Đừng bao giờ quên, phụ thuộc kinh tế là phụ thuộc chính trị. Chồng đi làm nuôi con đủ mệt rồi, đừng bắt chồng nuôi cả mình. Khi ấy, tự bản thân sẽ thấy tiếng nói của mình cứ nhỏ dần đi...
Lấy chồng, tự thân nó đã là một việc rất hên xui. Rất rất hên xui. Mà không phải ai cũng số may đến độ quay một phát trúng ngay Jackpot rồi ẵm 92 tỉ đồng, nôm na là kiếm được anh chồng soái ca đẹp trai lồng lộn như nam thần, tự nguyện dâng hiến cho em cả cuộc đời, tuổi trẻ, trái tim và một (vài) cái thẻ ngân hàng không-định-mức. Vậy nên khi yêu cuộc đời cứ hồng thế nào thì hồng, cưới nhau rồi, hôn nhân ngay lập tức sẽ phệt ngay vào mặt chị em một vài mảng màu khác, từ nâu đến đen tùy độ.
Ở nhà đang là công chúa, độc thân tung tẩy chả phải lo nghĩ gì, rồi cũng đến lúc lên xe hoa. May thì được lên đời hoàng hậu. Mà không may thì một phát mời em xuống làm ô-sin luôn và ngay, chỉ khác là tối được ngủ với anh chủ một cách đàng hoàng. Thôi coi như thế cũng là ân huệ rồi!
Tôi có cô bạn thân, chưa kịp tốt nghiệp đại học thì bác sĩ đã bảo cưới. Vậy là cưới. Chồng con một, nhà phố cổ, bố chức to, cô nàng chắc mẩm cưới xong sinh con ngon nghẻ là ổn, chẳng phải lo kiếm tiền làm gì. Nhưng đời nào như mơ! Sinh nở, rồi mất vài năm ở nhà nuôi con, các mối quan hệ xã hội và khả năng làm việc của nàng gần như về mo. Không công ăn việc làm, không biết làm gì để ra tiền, ngày ngày bạn tôi chẳng khác nào bà quản gia trong nhà, lo đủ từ cơm nước chợ búa đến dọn dẹp lau chùi nhà cửa, giặt giũ quần áo. Tiền, chồng vẫn đưa đều. Nhưng là đưa để vợ cất đi. Cứ thử tiêu mà không báo cáo xem, chồng sẽ truy đến nơi đến chốn, không quên cài một câu đau hơn bị tạt axit vào mặt, kiểu: “Ở nhà chẳng làm ra tiền mà tiêu hoang thế?!”. Dần dần, cô bạn tôi cứ nghe đến “tiền” là toát mồ hôi hột. Chồng có đưa đến mấy chục triệu cũng không dám tiêu quá vài trăm nghìn đồng định mức cho mỗi ngày. Hỏi nàng có định đi làm không, cô ấy bần thần hồi lâu rồi bảo: “Có khi tao đẻ luôn đứa nữa cho xong rồi làm gì thì làm”. |
Học cách chia sẻ gánh nặng kinh tế với chồng cũng là một cách giữ gìn tổ ấm (Ảnh mang tính minh họa) |
Bản thân tôi lại đối lập hoàn toàn với cô bạn mình. Trước khi yêu, tôi đã tự lo được cho bản thân, có công việc ổn định, lương khá. Tôi không hề dựa dẫm chồng, về mặt tài chính. Nhưng cái Tôi to đùng ấy, sự độc lập quá lớn ấy đã khiến tôi mắc một sai lầm: Tôi không thèm quan tâm và quản lí tiền của chồng. Anh đưa bao nhiêu, tôi biết vậy. Cầm và để đấy chứ không bao giờ tiêu. Cho đến một ngày tôi phát hiện ra, chồng tôi làm được gấp 5 lần số tiền anh đưa cho tôi hàng tháng. Và tiền không đưa vợ, anh làm quỹ đen, hay có em nào đánh hơi thấy rồi “bon chen” không thì tôi cũng chịu!
Vậy đấy. Ai bảo lấy chồng là sướng? Ẻo lả phụ thuộc quá khổ một kiểu, độc lập quá lại khổ kiểu khác. Câu hỏi khiến chị em cứ đau đáu ấy là: Làm sao để cưới rồi mà chồng vẫn coi mình là bà hoàng, công chúa? Làm sao để vợ chồng có được sự tôn trọng nhất định dành cho nhau?
Câu trả lời thực sự rất đơn giản: Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện kết hôn khi chưa độc lập về tài chính, nhưng cũng phải biết khéo léo và hạ thấp cái Tôi, lòng tự trọng của mình xuống. Đi làm dù chỉ đủ tiền xăng xe ăn trưa cũng phải cố mà lết đi. Đừng chỉ ở nhà, đầu chổng vào mông chổng ra, lúc nào cũng thơm mùi tỏi hành chanh ớt và mong chồng sẽ thấu hiểu, sẽ trân trọng, sẽ nâng niu và không làm gì có lỗi với mình. Cái đó không bao giờ có!
Kiếm được tiền, cũng đừng coi tiền chồng đưa là cỏ rác và không thèm động vào. Kể cả bản thân kiếm được tiền tỉ, bạn cũng phải học cách chia sẻ và quản lí tài chính giùm chồng. Đôi lúc hãy tỏ ra túng thiếu một chút, nghèo khổ một chút. Để làm gì ư? Để chồng thương và thốt ra câu:“Em cứ lấy tiền mà tiêu đừng tiết kiệm quá thế!”. Đừng cướp mất vai trò trụ cột của chồng trong gia đình, bằng cách lúc nào cũng tỏ ra trên phân chàng trong lĩnh vực cày kéo. Đàn ông yếu thế, cũng sẽ đi ngoại tình, chỉ để tìm lại cảm giác mình là vua, là người tài giỏi nhất. Đừng bao giờ quên, phụ thuộc kinh tế là phụ thuộc chính trị. Chồng đi làm nuôi con đủ mệt rồi, đừng bắt chồng nuôi cả mình. Khi ấy, tự bản thân sẽ thấy tiếng nói của mình cứ nhỏ dần đi, rồi chẳng mấy chốc chẳng còn tý kilo nào nữa. Tất nhiên, chồng có khả năng nuôi cả nhà thì cực kỳ đáng hoan nghênh. Nhưng làm vợ, ít nhất cũng phải học cách chia sẻ gánh nặng kinh tế với chồng mình chứ, không phải vậy sao?
Ai đó đã nói, khóc trên con Mẹc còn hơn cười trên chiếc xe đạp? Mẹc đã không phải của mình mà còn phải khóc thì đúng là đau khổ quá. Version chuẩn hơn sẽ là: Thà cười trên con Matiz của mình, còn hơn phải khóc trên con Phantom của người khác.
Vậy nên “phụ nữ dại mới ngại tiêu tiền chồng”, còn phụ nữ khôn phải biết chôn tiền mình kiếm được ở bốn chân giường đề phòng bất trắc, và vẫn cầm tiền chồng, chi tiêu sao cho hợp lí, không ki bo bủn xỉn quá đáng với bản thân. Hãy để chồng là soái ca của mình, còn mình là soái nương của chồng.
Khi ấy, tự khắc vợ chồng sẽ tôn trọng, yêu thương và thấu hiểu nhau, một cách chân thành.
Theo M.S (aFamily.vn/Trí thức trẻ)