Tuy nhiên, ông Cảm nhận định, trong nước đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm Zika, nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập vào Hà Nội là rất lớn do giao lưu đi lại. “Muỗi Aedes (muỗi vằn) truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền vi rút Zika lưu hành phổ biến tại Hà Nội. Hiện 584 xã, phường của thành phố đều ghi nhận sự lưu hành muỗi truyền Zika. Mật độ muỗi này sẽ còn tăng cao trong các tháng tới, là yếu tố tăng nguy cơ xuất hiện ca bệnh Zika”, ông Cảm nhận định.
|
UBND Thành phố Hà Nội đã họp bàn phương pháp phòng chống bệnh do virus Zika gây ra.
|
Do đó để chủ động ứng phó dịch, Sở Y tế Hà Nội quyết định thành lập, tập huấn cho 65 đội phòng chống dịch cơ động tại 30 quận, huyện, sẵn sàng xử lý khi có ổ dịch. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế sẽ tăng cường phối hợp sân bay Nội Bài giám sát thân nhiệt 7.000 – 8.000 hành khách quốc tế nhập cảnh mỗi ngày để phát hiện sớm những hành khách có triệu chứng nghi ngờ.
Về công tác điều trị, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện đa khoa Đống Đa là đầu ngành truyền nhiễm xây dựng phương án phân tuyến tiếp nhận, cấp cứu, điều trị hợp lý theo từng cấp độ dịch. Tại các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế, thuốc, dịch truyền, hóa chất xử lý môi trường phục vụ công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân nhiễm vi rút Zika.
Bố trí buồng khám sàng lọc bệnh nhân tại khoa khám bệnh, bố trí khu vực điều trị cách ly theo phân tuyến để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Áp dụng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây chéo trong bệnh viện.
Cũng tại cuộc họp này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, Hà Nội là một nơi nguy cơ rất lớn với dịch bệnh do vi rút Zika do khách du lịch, người nước ngoài và người từ các tỉnh, thành trong nước có lưu hành bệnh do vi rút Zika có thể lây truyền cho người dân Hà Nội.
Trong tháng 4, tháng 5, Hà Nội bắt đầu vào mùa dịch sốt xuất huyết, do vậy chủ động giám sát dịch, diệt muỗi, diệt loăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành là việc cần phải làm. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về bệnh đến người dân, đặc biệt là vấn đề liên quan đến chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh được sinh ra từ những bà mẹ có thai trong 3 tháng đầu bị nhiễm vi rút Zika. Cần khuyến cáo người dân không phải tất cả các bà mẹ nhiễm vi rút Zika đều sinh ra trẻ bị bệnh đầu nhỏ.
|
Con kênh nằm ở phường Quảng An và Tứ Liên (Tây Hồ) là nguyên nhân chính khiến muỗi sản sinh nhiều. |
“Hà Nội phải xây dựng kịch bản sẵn cho công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Ngay sau cuộc họp, Sở Y tế Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã đã ký cam kết thực hiện các biện pháp chủ động phòng dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết.
>> Muỗi truyền bệnh Zika nghi xuất hiện tại sân bay Đà Nẵng
>> Thêm nhiều chứng bệnh nguy hiểm liên quan đến virus Zika
>> Cách chăm sóc thai phụ sống trong vùng dịch do virus Zika
Theo Lê Phương (Khampha.vn)