nên đã bị ho dai, lâu khỏi.
Khổ vì không kiêng kị khi hoVì mẹ không kiêng nên cả tuần nay bé Tú 2 tuổi (Đường Bưởi, Hà Nội) bị ho, phải uống kháng sinh trị bệnh mà vẫn chưa khỏi.

Nhìn số thuốc kháng sinh chỉ còn 2 liều, mà bé Tú vẫn ho nhiều khiến bà mẹ trẻ lo lắng lắm. Đúng lúc đó thì bà nội bé ở quê ra thăm cháu, chị mừng quýnh bởi bà có rất nhiều mẹo dân gian trị bệnh trẻ em.

Thế là chị than phiền ngay với bà rằng cháu ho thế nào, ho dai ra sao, thuốc kháng sinh đã hết mà giờ vẫn chưa khỏi. Nghe mẹ bé Tú ca cẩm một hồi, bà hỏi: "Con uống kháng sinh nhiều sẽ mệt và nóng người. Thế mày cho con ăn uống thế nào?"
 
 
Mẹ Tú hồn nhiên rằng, để tăng sức khỏe, chị cho bé ăn các món ngon hơn mọi ngày theo ý thích của bé.
 
Như bé thích ăn mực tươi thì chị mua về xay nhuyễn, hết làm chả lại hấp, xào, nấu cháo cho con ăn.

Để đổi bữa thì mua các loại cá ngon như cá hồi, trứng cá, cá quả lọc thịt cho con ăn. Thế mà Tú ăn vẫn ít. May còn ăn bù khoai tây chiên, bimbim nên cũng… đỡ đói. Đồ uống thì Tú khoái uống nước dừa, ngày nào chị cũng mua một quả đục lỗ cho vào tủ lạnh để con khát thì lấy uống dần.

Bà nội Tú lắc đầu bảo: "Không kiêng, cho trẻ ăn uống như thế nên lâu khỏi là phải". Rồi bà giảng giải, uống thuốc tây thì ít khi phải kiêng, nhưng từ xa xưa trong dân gian khi bị ho thường kiêng một số món tanh, cay, mặn, ngọt… mà bây giờ nhiều người không chú ý nữa.

Cần kiêng món gì?

Mẹ bé Tú nghe nói vậy thì thắc mắc lắm, bèn đem những mẹo dân gian đó đi hỏi các thầy thuốc đông y, và mới vỡ ra nhiều điều.
 
 
Theo lương y đa khoa Đào Phan Toàn (Phòng khám Đông y Phan Toàn, 25 Phố Giắt, Triệu Sơn, Thanh Hóa), việc kiêng khem ăn uống khi ho là cần thiết. Đặc biệt có một số món ngon bồi dưỡng sức khỏe hàng ngày rất tốt, nhưng khi bị ho, cảm cúm thì không nên cho ăn kẻo sẽ bị ho dai, lâu khỏi.

1. Cá mực và các loại hải sản như cá, tôm, cua là những món ngon, rất giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe khi khỏe mạnh. Nhưng khi ho ăn vào cơn ho sẽ tăng nặng, nhất là trẻ nhỏ. Mùi tanh của thủy hải sản còn dễ gây nôn ói, khó thở, dị ứng... Muốn bồi dưỡng thì chờ khỏi ho hãy cho ăn.

2. Các loại cá muối, thịt xông khói, thực phẩm có hàm lượng muối cao, đồ ăn ngọt (bánh kẹo, đồ ăn vặt có nhiều đường) cũng làm cơn ho thêm nặng.

3. Các món khoái khẩu như bimbim, khoai tây, đồ ăn chiên rán… càng không nên ăn khi ho, bởi sẽ tăng tiết dịch đờm, ho thêm trầm trọng.

4. Lạc (đậu phộng), hạt dưa, hạt hướng dương, socola nhiều dầu, ăn vào sẽ tăng đờm, gây ho.

5. Một số hoa quả như xoài, chuối, quít khi ho, cảm cúm không nên ăn vì sẽ ảnh hưởng tới hệ hô hấp, ho nặng hơn. Vỏ quýt tuy chữa được ho và làm long đờm, nhưng múi quít lại làm cơ thể sinh nhiệt, sinh dịch đờm hơn.

6. Nước dừa, nước mía tính mát, khi bị ho thì nên tránh, không dùng.
 

Thủy hải sản là những món ngon cần kiêng kị khi ho.

 
Nên ăn gì?
 
Thấy mẹ bé Tú băn khoăn, nếu kiêng kị khi ho với các món ăn, hoa quả như trên thì nên cho trẻ ăn gì? Lương y Đào Phan Toàn khuyên:

- Nên cho trẻ ăn hoa quả nhiều nước như dưa hấu, dứa, táo, lê, nho… và các loại quả giàu vitamin C (cam, chanh, bưởi, táo…) để tăng khả năng thải độc, tăng sức đề kháng đẩy lùi bệnh. Hoặc uống các loại nước ép cà rốt, táo, nho… và các loại sinh tố ít ngọt rất tốt. Nhưng dù nước lọc, nước quả luôn cần uống nóng mới giúp thông hơi, giảm chảy nước mũi (trẻ trên 1 tuổi có thể uống nước ép cà rốt pha mật ong, hoặc hẹ chưng đường phèn để giảm ho).

- Nếu uống sữa bột ấm thì nhớ uống nước lọc làm sạch họng ngay mới giảm được ho.

- Nếu phải uống kháng sinh, nên uống thêm nhiều nước rau muống luộc vắt chanh (không phải đồ chua khác) sẽ thải độc tốt.

Làm sao giảm ho?

- Mật ong nguyên chất mỗi sáng uống một thìa rất tốt để kháng khuẩn, virút, sinh miễn dịch, phòng ngừa ho.
- Khi đã bị ho thì bạc hà rất tốt để thông niêm mạc khi ho có đờm, viêm họng ngứa, sổ mũi. Nên dùng kẹo ngậm bạc hà 2-3 viên/ngày.

- Dấm táo (táo Mèo ngâm dấm) giúp diệt khuẩn, ức chế vi khuẩn kích thích tăng sinh miễn dịch. Ngoài uống trực tiếp (dùng 2 thìa dấm táo + 1 thìa mật ong, chia 2 lần vào sáng và tối), có thể nấu canh, mì.

Theo lương y Đào Phan Toàn, quan trọng nhất là luôn giữ ấm cổ, tai, bàn chân, nhất là trẻ em và người già vào buổi sáng và tối - khi nhiệt độ trong ngày xuống thấp là đã tránh được ho rất nhiều.

Lưu ý:

Ho có đờm và ngứa họng ngoài uống thuốc cần tránh một số món ăn để những ho.

- Hạn chế thực phẩm nhiều đường vì sẽ tăng ho.

- Nước đá giải nhiệt cần tránh kẻo khản, hoặc mất giọng.

- Đồ lạnh, thực phẩm trữ trong tủ lạnh cần hâm nóng trước khi ăn.

- Không ăn đồ cay để tránh sặc khi ho, tránh cả bị rát họng, sưng họng.

- Không ăn đồ nướng, rán chiên vì dễ xước họng, gây ho.

- Các món đặc khó nuốt (lòng đỏ trứng, súp khoai tây, súp khoai môn, xốt có bột đao) cũng không nên ăn vì dễ bị kẹt ở họng, kích thích ho.

Theo Hà Dương (Báo Gia Đình & Xã Hội)

Nổi bật