Giữ tình yêu bền lâu khi vợ chồng sống xa nhau

24/09/2015 10:50:13

Vì lý do tài chính, công việc… mà nhiều đôi vợ chồng có thời gian sống xa nhau còn nhiều hơn là ở bên cạnh nhau. Nhưng không vì thế mà tình cảm của họ bị phai nhạt đi, mà ngược lại còn nồng thắm hơn cả những đôi vợ chồng suốt ngày bên nhau.

Vì lý do tài chính, công việc… mà nhiều đôi vợ chồng có thời gian sống xa nhau còn nhiều hơn là ở bên cạnh nhau. Nhưng không vì thế mà tình cảm của họ bị phai nhạt đi, mà ngược lại còn nồng thắm hơn cả những đôi vợ chồng suốt ngày bên nhau.

Các cặp vợ chồng yêu thương nhau nhưng phải sống xa nhau được các nhà xã hội học gọi một cái tên chính thức là ‘Living Apart Together’, hay LAT, có nghĩa là “sống xa cùng nhau”. “Hơn một phần năm dân số Anh quốc vốn được xếp vào loại độc thân thật ra lại đang hẹn hò nhưng không sống chung cùng với người yêu của mình. Con số này là khoảng 5 triệu người, tức 9% dân số trưởng thành” – bà Sasha Roseneil, giáo sư xã hội học ở Birkbeck, Đại học London, người đã nghiên cứu nhóm dân cư đặc thù này, cho biết.

Ảnh minh họa.


Khoảng một phần ba trong số những người này cho biết họ không thích sống chung bởi vì họ muốn giữ nhà riêng của mình và đang ưu tiên cho những trách nhiệm khác. Và khoảng 10% phải sống trong cảnh LAT bởi vì bạn đời của họ phải đi làm việc hoặc học hành ở nơi khác.

“Đối với một bộ phận tương đối nhỏ những người đàn ông và phụ nữ vốn coi trọng sự nghiệp, việc sống như vợ chồng nhưng phải xa nhau trở thành điều không thể tránh khỏi, nhất là trong những ngành nghề mà khó cho cả vợ hay chồng cùng kiếm được việc làm ở cùng thành phố” - bà Roseneil phân tích.

Ở Australia, khoảng từ 7 cho đến 9% người dân trưởng thành có bạn đời sống ở nơi khác, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Gia đình Australia. Ở Mỹ, 3,6 triệu những người trưởng thành đã kết hôn sống xa bạn đời, theo Cục điều tra dân số Mỹ. Ở Canada, 7% người trưởng thành có mối quan hệ vợ chồng bền vững nhưng không ở cùng địa chỉ, theo Cục Thống kê Canada.

“Đối với nhiều người, việc sắp xếp cuộc sống như thế này giúp cho họ sự linh động để đáp ứng được những yêu cầu của cuộc sống hiện đại và cân bằng giữa tình cảm vợ chồng và sự độc lập,” Miranda Phillips, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Xã hội NatCen ở Anh, cho biết.

Những cách thức gìn giữ tình yêu hiệu quả:

Chuẩn bị tâm lý

“Bạn sẽ cần phải độc lập và tin tưởng bạn đời, và cần có kỹ năng giao tiếp tốt, có tiền để đi lại và sức chịu đựng về tâm lý để có thể sống một mình. Nếu bạn có nhu cầu gặp người bạn đời mỗi ngày thì cách sống này sẽ không thích hợp cho bạn” - Bela Gandhi, người sáng lập và giám đốc điều hành của Smart Dating Academy ở Mỹ cho hay.

Bàn bạc cụ thể với nhau

Các đôi vợ chồng xa nhau phải dành thời gian trước đó để bàn bạc xem gặp nhau như thế nào là tốt nhất, chẳng hạn như ai sẽ tới chỗ ai, mức độ thường xuyên sẽ là thế nào, và làm sao để trang trải nổi chi phí cần thiết cho cả hai chỗ ở. Nếu có chuyện gì trong quan hệ giữa hai người hoặc có bất kỳ vấn đề gì khác cần giải quyết cho xong thì hãy dành thời gian để làm việc đó.

“Hãy thành thật và thực tế về những điểm mạnh trong cuộc hôn nhân của bạn. Trong trường hợp của chúng tôi, chúng tôi cần cải thiện cách chuyện trò liên hệ với nhau. Chúng tôi đã hứa với nhau được vài tháng, và biết rằng chúng tôi sẽ phải giải quyết việc này, chúng tôi sẽ phải tìm ra cách để cải thiện mối liên hệ với nhau” – bà Pamela Juliano, một người vợ thường xuyên sống xa chồng chia sẻ.

Minh bạch về tình trạng hôn nhân

"Bạn cần phải rất minh bạch về tình trạng hôn nhân hay quan hệ tình cảm của mình. Nếu bạn là người duy nhất trong mối quan hệ tình cảm nghiêm túc thì bạn cần phải nói ra một cách dễ dàng rằng 'Đây là bạn trai của tôi', và điều đó đồng nghĩa với việc hai người sẽ không gặp gỡ hẹn hò hay tán tỉnh người khác” – bà Gandhi khẳng định.

Thỏa thuận về cách liên lạc

“Không phải ai cũng muốn giữ liên hệ theo cách giống nhau. Có thể bạn muốn gửi tin nhắn mỗi giờ, còn người bạn đời của bạn lại muốn chuyện trò qua điện thoại vào cuối ngày. Cho dù bạn muốn điều gì giữa hai người thì phải nói rõ với người bạn đời của mình và nếu hai người không có sự giống nhau thì có thể mỗi bên sẽ cần nhân nhượng nhau một chút cho phù hợp,” Gandhi tư vấn.

Chia sẻ gánh nặng chi phí

Những cuộc gặp mặt trực tiếp sẽ giữ lửa cho sự yêu thương. "Tuy nhiên, gánh nặng lớn nhất là chi phí đi lại và cả hai đều phải hiểu và cùng chia sẻ chi phí này” - Gandhi nói. Theo bà Gandhi, đây có thể là vấn đề nếu một trong hai người có điều kiện kinh tế khá hơn nhiều so với người kia, cho nên trong trường hợp đó, hai vợ chồng phải đề ra những gì mà hai người trông đợi ở nhau ngay từ đầu. “Không ai muốn cảm thấy mình bị lợi dụng hay không có tí vai trò gì trong mối quan hệ,” Gandhi nói.

Cùng tính đến chuyện sống chung

Hãy tính tới chuyện khi nào thì kết thúc việc sống xa nhau. Với hầu hết mọi người thì cách sống này không thể lâu bền được. Nếu hai người thực sự thấy ổn khi phải sống cách xa nhau mãi mãi thì có lẽ đã đến lúc nên đặt câu hỏi phải chăng đó là mối quan hệ phù hợp…

Theo Hà Anh (Suckhoedoisong.vn)

Nổi bật