Nữ sinh ở Hà Nội nhập viện với 16 vết cắt trên cánh tay. Tuy nhiên, khi được hỏi, bệnh nhân cho biết không thấy đau.
Mong muốn được đi du học nhưng không được đáp ứng, bệnh nhân đã dùng vật sắc nhọn tự cắt vào tay. Bệnh nhân được đưa đến BV với 16 vết cắt ở cánh tay.
Bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các rối loạn Stress (BV Bạch Mai) cho biết, BV đang điều trị cho nữ bệnh nhân 21 tuổi (ở Hà Nội) đã tự cắt tay, ngược đãi bản thân.
Nguyên nhân chính là do gia đình không cho du học. Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân đang năm thứ 2 ở Hà Nội. Trước đó, bệnh nhân luôn muốn đi du học, nhưng do điều kiện gia đình không cho phép. Bệnh nhân cũng không chia sẻ với ai được nên luôn trong tâm trạng ức chế.
Nữ sinh này trăn trở về vấn đề này rất nhiều, dẫn đến mệt mỏi, nhưng không dám nói với ai. Cuối cùng nữ sinh chọn giải pháp tự cắt tay để giải tỏa ức chế. Gia đình phát hiện được đã đưa bệnh nhân vào Viện để điều trị.
Theo bác sĩ Tâm, bệnh nhân được đưa vào Viện với 16 vết cắt trên cánh tay. Tuy nhiên, khi được hỏi, bệnh nhân cho biết không thấy đau.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh nhân được các y bác sĩ chăm sóc, gia đình quan tâm hơn nên bệnh nhân không cắt tay nữa. Thay vào đó, bệnh nhân xuất hiện những cơn rối loạn vận động phân ly. Đó là những rối loạn về tâm lý để gây sự chú ý.
Bác sĩ Tâm cho biết, nữ sinh này mắc phải chứng tự ngược đãi bản thân.
Bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các rối loạn Stress (BV Bạch Mai) |
TS.BS.Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng sức khỏe tâm thần TƯ cho biết, tự ngược đãi bản thân là hình thức tự làm đau cả về thể chất hoặc tinh thần với mục đích loại trừ bản thân hay loại trừ những bất toại.
Khi bị bệnh, bệnh nhân thường có các dấu hiệu như tự gây đau bằng cách cắt cổ tay, cắt tay với những nhát sắc, nông đủ gây rỉ máu nhưng không tổn hại đến tính mạng. Bệnh nhân có thể cắt ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân còn biểu hiện tự lao đầu vào tường, tự đánh, tát, nhổ tóc,… Sau mỗi lần như vậy, bệnh nhân sẽ cảm thấy thoải mái hơn nên có xu thế tái diễn để giải phóng sự ức chế.
Bệnh nhân cũng có các biểu hiện khác như người mệt mỏi, buồn chấn, dễ cáu giận, rối loạn giấc ngủ; tim không đều, tăng huyết áp,…
Theo bác sĩ Phương, trẻ vị thành niên là đối tượng dễ mắc phải chứng tự ngược đãi bản thân nhất, bởi giáo dục vẫn nặng về kỷ luật. Gia đình dùng quyền uy gây sức ép, áp lực để uốn nắn con theo ý mình. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ để sở thích, đam mê, lối sống của trẻ dẫn tới những suy nghĩ bi quan, lệch lạc.
Theo Diệu Thu (Dân Việt)