Nghe vợ nói năm nay lại muốn ở nhà ngoại đón giao thừa, anh Bách vùng vằng: "Vậy em ở luôn cả Tết đi, khỏi về quê nội".
"Mình đã chiều vợ mấy năm rồi, cũng phân tích cho cô ấy hiểu như vậy là làm khó chồng. Năm nào mùng một thì gia đình các chị em gái, anh trai cũng tập trung ở nhà mình ăn uống rồi đi chúc Tết. Mọi năm, khi mọi người đã đến đông đủ, hai vợ chồng mình mới vác mặt về, bố mẹ không hài lòng, cả nhà cũng nói ra nói vào mãi", anh Bách kể.
Năm nay, nghĩ vợ đã hiểu chuyện và tự động cùng chồng về quê ngay sau ngày được nghỉ Tết nên khi nghe chị bày tỏ ý định ở lại đêm giao thừa nhà bố mẹ đẻ, anh đã vô cùng tức giận. "Cô ấy thực sự không biết điều. Từ mấy hôm nay tôi không thèm nói với vợ câu nào. Chiều thứ 6, sau khi nghỉ làm, tôi sẽ về quê luôn, mặc kệ vợ có về theo hay không", anh nói.
Ảnh minh họa: Lunchclick. |
Anh cho biết, bố mẹ vợ đang ở cùng anh trai vợ và anh về đó không hề thoải mái, nhất là nếu ở qua đêm. Trong khi đó, vợ anh không hiểu, lại cho chồng khách sáo, còn bảo "em ở nhà anh cũng có cảm giác vậy nhưng có kêu ca bao giờ". "Rõ ràng, ở quê nội, nhà bố mẹ cũng là nhà của chúng tôi, đâu thể so sánh như vậy", anh nói. Anh cho rằng, vợ mua vé xe về quê ngoại chẳng qua để dọa chứ chắc chắn chị sẽ không dám về đó nếu không có anh.
Cũng lấy lý do "ở nhà nội mình là chủ, về quê vợ thì mình như người thừa, vì ở đó mình không thể lo chuyện bếp núc như phụ nữ nên suốt mấy ngày chẳng biết làm gì", anh Xuân (Từ Liêm, Hà Nội) luôn thoái thác khi vợ rủ về nhà ngoại ăn Tết. Anh kể, quê vợ cách Hà Nội chỉ chưa đầy 100km. Mọi năm, vợ chồng anh vẫn về quê vợ gửi lễ trước 28 và mùng 3 hoặc mùng 4 thì đưa các con về chúc Tết.
"Như vậy là quá hợp lý rồi nhưng vợ vẫn thấy chưa đủ, đòi năm nay về ăn Tết với bố mẹ cô ấy trọn vẹn từ mùng một. Tôi chẳng hiểu vợ nghĩ gì mà nói vậy. Mình là người Á đông, phải tuân theo những phép tắc xưa nay chứ, sao có thể để hai ông bà già ở nhà một mình cả cái Tết để đi", anh Xuân nói.
Trong khi đó, vợ anh Xuân chia sẻ, bên ngoại nhà chị làm nông nghiệp, nhiều năm mùng 3 mọi người đã đi cấy, ra làm đồng nên về chẳng còn không khí Tết nữa. "Có lần mình về, bố thở dài bảo: "Giờ về thì ăn, chơi Tết với ai, cả làng đã ra đồng rồi kìa... Mình thực sự rất tủi thân", chị nói.
Nhà tâm lý Văn Thanh Sỹ, đường dây tư vấn 1088 TP HCM cho biết,Tết nguyên đán được coi là dịp đoàn tụ, là Tết của tình thân, nên hầu như ai cũng muốn được ở bên ruột thịt, những người gắn bó với họ từ thời nhỏ. Từ đó nảy sinh mâu thuẫn khi chồng muốn về với bố mẹ đẻ của mình và vợ cũng vậy.
Theo ông, sự bất đồng về mong muốn, nảy sinh mâu thuẫn giữa vợ chồng khi đưa ra quyết định ăn Tết ở đâu là điều hầu như nhà nào cũng gặp phải. Vấn đề là, các đôi cần giải quyết khéo léo, để những lý do trên không chi phối, làm ngày Tết mất vui.
Nhà tâm lý gợi ý, hai vợ chồng nên bình tĩnh ngồi lại bàn tính kế hoạch cho những ngày Tết từ trước. Nếu điều kiện thuận lợi, cả hai có thể cùng chia thời gian hợp lý để về được cả nhà nội và ngoại, còn không luân phiên năm nay ăn Tết bên này thì sang năm về bên kia.
Từng nhiều lần giận dỗi dịp cuối năm vì chuyện Tết nội, Tết ngoại, anh Long, hiện sống tại Triều Khúc, Hà Nội, quê ở Thái Bình, cho biết, 3 năm trở lại đây, vợ chồng anh đã tìm được tiếng nói chung về việc này khi cả hai hiểu và chịu nhường nhịn nhau hơn.